CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu mở rộng tại tỉnh Bắc Giang. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là CTCP Đo lường Chất lượng và Môi trường Hoàng Kim.
KCN Quang Châu ban đầu có diện tích 426 ha, nằm tại các xã Quang Châu, Vân Trung, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Dự án này được đầu tư bởi Sài Gòn - Bắc Giang, đến nay đã thu hút được 47 dự án đầu tư với tỷ lệ lấp đầy 100%.
Để mở rộng quy mô thu hút đầu tư, Sài Gòn - Bắc Giang đã đề xuất điều chỉnh mở rộng KCN Quang Châu. Năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng điều chỉnh, mở rộng KCN Quang Châu tỷ lệ 1/2000 và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng vào tháng 5/2022.
Sau khi điều chỉnh, KCN Quang Châu tăng diện tích thêm 90 ha thành 516 ha. Trong đó, thu hẹp lại ranh giới phía đông cho phù hợp với quy hoạch tuyến đường nối quốc lộ 37. Mở rộng ranh giới lên phía bắc, cách ranh giới cũ khoảng 70 m. Mở rộng ranh giới xuống phía nam, giáp một phần ranh giới KĐT Quang Châu và sát với các tuyến đường quy hoạch đã duyệt của quy hoạch chung đô thị Việt Yên. Mở rộng ranh giới phía tây bắc, giáp đường gom cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn.
Như vậy, ranh giới hiện nay của KCN Quang Châu mở rộng như sau: Phía bắc giáp đất nông nghiệp thôn Vân Cốc, xã Vân Trung; phía tây giáp tuyến đường Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; phía nam giáp thôn Đông Tiến, Nam Ngạn, xã Quang Châu; phía đông giáp thôn Quang Biểu, xã Quang Châu và thôn Trung Đồng, xã Vân Trung.
Các hạng mục được bổ sung sau khi mở rộng gồm 1 module xử lý nước thải công suất 7.000 m3/ngày; bổ sung 1 nhà máy xử lý nước sạch công suất 13.000 m3/ngày đêm; xây dựng mới các hạng mục hạ tầng kỹ thuật cho phần diện tích mở rộng 90 ha gồm đường giao thông nội bộ; cấp nước và phòng cháy, chữa cháy; cấp điện; thông tin liên lạc; thu gom và thoát nước mưa; thu gom và thoát nước thải.
Về hiện trạng, đối với phần diện tích KCN hiện hữu, chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thiện công tác đền bù, san nền trên phần diện tích đất của KCN hiện hữu: hiện trạng đang là đất công nghiệp, đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác.
Đối với phần diện tích 90 ha mở rộng, đất ở đô thị chiếm hơn 57,5 ha (đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng); đất chuyên trồng lúa nước hơn 27 ha; còn lại là đất nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây lâu năm, đất giao thông, thuỷ lợi...
Trong khu vực thực hiện dự án có 1 công trình tài sản công là kênh tiêu TQ1 (diện tích đất là 1,55 ha) do Công ty Công trình thủy lợi Nam Sông Thương quản lý. Công trình này được đề nghị được giữ nguyên công năng, không thu hồi đất và không bồi thường tài sản của công trình.
Về giải phóng mặt bằng, khu vực KCN hiện hữu hiện còn 9,5 ha chưa được đền bù giải phóng mặt bằng, chủ yếu là đất nông nghiệp của 170 hộ dân. Đối với phần mở rộng 90 ha, diện tích phải giải phóng mặt bằng là gần 31 ha, chủ yếu là đất lúa của khoảng 400 hộ dân.
Xung quanh KCN Quang Châu mở rộng có một số khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường.
Đầu tiên, dự án tiếp giáp nhiều khu dân cư (KDC). Phía tây là KDC thôn Núi Hiếu; phía nam giáp KDC thôn Đông Tiến; phía đông giáp KDC thôn Trung Đồng; cách 300 m về phía bắc có KDC thôn Vân Cốc. Cách 300 m về phía nam là KDC thôn Quang Biểu
Tiếp đến, vị trí này cách sông Cầu khoảng 850 m về phía đông nam. Nằm gần Kênh tiêu Quang Biểu là nguồn tiếp nhận nước thải trực tiếp của dự án, đi ngang qua dự án. Kênh tiêu T1 giáp dự án ở phía đông bắc. Khu vực này còn có 4 trạm bơm.
Cách dự án khoảng 450 m về phía đông bắc là chùa Vân Cốc thuộc xã Vân Trung; cách khoảng 100 m về phía tây là nhà thờ giáo Núi Hiểu thuộc xã Quang Châu. Phía tây dự án giáp khu vực đồn công an (thuộc lô đất CA cũ bị loại bỏ ra khỏi ranh giới dự án). Ngoài ra, bán kính 500 m từ khu vực thực hiện dự án có các công trình công cộng trường học như Trường tiểu học Vân Trung và Trường THCS Vân Trung.
Trong giai đoạn vận hành dự án, nước thải sinh hoạt của công nhân lao động và khu hành chính dịch vụ sau khi điều chỉnh mở rộng phát sinh khoảng 3.855 m3 /ngày. Nước thải công nghiệp phát sinh khoảng 23.564 m3 /ngày đêm. Các nhà máy hoạt động sẽ phát sinh mùi hôi, bụi, khí SO2, CO2, hơi hóa chất, hơi dung môi hữu cơ... Chất thải rắn công nghiệp từ hoạt động của các nhà máy dự kiến khối lượng phát sinh khoảng 253,75 tấn/ngày.
KCN hiện hữu được chia thành 2 tiểu lưu vực để thu gom nước thải: phía bắc kênh Quang Biểu và phía nam kênh Quang Biểu. Đối với khu mở rộng 90 ha, nước thải sẽ được thu gom về trạm bơm trung đặt tại vị trí lô KT6, sau đó bơm cưỡng bức về nhà máy xử lý tập trung của KCN.
Về thoát nước mưa, dự án được chia thành 2 lưu vực. Ở lưu vực phía nam, nước mưa sẽ được thu theo các tuyến cống được bố trí ngầm bên dưới vỉa vè các tuyến đường chảy vào nguồn tiếp nhận là kênh tiêu Quang Biểu qua 6 miệng xả. Lưu vực phía bắc chảy vào kênh tiêu T1 qua 3 miệng xả.
Về tiến độ thực hiện dự án, đối với phần hiện hữu, đang hoàn thiện các hạng mục còn lại trên phần đất 9,5 ha, dự kiến tháng 1/2023 hoàn thành các hạng mục đầu tư của giai đoạn 2 đưa vào vận hành đồng bộ khu hiện hữu.
Đối với phần diện tích 90 ha mở rộng, dự kiến quý I/2023 sẽ hoàn thành chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và thủ tục giao đất, cho thuê đất. Từ quý II/2023 - quý IV/2023 thi công xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Từ quý IV/2023 trở đi có thể cho thuê lại đất, nhà xưởng khi đủ điều kiện tiếp nhận các d án của các nhà đầu tư thứ cấp.
Tổng mức đầu tư của dự án này là 2.269 tỷ đồng, trong đó phần mở rộng chiếm 996 tỷ đồng và phần hiện hữu là 1.273 tỷ đồng. Riêng đối với phần mở rộng, vốn sở hữu của nhà đầu tư là 199 tỷ đồng và vốn huy động là 797 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 102 tỷ đồng, trong đó phần mở rộng gần 71 tỷ đồng.
CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang được thành lập vào tháng 4/2005, tính đến tháng 4/2021 có vốn điều lệ 220 tỷ đồng. Hiện nay, doanh nghiệp có trụ sở tại xã Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Mai Tuấn Dũng.
Sài Gòn - Bắc Giang được biết đến là công ty con của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC), một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Tính đến 30/9/2022, Kinh Bắc đang nắm 92,5% vốn điều lệ của Sài Gòn - Bắc Giang.
Hồi tháng 3/2021, HĐQT Kinh Bắc đã thông qua việc cho Sài Gòn - Bắc Giang vay tối đa 700 tỷ đồng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tài sản đảm bảo theo hình thức tín chấp. Trước đó vào tháng 2/2021, Kinh Bắc đã huy động thành công 200 tỷ đồng trái phiếu để cho Sài Gòn - Bắc Giang vay.
Ngày 25/11 vừa qua, Kinh Bắc đã có thông báo bổ sung tài sản đảm bảo là 1,1 triệu cổ phần của Sài Gòn - Bắc Giang làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu phát hành năm 2021. Việc bổ sung tài sản bảo đảm như trên không gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ gốc, lãi trái phiếu đã phát hành.
Nói thêm về tình hình kinh doanh của Kinh Bắc, 9 tháng đầu năm nay, công ty đạt doanh thu thuần 1.289 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế lũy kế đạt 2.137 tỷ đồng, tăng 192% so với cùng kỳ, tương đương 47,5% kế hoạch lãi hợp nhất sau thuế năm nay (4.500 tỷ đồng).
Dự án 12:21 | 18/11/2024
Dự án 16:30 | 25/10/2024
Dự án 19:00 | 23/10/2024
Dự án 11:11 | 22/10/2024
Dự án 11:52 | 21/10/2024
Dự án 12:00 | 07/10/2024
Dự án 06:30 | 03/10/2024
Dự án 13:17 | 02/10/2024