Thành viên Flamingo dự kiến hoàn thành khu du lịch tại Hồ Núi Cốc vào cuối năm 2024

Hồng Hạc Đại Lải - thành viên Tập đoàn Flamingo vừa được phê duyệt là nhà đầu tư trúng đấu giá đất thực hiện khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc, giai đoạn 1 tại TP Thái Nguyên.

Vị trí dự án của Hồng Hạc Đại Lải trên bản đồ. (Ảnh chụp từ ĐTM).

CTCP Hồng Hạc Đại Lải vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc, giai đoạn 1 tại xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH Tư vấn và Chuyển giao Công nghệ Môi trường Thăng Long.

Dự án này được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận cho CTCP Flamingo Holding Group nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ vào tháng 11/2019, đến tháng 3/2021 dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tháng 12/2021, Thái Nguyên bắt đầu duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án.

Ngày 3/8 vừa qua, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đến ngày 8/11 tỉnh đã duyệt kết quả trúng đấu giá đất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đối với Hồng Hạc Đại Lải.

Sẽ xây dựng 109 lô biệt thự, nhà vườn

Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc, giai đoạn 1 có tổng diện tích thực hiện hơn 18,9 ha, trong đó đất dịch vụ 0,6 ha; đất biệt thự du lịch 3,2 ha; đất cây xanh chuyên đề 12,4 ha; đất hạ tầng kỹ thuật 1.550 m2 và đất giao thông hơn 2,6 ha.

Dự án này tiếp giáp khu rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc ở phía Bắc; các phía còn lại của dự án được bao bọc bởi Hồ Núi Cốc. Bán kính 300 - 500 m quanh dự án là khu dân cư xã Tân Thái, huyện Đại Từ; cách 1,5 km là khu dân cư xã Phúc Xuân.

(Ảnh chụp từ ĐTM).

Dự án được chia thành 4 khu chính: Khu công trình biệt thự, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh chuyên đề và khu đón tiếp; Khu trung tâm dịch vụ; Khu đảo cây xanh chuyên đề 15; Khu đảo cây xanh chuyên đề 17 và bến thuyền. Quy mô phục vụ 50.000 - 70.000 khách/năm.

Công trình công cộng, dịch vụ tại đây gồm các công trình cao 1 - 3 tầng, mật độ xây dựng 75 - 80%. Tổng số lô biệt thự, nhà vườn tại dự án là 109 lô, được chia thành 6 khu vực, các lô được xây công trình 3 - 6 tầng, mật độ xây dựng 40 - 65%, tổng sàn xây dựng 65.458 m2, nằm đang xen với diện tích cây xanh hiện hữu.

 Phối cảnh các căn biệt thự tại dự án Hồ Núi Cốc. (Ảnh chụp từ ĐTM). 

Về hạ tầng giao thông, dự án sẽ có tuyến đường dẫn vào từ đường 270, mặt cắt ngang 29 m. Hệ thống giao thông nội bộ gồm 9 tuyến đường, trong đó có một số tuyến sẽ được bàn giao cho địa phương quản lý sau khi hoàn thành. Xuyên suốt dự án là tuyến đường ven hồ rộng 7,5 - 13,5 m. Giáp mặt hồ là tuyến đường phục vụ du lịch rộng 5,75 m.

Hiện trạng chủ yếu là đất rừng phòng hộ

Về hiện trạng sử dụng đất, trong tổng số 18,9 ha diện tích dự án, có 18,2 ha đất rừng phòng hộ thuộc Khu rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc (gồm 8,95 ha đất có rừng, còn lại là không rừng) và hơn 0,7 ha đất giao thông. Hiện nay, 18,2 ha này được giao cho 17 hộ dân xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên canh tác. Đối với 0,7 ha đất giao thông, chủ yếu là tuyến đường ven hồ, kết cấu bê tông nhựa, chiều dài khoảng 820 m, rộng 4 m, do UBND xã Phúc Xuân quản lý. 

Đối với 8,95 đất có rừng, đã được HĐND tỉnh Thái Nguyên duyệt chuyển mục đích sử dụng đất vào tháng 12/2019.

Về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, hiện khu vực dự án không có mạng lưới thu gom, thoát nước thải do không có cư dân sinh sống. Khu vực này cũng chưa có hệ thống cấp nước, điện và chiếu sáng.  

Hiện trạng đất khu vực dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Nước mưa tại khu vực này chủ yếu tự thấm vào đất canh tác và chảy tràn trên bề mặt theo độ dốc nền địa hình tự nhiên, thoát theo các khe tụ thuỷ nhỏ, sau đó chảy xuống rãnh thoát nước dọc tuyến đường ven hồ rồi thoát xuống Hồ Núi Cốc.

Giai đoạn vận hành, hệ thống thoát nước mưa sẽ được thiết kế theo nguyên lý tự chảy, toàn bộ nước mưa sau lắng cặn thoát ra Hồ Núi Cốc qua 8 cửa xả, trong đó khu công trình biệt thự và khu đón tiếp thoát qua 6 cửa. Nước thải sinh hoạt từ các căn biệt thự và khu dịch vụ công cộng được dẫn về trạm xử lý, sau đó thoát ra Hồ Núi Cốc qua 1 cửa xả.

Tổng mức đầu tư của dự án là 927,5 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hết khoảng 843 tỷ đồng và chi phí dự phòng 84 tỷ đồng. Về tiến độ cụ thể, từ quý II/2023, dự án sẽ bắt đầu triển khai xây dựng, đi vào vận hành từ quý IV/2024.

Chủ đầu tư là thành viên Tập đoàn Flamingo

Về chủ đầu tư, Hồng Hạc Đại Lại được ra đời từ năm 2009, hiện có trụ sở tại TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Tính đén tháng 8/2022, doanh nghiệp có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Hạnh và Tổng Giám đốc là bà Lê Thị Vân Anh. 

Tháng 8 vừa qua, Hồng Hạc Đại Lải đã được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án Làng văn hóa du lịch Tân Trào tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương với tổng mức đầu tư 663 tỷ đồng. 

Trước đó, vào tháng 2, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên đã công bố liên danh Flamingo Holding Group - Hồng Hạc Đại Lải là nhà đầu tư duy nhất đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Khu dân cư nông thôn mới Tân Thái tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ. 

Trên thị trường bất động sản, Hồng Hạc Đại Lải được biết đến là thành viên thuộc Flamingo Holding Group - doanh nghiệp đang đầu tư một số dự án nghỉ dưỡng như Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc), Flamingo Cát Bà (Hải Phòng), Flamingo Hải Tiến (Thanh Hóa),...

Một dự án của Hồng Hạc Đại Lải. (Ảnh: Flamingo).

Flamingo tiền thân là CTCP Xây dựng và Thương mại Hùng Vương thành lập từ năm 2008. Năm 2009, Flamingo thành lập Hồng Hạc Đại Lải để đầu tư dự án Flamingo Đại Lải ở Vĩnh Phúc. Năm 2017, Flamingo chuyển đổi thành mô hình group, hoạt động trong 4 lĩnh vực: Bất động sản, Dịch vụ nghỉ dưỡng, Du lịch lữ hành và Quy hoạch kiến trúc.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Flamingo ghi nhận lãi nhuận sau thuế hơn 143 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 30/6 là 2.505 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm. Tổng tài sản cũng đạt khoảng 7.290 tỷ đồng, tăng 11%. 

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu và hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng lần lượt đạt 1,91 lần và 0,34 lần, tương đương nợ phải trả khoảng 4.785 tỷ đồng và dư nợ trái phiếu khoảng 852 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/6. 

So sánh với thời điểm đầu năm, nợ phải trả của công ty đã tăng 17%, trong đó, khoản nợ trái phiếu là phát sinh thêm trong kỳ.