Chùa Ba Vàng có tên cổ là Bảo Quang Tự (được hiểu là "ánh sáng quí") được xây dựng vào năm Ất Dậu (năm 1676). Toạ lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, ở độ cao 340 m so với mặt nước biển. Chùa nằm trên một vị trí rất đẹp ở phía tây thành phố Uông Bí, phía trước là sông, phía sau tựa lưng vào núi, hai bên là rừng thông xanh ngát.
Chùa Ba Vàng cách Hà Nội chừng 137 km và cách Hải Phòng gần 40 km.
Để đến được chùa Ba Vàng, du khách có thể lựa chọn phương tiện xe khách, xe bus, xe máy hoặc ô tô tự lái. Cung đường đi khá đẹp, không có nhiều lối rẽ, có biển báo chỉ dẫn nên rất thuận tiện trong việc di chuyển.
Hàng năm, không chỉ riêng ngày lễ Tết, mà vào những dịp ngày rằm, mồng 1 hoặc những sự kiện như: Lễ Phật Đản (mồng 8/4 Âm lịch), đại lễ Vu Lan (mồng 8/7 Âm lịch), lễ hội Hoa Cúc (mồng 9/9 Âm lịch)...chùa Ba Vàng thu hút lượng lớn khách du lịch về vãn cảnh, hành hương.
Khung cảnh trầm mặc của chùa Ba Vàng. (Ảnh: Nguyễn Quỳnh Trang)
Chùa Ba Vàng được biết đến là một trong top 5 địa điểm du lịch Quảng Ninh nổi tiếng về tâm linh (Ảnh: Nguyễn Quỳnh Trang)
Hai yếu tố làm nên sức hút này là phong cảnh hữu tình tuyệt đẹp cùng ý nghĩa tâm linh được nhiều người tin tưởng tại đây. (Ảnh: Nguyễn Quỳnh Trang)
Nhắc tới chùa Ba Vàng, một trong những điều làm nên sự đặc biệt của ngôi chùa này chính là nơi thờ Tam bảo đã được công nhận là lớn nhất Việt Nam từ khi khánh thành năm 2014.
Bên cạnh đó, tổ chức Kỉ lục Việt Nam đã chính thức công nhận kỉ lục "Ngôi chùa có chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất" dành cho chùa Ba Vàng. Chiếc trống có đường kính mặt là 1,5 m, đường kính thân trống là 1,8 m, chu vi thân trống là 5,5 m, chiều dài trống 2,5 m.
Chùa Ba Vàng không chỉ thu hút khách đến tham quan vào những dịp Tết mà còn bởi rất nhiều lễ hội đặc sắc trong năm.
Đến chùa Ba Vàng, du khách còn có thể tham gia rất nhiều những lễ hội đặc sắc, các khóa tu...
Cùng với đó, chùa Ba Vàng đã được xác lập kỉ lục có là ngôi chùa có tòa chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương. Đại Hùng Bảo Điện (chính điện) có diện tích khoảng 4.000 m2, được Tổ chức kỉ lục Đông Dương công nhận là "Ngôi chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương" vào năm 2014.
Nét nổi bật trong kiến trúc tòa Đại Hùng Bảo Điện là toàn bộ cột kèo, vì mái, xà… được làm bằng bê tông cốt thép nhưng sơn màu vân gỗ nên công trình vẫn mang đậm nét kiến trúc thuần Việt.
Khung cảnh chùa Ba Vàng khi được nhìn từ trên cao. (Ảnh: Anh Thắng).
Chùa Ba Vàng trở nên lung linh khi đêm xuống.
Ngoài ra khi đến đây, du khách còn được tận hưởng không khí tâm linh, chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo, đặc biệt nhất phải kể đến những bức tranh tường khổ lớn từ 6-30 m2 miêu tả cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi sinh ra cho đến lúc đi tu, đắc đạo và truyền giáo.
Du khách tới lễ hội sẽ được trải nghiệm rất hoạt động văn hóa truyền thống, mang tinh thần Phật giáo như: hoạt động biểu diễn thư pháp, tiết mục điệu múa Phật giáo, nghệ thuật Cải lương, Thiền trà và nghe giảng Pháp, hội họa, ẩm thực truyền thống, biểu diễn pha trà và cắm hoa dâng cúng Phật…
Vào những ngày lễ hội, chùa Ba Vàng tạo được nét riêng biệt khi buổi tối cả ngôi chùa được thắp đèn sáng lung linh, rực rỡ cả một khoảng trời.
THEO DÒNG SỰ KIỆN
Mới đây, trên báo Lao động đã đăng tải phóng sự "Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ" thông tin vụ việc trục lợi từ các hoạt động thỉnh vong, gọi hồn tại chùa Ba Vàng.
Phóng sự này nhận được sự quan tâm từ dư luận, nhiều độc giả đã bày tỏ sự bức xúc về các hành vi lan truyền những chuyện dị đoan, ma quỉ.
Mỗi tháng, "dịch vụ" thỉnh vong giải nghiệp tại chùa Ba Vàng thu hút từ 4.000 - 5.000 người tham dự.