Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Khu dân cư Suối Tre tại tỉnh Bình Dương. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Trung tâm Quan trắc Môi trường Miền Nam.
Khu dân cư Suối Tre được phê duyệt quy hoạch 1/2000 vào năm 2007, đến năm 2008 được thay đổi chủ đầu tư, năm 2008 được điều chỉnh quy hoạch. Năm 2009, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho VSIP.
Dự án có tiện tích hơn 114,5 ha, thuộc địa phận ấp Suối Tre, thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên và khu phố 4, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên. Khu vực này gắn với đầu mối giao thông Cổng Xanh, nơi được quy hoạch phát triển thành đô thị – công nghiệp.
Phía bắc dự án giáp đất nông nghiệp thị trấn Tân Bình; phía nam giáp phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên; phía đông giáp KCN VSIP 2 mở rộng; phía tây giáp suối Tre. Dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 sẽ thực hiện trên diện tích 32,4 ha và giai đoạn 2 là 82,1 ha. Quy mô dân số tại đây là 15.614 người.
Trong cơ cấu sử dụng đất giai đoạn 1, diện tích đất ở chiếm khoảng 17,2 ha; đất thương mại dịch vụ 1,4 ha; đất giao thông 8,2 ha; đất cây xanh công viên 5,2 ha và đất hạ tầng kỹ thuật 0,5 ha. Các lô đất ở được bố trí công trình nhà ở với dạng nhà phố.
Vào năm 2016, giai đoạn 1 của dự án từng được điều chỉnh quy hoạch, thay đổi tính chất từ "nhà ở cho công nhân, người làm tại KCN VSIP 2 mở rộng; nhà ở tái định cư, nhà ở cho lao động dịch vụ trong và ngoài KCN VSIP 2 mở rộng" thành "đất ở xây dựng nhà ở tái định cư".
Ở giai đoạn 2, diện tích đất ở chiếm 39,4 ha; đất dịch vụ 3,6 ha; đất cây xanh 7,8 ha; đất thương mại dịch vụ 6,9 ha; đất giao thông 22,7 ha... Trong giai đoạn 2 dự án sẽ có 3.021 lô nhà ở liền kề và 65 lô biệt thự. Các công trình tại dự án sẽ có chiều cao 1 - 5 tầng.
Về hiện trạng sử dụng đất của dự án, đất nông nghiệp chiếm khoảng 109 ha (96,86%), trong đó có gần 79 ha đất trồng cây lâu năm, hơn 13 ha đất lúa, gần 4 ha đất trồng cây công nghiệp và các loại đất khác.
Trong khu vực dự án có Suối Cầu Tre là ranh giới của 2 xã Vĩnh Tân và Tân Bình. Lòng suối nhỏ 10 - 15m, về mùa mưa nước tràn ra cả hai bên suối. Về mùa khô, lưu lượng nước ít. Suối chỉ phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp. Lưu lượng nước suối không có khả năng cung cấp phục vụ phát triển công nghiệp và khu dân cư.
Khu vực quy hoạch dự án có nguồn nước ngầm dồi dào, song quá trình khai thác cho phát triển công nghiệp và đô thị sẽ phải khảo sát, đánh giá kỹ để tính toán mức độ cho phép khai thác tránh khai thác cạn kiệt, gây sụt, lún...
Trong giai đoạn vận hành, nước mưa sẽ được thoát theo độ dốc của san nền và cốt đường giao thông nội bộ, qua hệ thống cống trên các tuyến đường. Nước mưa trong các lô đất, trên đường được thu về các cửa thu có song chắn rác, sau đó tập chung chảy về các hố ga trên tuyến cống thoát nước mưa. Hệ thống giếng thu nước mưa được bố trí cách nhau khoảng 30 m.
Với chất thải sinh hoạt, Chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng với đơn vị có chức năng đến thu gom và vận chuyển đi xử lý chất thải sinh hoạt với tần suất 1 lần/ngày, tránh tình trạng lưu chứa chất thải tại khu chứa lâu ngày.
Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 23 triệu USD (hơn 404 tỷ đồng), trong đó vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án là gần 81 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 3/2023, dự án sẽ hoàn thành pháp lý ĐTM; tháng 4/2023 - tháng 12/2029 sẽ hoàn thành thủ tục đất đai, pháp lý xây dựng, chuẩn bị mặt bằng xây dựng các hạng mục công trình chính, các hạng mục phụ trợ và lắp đặt thiết bị. Từ tháng 1/2030 đi vào hoạt động.
Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) được thành lập vào năm 1996 với vốn điều lệ 946 tỷ đồng trên cơ sở hợp tác giữa hai Chính phủ là Singapore do SembCorp dẫn đầu và phía Việt Nam là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM).
Nói thêm về các cổ đông của VSIP, Sembcorp Development là một công ty con thuộc 100% sở hữu của Sembcorp Industries - một tập đoàn Singapore chuyên phát triển năng lượng, hàng hải và đô thị. Hiện nay, Sembcorp Industries có tổng tài sản hơn 23 tỷ SGD.
Riêng với Sembcorp Development, doanh nghiệp này đang sở hữu danh mục 14 dự án tại Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia với quỹ đất khoảng 11.000 ha. Thông tin từ Sembcorp, các dự án của đơn vị này đã thu hút hơn 41 tỷ USD đầu tư trực tiếp.
Về phía Becamex IDC, đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản KCN trên cả nước.
Becamex IDC tiền thân là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Bến Cát (Becamex) được ra đời từ năm 1976. Năm 2017, doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình TNHH MTV sang CTCP. Tính đến cuối quý III, vốn điều lệ của Becamex IDC là 10.350 tỷ đồng, tổng tài sản 49.228 tỷ đồng.
Hiện nay, Becamex IDC đang sở hữu 7 KCN với quỹ đất hàng nghìn ha, gồm KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 (1.288 ha); KCN Bàu Bàng (735 ha); KCN Bàu Bàng mở rộng (755 ha); KCN Thới Hoà (153 ha); KCN Cây Trường (490 ha). Tính đến cuối năm 2021, diện tích thương phẩm còn lại tại các KCN trên còn hơn 944 ha.
Trở lại với VSIP, tính đến cuối 2021, VSIP có vốn điều lệ 1.222 tỷ đồng, trong đó Becamex IDC nắm giữ 49%. Ở Việt Nam, VSIP đang sở hữu hàng loạt KCN, như VSIP Bình Dương 1, 2, 3; VSIP Bắc Ninh; VSIP Hải Phòng; VSIP Quảng Ngãi; VSIP Hải Dương; VSIP Nghệ An; VSIP Bình Thuận; VSIP Bình Định... Đi kèm với các KCN, VSIP cũng tích hợp các khu dân cư thương mại đi kèm.
Theo thông tin từ VSIP, đến nay các khu công nghiệp của doanh nghiệp đã thu hút được khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Báo cáo thường niên năm 2021 của Becamex IDC cho thấy, trong năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của VSIP là 8.009 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.795 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này đối với công ty mẹ VSIP lần lượt là 3.758 tỷ đồng và 856 tỷ đồng.
Cuối tháng 10 vừa qua, Liên doanh các nhà đầu tư Becamex IDC - VSIP JV- VSIP JSC đã được UBND TP Cần Thơ trao giấy chứng nhận đầu tư KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1. Dự án này có diện tích gần 294 ha, tổng mức đầu tư 3.718 tỷ đồng.
Dự án 12:21 | 18/11/2024
Dự án 16:30 | 25/10/2024
Dự án 19:00 | 23/10/2024
Dự án 11:11 | 22/10/2024
Dự án 11:52 | 21/10/2024
Dự án 12:00 | 07/10/2024
Dự án 06:30 | 03/10/2024
Dự án 13:17 | 02/10/2024