CTCP Xây dựng Công nghiệp Đông Dương (Indochina Industrial) vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp (CCN) Trác Văn tại thị xã Duy Tiên, Hà Nam. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là CTCP Tư vấn dự án và Xây dựng Thăng Long.
CCN Trác Văn được UBND tỉnh Hà Nam thành lập vào tháng 3/2022, đến tháng 6 phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tháng 8 vừa qua, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Công ty Đông Dương.
Dự án có diện tích gần 57 ha. Phía bắc giáp khu dân cư thôn Quan Phố, xã Chuyên Ngoại; phía tây giáp với kênh A4-13 và khu dân cư thôn Quan Phố, xã Chuyên Ngoại; phía đông giáp với đường Quốc lộ 38B; phía nam giáp với đường quy hoạch rộng 69 m.
Vị trí này nằm cách sông Châu Giang khoảng 2,8 km về phía nam và cách sông Hồng gần nhất khoảng 3 km về phía đông. Khu dân cư gần nhất cách dự án 50 m ở phía đông, thuộc thôn Tường Thụy, xã Trác Văn và thôn Quan Phố, xã Chuyên Ngoại ở phía tây và bắc.
Trong cơ cấu sử dụng đất của dự án, đất nhà máy, kho tàng có diện tích hơn 40 ha; đất hành chính, dịch vụ hơn 3 ha; đất cây xanh gần 6 ha; đất giao thông 6 ha; còn lại là đất hạ tầng kỹ thuật và đất mặt nước.
Các hạng mục tại dự án bao gồm san nền; xây đường giao thông; hệ thống điện chiếu sáng trên đường; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống phòng cháy chữa cháy; cây dọc đường và cây xanh cách ly; hạng mục cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, trạm xử lý nước thải do nhà thầu dịch vụ đầu tư.
Về hiện trạng sử dụng đất, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch dự án chủ yếu là đất nông nghiệp (trồng lúa, cây ăn quả), đất giao thông, đất nghĩa trang, đất kênh mương thủy lợi,… Không có đất ở trong phạm vi quy hoạch, chỉ có một số công trình nhà tạm.
Đất nông nghiệp trong phạm vi dự án phần lớn là đất trồng lúa của người dân địa phương thuộc xã Chuyên Ngoại và Trác Văn. Đất đai trong thị xã chủ yếu được hình thành do quá trình bồi lắng của phù sa hệ thống sông Hồng và sông Châu Giang. Trên đất màu cơ cấu cây trồng hiện nay chủ yếu trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, ổi, cam, nho đen, rau các loại, cỏ bò sữa…
Đất ao hồ tại khu vực này là loại đất này nằm trong quy hoạch được người dân địa phương sản xuất theo hình thức VAC nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, ao nhỏ chủ yếu thả các loại cá như rô phi, trắm, chép,..
Đất giao thông chủ yếu các là tuyến đường dân sinh tự phát phục vụ nông nghiệp và 1 tuyến đường bê tông khoảng 1,2km có bề rộng 3 m phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 2 xã Chuyên Ngoại và Trác Văn, kết nối giao thông với quốc lộ 38 và 38B đang xây dựng.
Ngoài ra, khu vực dự án có khoảng 16 mộ đất ở giữa dự án dự kiến sẽ được di dời trong quá trình triển khai. Trong khu vực chưa có hạ tầng hệ thống thông tin liên lạc.
Về hệ thống thoát nước, trong khu vực thực hiện dự án, nước mưa tự chảy xuống các vùng trũng thấp rồi thoát ra hệ thống kênh tiêu thủy lợi hiện hữu. Nguồn cấp nước dân cư hiện trạng được lấy từ hệ thống cấp nước sạch D250 trên đường QL38 phía bắc khu vực dự án.
Giai đoạn vận hành, hệ thống thoát nước mưa của CCN sẽ được xây dựng trên cơ sở bám sát tính chất lưu vực tự nhiên hiện có và thiết kế san nền, toàn bộ nước mưa của CCN sẽ được thu gom bằng các tuyến cống thoát nước mưa dọc đường và thoát về kênh tiêu A4-13 dọc phía tây dự án. Toàn bộ cụm công nghiệp có 5 cửa xả thoát nước mưa.
Về nước thải, khu vực triển khai dự án chủ yếu là ruộng đồng, không phát sinh nước thải và chất thải rắn sinh hoạt. Nước thải được chảy ra các mương thoát riêng dẫn vào các kênh mương hiện hữu, không ảnh hưởng đến khu vực thực hiện dự án.
Giai đoạn vận hành, nước thải sản xuất và sinh hoạt tại các nhà máy, xí nghiệp được thu gom, xử lý cục bộ tại nhà máy, sau đó thu gom và vận chuyển tới trạm xử lý nằm tại khu đất Hạ tầng kỹ thuật (HTKT) ở phía tây bắc dự án và dẫn ra 1 cửa xả.
Về bụi và khí thải, giai đoạn vận hành dự án sẽ được trồng cây xanh theo quy hoạch, tăng cường quét dọn vệ sinh, tưới nước, làm giảm bụi và khí thải. Thường xuyên kiểm tra dọn sạch khu vực trạm xử lý nước thải, khu tập kết rác,… Các nhà máy, xí nghiệp đầu tư vào CCN bảo đảm tỷ lệ trồng cây xanh, hoa, thảm cỏ đạt tối thiểu 10% diện tích nhà máy.
Về tiến độ thực hiện, giai đoạn quý I/2022 - quý IV/2022, dự án sẽ hoàn thành các thủ tục như duyệt quy hoạch, lập ĐTM, đền bù giải phóng mặt bằng... Từ quý I/2023 đến quý IV/2023 sẽ triển khai thi công theo phương pháp cuốn chiếu, giải phóng mặt bằng đến đâu thi công đến đó. Dự kiến trong quý IV/2023 sẽ hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để đưa vào vận hành.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 722 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường mặt bằng là 171 tỷ đồng, chi phí xây dựng là 413 tỷ đồng, chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng là 55 tỷ đồng...
Về chủ đầu tư của CCN Trác Văn, Công ty Đông Dương được thành lập vào tháng 11/2021 với vốn điều lệ 168 tỷ đồng, có trụ sở tại thị xã Duy Tiên, Hà Nam. Thời điểm thành lập, đại diện pháp luật kiêm Giám đốc công ty là bà Tạ Thị Xuyến.
Mới đây, ngày 30/11, vị trí Giám đốc của Đông Dương đã thay đổi, chuyển giao sang cho ông Phạm Ngọc Duyến. Đồng thời, doanh nghiệp cũng thực hiện tăng vốn điều lệ lên 268 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của người viết, ông Phạm Ngọc Duyến xuất thân là kỹ sư cầu đường, từng công tác tại một số doanh nghiệp xây dựng, bất động sản
Cụ thể, giai đoạn tháng 6/2022 - tháng 9/2007, ông là cán bộ kỹ thuật tại Công ty liên doanh công trình Hữu Nghị - Cienco 8. Tháng 10/2007 - 31/12/2009, ông Duyến công tác tại CTCP Thành Mỹ cũng trong vai trò cán bộ kỹ thuật.
Từ năm 2010, ông bắt đầu tham gia vào Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (mã chứng khoán: NHA) với vai trò trưởng phòng kỹ thuật. Tháng 4/2017, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc của Nam Hà Nội.
Ngày 21/9/2021, ông Duyến đã bán toàn bộ 700.000 cổ phiếu, tương đương 2,92% tỷ lệ sở hữu tại Nam Hà Nội. Sau khi hoàn thành giao dịch, ông còn nắm giữ gần 121.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 0,43% tại doanh nghiệp này. Theo báo cáo thường niên của Nhà Hà Nội, tính đến cuối năm 2021, ông Duyến không còn là Phó Tổng Giám đốc của công ty.
Nói thêm về Nhà Hà Nội, doanh nghiệp này tiền thân là Công ty TNHH Thành Mỹ được thành lập từ năm 2004, hiện có trụ sở tại CCN Cầu Giát, thị xã Duy Tiên, Hà Nam. Từ năm 2010, doanh nghiệp đổi tên như hiện nay. Nhà Hà Nội hiện hoạt động chính trong các lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, gồm đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, đô thị và khu dân cư.
Dự án 14:38 | 20/11/2024
Dự án 12:21 | 18/11/2024
Dự án 16:30 | 25/10/2024
Dự án 19:00 | 23/10/2024
Dự án 11:11 | 22/10/2024
Dự án 11:52 | 21/10/2024
Dự án 12:00 | 07/10/2024
Dự án 06:30 | 03/10/2024