Lê Văn Sỹ (quận 3 - quận Phú Nhuận), Cách Mạng Tháng Tám (quận 3 - quận 10), Nguyễn Trãi (quận 1, quận 5), Quang Trung (Gò Vấp), Hai Bà Trưng - Phan Đình Phùng (quận 3) … là những "đường thời trang" nổi tiếng tại TP HCM. Trên các con đường này san sát hàng trăm thương hiệu lớn nhỏ tề tựu. (Ảnh: Tất Đạt).
Đường Lê Văn Sỹ có lẽ là con đường mà các cửa hàng thời trang cặp vách nhau, từ quần áo đến phụ kiện. Đoạn đường này còn nổi tiếng với hình ảnh giới trẻ xếp hàng dài đợi mua sắm mỗi khi có dịp khuyến mãi trước đây. (Ảnh: Nhật Sang).
Hàng chục cửa hàng thời trang san sát nhau. (Ảnh: Nhật Sang).
Nhưng gần đây, tình trạng buôn bán của các cửa hàng dọc đường Lê Văn Sỹ dường như không còn thịnh vượng. Theo ghi nhận, ngay dịp mua sắm siêu giảm giá Black Friday từ 20-29/11, dù nhiều cửa hàng tung khuyến mãi đến 50% từ rất sớm nhưng lượng khách kéo đến thưa thớt. (Ảnh: Tất Đạt)
Chị Lệ Huyền (quận Phú Nhuận, TP HCM) năm nay không hào hứng với ngày Black Friday. Chị giải thích: "Khuyến mãi thì nhiều nhưng các cửa hàng tại đây thường chỉ giảm giá sản phẩm lỗi thời, mẫu mã không đẹp hoặc hàng đổi trả các loại… (Ảnh: Nhật Sang).
Quanh năm treo bảng giảm giá, khuyến mãi nhưng lượng khách mua không nhiều. Có cửa hàng, bảng treo khuyến mãi đậm như giảm giá 50%, mua 2 tặng 1, đồng giá 99K… đã sờn cũ, kéo dài từ nhiều dịp trước. (Ảnh: Nhật Sang).
Anh Vinh, bảo vệ một cửa hàng thời trang cho biết mình được thuê làm từ 8h đến 22h nhưng "giờ làm việc thật sự" chỉ từ 11h đến 13h và một số thời điểm từ 17h đến 22h. "Chỉ 2 khung giờ này, khách mới ghé kha khá. Còn lại, tôi được thoải mái ngồi chơi, cuối tuần thì may ra mới có khách đông hơn", anh cho biết. (Ảnh: Tất Đạt).
Đường Nam Kì Khởi Nghĩa không phải là "đường thời trang của Sài Gòn" nhưng gần đây là nơi đặt cửa hàng của một số hãng có thương hiệu như Elise, Ivy Moda… Các cửa hàng cũng mạnh tay khuyến mãi đến 50% nhưng không đông khách mua sắm. (Ảnh: Nhật Sang).
Được mệnh danh là "con đường thời trang của giới trẻ sang chảnh", Cách Mạng Tháng Tám quy tụ nhiều cửa hàng của hàng trăm thương hiệu được thành lập bởi các hotface, KOLs, stylist tự do… (Ảnh: Nhật Sang).
Thế nhưng tình hình buôn bán chẳng mấy khá khẩm hơn. Ngay cả những nơi liên tục "xả kho bán lỗ chỉ từ 49K" mới khai trương cũng không đông khách mua sắm như trước đây. (Ảnh: Nhật Sang).
Bảng thanh lí hàng, trả mặt bằng xuất hiện nhiều nơi sát bên những cửa hàng thời trang vắng khách. (Ảnh: Nhật Sang).
Giữa lòng quận 1, Nguyễn Trãi chính là con đường thời trang quy tụ nhiều thương hiệu có tiếng như Charles & Keith, Levi's, Adidas, Puma, Converse,… (Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến).
Tuy nhiên, hai bên đường, tình trạng các tiểu thương lập cửa hàng hoặc lấn chiếm vỉa hè, bày bán các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả… che chắn các cửa hàng.(Ảnh: Nhật Sang).
Khung cảnh các cửa hàng chính hãng phải nép mình bên các quầy, sạp đồ giả, hàng nhái dễ bắt gặp tại đây. (Ảnh: Nhật Sang).
Từ khi trung tâm thương mại mọc lên rầm rộ, các cửa hàng trên phố thời trang này thưa khách hẳn. (Ảnh: Nhật Sang).
Chương trình khuyến mãi được các cửa hàng tung quanh năm để níu chân khách hàng, nhưng khách thưa vắng. Nhân viên nhiều cửa hàng lí giải khách vắng một phần vì gu mua sắm của người dùng chuyển sang mua online, săn hàng xách tay từ nước ngoài, và phần nhiều chuyển sang mua hàng tự thiết kế với mẫu mã độc, lạ. (Ảnh: Nhật Sang).
Trần Quang Diệu (quận 3) cũng là một trog những cung đường san sát cửa hàng thời trang. Tại đây, có khoảng gần 50% mặt bằng được lắp đầy bởi các cửa hàng quần áo, phụ kiện… (Ảnh: Tất Đạt).
Bên cạnh cửa hàng dừng kinh doanh là cửa hàng mới mọc lên. (Ảnh: Tất Đạt).
Khu thời trang này được đánh giá thu hút khách tốt hơn các đường thời trang quen thuộc của TP HCM, nhưng thực tế khách chỉ tập trung xem, mua sắm tại các cửa hàng có chương trình tặng quà, giảm giá sốc đến 70%. (Ảnh: Nhật Sang).