Thành viên T&T dự kiến chi 149 tỷ đồng để GPMB Sân golf Tam Nông 2

Sân golf Tam Nông 2 có diện tích gần 75 ha, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2023. Chủ đầu tư dự án là Artexport, thành viên thuộc Tập đoàn T&T.

Phối cảnh Sân golf Tam Nông 2. (Ảnh chụp từ ĐTM).

CTCP Xuất nhập khẩu Thủ công Mỹ nghệ (Artexport) vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án Sân golf Tam Nông 2 tại các xã Lam Sơn, Quang Húc, huyện Tam Nông, Phú Thọ. Đơn vị lập báo cáo là Công ty TNHH TQB Phú Thọ.

Sân golf Tam Nông 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 4/2021, đến tháng 9/2021 được duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết. Dự án này nằm trong tổng thể Khu đô thị sinh thái, du lịch và nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông. 

Trước đó, vào tháng 2, Tập đoàn T&T chính thức khởi động dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông, gồm 5 phân khu chức năng gồm: Khu sân golf Tam Nông 1 đặt tại xã Lam Sơn với diện tích gần 93 ha; Khu sân golf Tam Nông 2 đặt tại xã Lam Sơn và xã Quang Húc, với diện tích gần 75 ha; Khu đô thị Quang Húc đặt tại xã Quang Húc với diện tích trên 37 ha; Khu đô thị Tam Nông đặt tại xã Thọ Văn với diện tích trên 21ha và Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng Tam Nông với diện tích 272 ha đặt tại xã Lam Sơn, xã Quang Húc và xã Thọ Văn.

Hơn 149 tỷ đồng giải phóng mặt bằng

Vị trí thực hiện dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Trở lại với Sân golf Tam Nông 2, dự án này có diện tích 75 ha, nằm ở khu vực phía tây nam của huyện Tam Nông, cách Hà Nội 60 km và cách Việt Trì 20 km về phía tây. Phía tây bắc dự án giáp đường tỉnh 315C và dân cư hiện trạng; phía đông bắc giáp hồ Phương Thịnh, dân cư hiện trạng và khu vực đất lâm nghiệp; phía đông nam và tây nam giáp khu vực đất lâm nghiệp.

Về hiện trạng, khu vực thực hiện dự án bao gồm đất khác trong nông nghiệp, đất trồng rừng sản xuất, đất mặt nước, đất nông nghiệp. Trong đó, có 1.027 hộ dân có đất với 89 công trình nhà tạm, 55 công trình nhà gạch, 07 công trình bê tông 1 tầng, 7 công trình bê tông 2 tầng.

Dự kiến, để tiến hành giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư thực hiện dự án, chủ đầu tư phải chi kinh phí 149 tỷ đồng.

Các hộ dân nằm trong dự án chủ yếu là nhà ở đã xây dựng lâu năm. Khu vực thực hiện dự án có kênh tiêu thoát nước phục vụ cho mục đích tưới tiêu của nhân dân trong vùng. Ngoài ra, gần khu vực dự án có trạm y tế, hợp tác xã và một số công trình công cộng khác.

Hệ thống giao thông hiện nay có tuyến đường tỉnh lộ 315C, tiếp giáp ranh giới phía nam và phía tây dự án là tuyến đường chính. Khu đất thực hiện dự án chủ yếu là đất trồng lúa, đất trồng rừng, ao, không có vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển và các khu dự trữ thiên nhiên. 

Hiện trạng khu vực thực hiện dự án. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Về tính chất, đây là dự án đầu tư xây dựng sân golf 18 hố đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy chuẩn hiện hành, đồng thời cung cấp các chức năng dịch vụ, giải trí, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng cho khách hàng trong và ngoài nước.

Trong đó, phần diện tích thuộc xã Quang Húc khoảng 59,4 ha; diện tích thuộc xã Lam Sơn khoảng 15,4 ha. Quy mô phục vụ khách đến chơi golf khoảng 400 - 500 khách; nhân viên phục vụ dịch vụ 300 - 400 người.

Trong cơ cấu sử dụng đất, đất ngoài sân golf là 5.443 m2, bao gồm đất đường giao thông đối ngoại; đất hạ tầng kỹ thuật 5.034 m2; đất thương mại dịch vụ 13.265 m2, cao tối đa 5 tầng, mật độ xây dựng 56%; đất công trình phụ trợ 2.271 m2; đất sân golf hơn 69 ha, mật độ xây dựng 1%.

Về hệ thống giao thông, khi đi vào hoạt động, các tuyến đường giao thông trong khu vực dự án sẽ được kết nối với các tuyến đường giao thông của huyện Tam Nông; tuyến đường trục chính khu vực đoạn từ tỉnh lộ 315C đến khu sân golf và lối vào chính của sân golf có mặt cắt hoàn thiện là 20,5 m; phía bắc khu vực quy hoạch là tuyến đường 17 m.

Khu vực thực hiện dự án không có hiện tượng ngập úng vào mùa mưa, tuy nhiên có đất mặt nước, kênh đất nên để đảm bảo phương án tiêu thoát nước, chủ đầu tư dự kiến đầu tư các cống tạm thoát nước tạm thời để phục vụ san lấp. Khi dự án hoàn thiện, sẽ đầu tư hệ thống kênh tiêu thoát nước phục vụ tưới tiêu của nhân dân trong vùng.

Tổng mức đầu tư của dự án này là 614 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 465 tỷ đồng. Dự kiến đến quý IV/2023, dự án sẽ được nghiệm thu, bàn giao đưa các công trình vào sử dụng.

Chủ đầu tư là thành viên T&T Group

Về chủ đầu tư, Artexport tiền thân là Tổng công ty Xuất nhập khẩu Thủ công Mỹ nghệ trực thuộc Bộ Ngoại Thương (nay là Bộ Công thương), ra đời từ năm 1964. Năm 2005, doanh nghiệp được cổ phần hoá và đến năm 2013 trở thành thành viên của Tập đoàn T&T.

Hiện nay, Artexport có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Vũ Hải. Doanh nghiệp đang hoạt động 2 lĩnh vực chính là kinh doanh xuất nhập khẩu và kinh doanh bất động sản.

Dự án 23 Láng Hạ do Artexport đầu tư. (Ảnh: Hoàng Huy).

Với mảng bất động sản, doanh nghiệp đang sở hữu một số toà nhà văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP HCM như Artexport House, Artexport Building Hoàn Kiếm và Artexport Building Trần Quốc Thảo. Artexport còn được biết đến là chủ đầu tư của KĐT mới Cần Giuộc (gần 96 ha ở Long An) và KĐT mới Lào Cai - Cam Đường (32,4 ha).

Vào tháng 7/2021, Artexport đã khởi công dự án xây dựng khu nhà ở thương mại và các công trình hỗn hợp, dịch vụ hiện đại tại TP Lào Cai với vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Tại dự án này sẽ có công trình hỗn hợp dịch vụ cao 45 tầng, là toà tháp cao nhất khu vực Tây Bắc.

Ngoài ra, ở Hà Nội, Artexport sẽ đầu tư Toà nhà dịch vụ thương mại, văn phòng 23 Láng Hạ. Dự án này được xây dựng trên diện tích 22.010 m2, với quy mô 5 tầng hầm và 21 tầng nổi.