Đó là một buổi chiều oi nồng giữa Singapore rực rỡ và hiện đại. Sân khấu được dựng lên tạm bợ vẫn nằm im lìm cạnh những hàng ghế nhựa trống trơn. Vào giờ này, các nghệ sĩ của đoàn kịch Tiểu Động Thiên Ca chỉ vừa bắt đầu trang điểm. Trước mặt họ ngổn ngang đủ loại cọ vẽ và màu tô. Nếu nhìn gần lại, người ta sẽ thấy các nghệ sĩ ngoại ngũ tuần này không hề lỗi thời. Họ sử dụng các loại mỹ phẩm nổi tiếng như MAC, Living Proof và Make Up For Ever.
Đó là cách phóng viên Channel NewsAsia miêu tả về các nghệ sĩ của Tiểu Động Thiên Ca, một gánh tuồng cổ Phúc Kiến, khi chiều về và trước một suất diễn. Các nghệ sĩ không hề nao núng trước ánh flash lóe lên từ máy ảnh của phóng viên, trừ đôi cái rướn mày hoặc liếc nhìn.
"Rõ ràng những bà cô này đã quen với việc bị chụp ảnh trong hậu trường", Channel NewsAsia miêu tả.
Vở diễn của một gánh tuồng cổ ở Singapore. Ảnh: Channel NewsAsia. |
Một thời đại đã xa
Singapore từng là chốn cư ngụ của hơn 300 đoàn kịch với đủ các thể loại tuồng cổ Trung Hoa (hí kịch), trong đó phổ biến nhất là Triều Kịch (kịch diễn bằng tiếng Triều Châu), Việt Kịch (Quảng Đông), Kinh Kịch (Bắc Kinh) và Mân Kịch (Phúc Kiến).
Những ghi chép đầu tiên về tuồng cổ trên đường phố (phố kịch) của Singapore xuất hiện từ giữa thế kỷ 19. Chúng được truyền bá bởi những người Hoa di cư đến Singapore.
Trong hơn một thế kỷ, phố kịch đã thu hút nhiều khán giả hơn bất kỳ loại hình biểu diễn nào. Hàng trăm gánh hát tổ chức hàng nghìn buổi diễn mỗi năm, thậm chí một số đoàn kịch còn có rạp hát của riêng họ tại Phố Hoa ở Singapore.
Từ năm 1910 đến 2014, gia đình họ Gwee đã điều hành Tân Tái Phượng, đoàn kịch Phúc Kiến một thời nổi danh bậc nhất tại Singapore và cả bán đảo Malaysia.
Trong thời đại hoàng kim vào thập niên 1950, vé xem vở diễn của Tân Tái Phượng tại công viên Great World Amusement Park (Singapore) bán chạy như tôm tươi trong khi các nghệ sĩ được đối xử như những "ngôi sao" lúc bấy giờ.
"Không có ngày nghỉ nào cả. Chúng tôi diễn cả trong Tết Nguyên đán", bà Gwee Lay Huan, 67 tuổi, nói về một thời đại đã xa.
Một nghệ sĩ đang trang điểm để chuẩn bị cho vở diễn. Ảnh: Channel NewsAsia. |
Thập niên 1980 đánh dấu sự đi xuống của các gánh hát tại Singapore. Theo Channel NewsAsia, có 2 nguyên nhân cho sự lụi tàn dần này. Một là chính sách của Singapore nhằm phổ biến tiếng Quan Thoại làm ngôn ngữ chính thức đã khiến các thứ tiếng như Phúc Kiến, Quảng Đông bị thu hẹp lại. Hai là sự già đi và biến mất của một thế hệ độc giả trung thành.
VCD và DVD đã đưa hí kịch truyền thống Trung Hoa đến với những khán giả bên kia bán cầu, nhưng cũng cướp người xem khỏi những buổi biểu diễn trực tiếp.
Khán giả ngồi trên những chiếc ghế nhựa xếp trước sân khấu lưu động được dựng lên cho các buổi diễn. Ảnh: Channel NewsAsia. |
Gwee kể rằng bà đã là một nghệ sĩ tuồng cổ suốt nửa thế kỷ qua, từ năm 13 tuổi đến nay. Vào thời đó, "không ai được lựa chọn cả".
"Đó là sự nghiệp của gia đình. Bạn không thể ra ngoài làm việc", bà nói.
Thành viên đoàn kịch cùng nhau đi diễn ở khắp nơi, chia sẻ các công việc lặt vặt những lúc không có vở diễn. Gwee kể rằng bà từng giúp bố mẹ dọn dẹp, đứng đến cứng chân để rửa những chồng chén bát mỗi đêm. Ngay cả khi đã trở thành diễn viên chính trong đoàn, Gwee vẫn tiếp tục các công việc trong bếp.
Năm 2014, Tân Tái Phượng chấm dứt 104 năm mãi nghệ. Nhưng đó cũng là năm Tiểu Động Thiên Ca ra đời.
'Họ như gia đình chúng tôi'
Danson Ong, 27 tuổi, là người trẻ tuổi nhất, cũng là diễn viên nam duy nhất của Tiểu Động Thiên Ca. Người anh trai Johnson Ong cũng là nhạc công trong đoàn kịch.
Khi Tân Tái Phượng tan rã, Johnson và một số thành viên cũ quyết định lập một gánh hát mới để giúp đỡ những "người chú người dì" mà họ xem là gia đình mình.
Các nghệ sĩ nữ đang chiếm đa số trên sân khấu kịch lưu động ở Singapore, đảm nhiệm từ vai học giả điển trai đến vị tướng đĩnh đạc. Trớ trêu thay, vào đầu thế kỷ 20, ở một vài loại hình, phụ nữ thậm chí không được phép bước lên sân khấu.
Trong 5 thập niên qua, từ Tân Tái Phượng đến Tiểu Động Thiên Ca, bà Gwee chỉ đóng vai nam.
Danson Ong, 27 tuổi, diễn viên nam duy nhất của Tiểu Động Thiên Ca. Ảnh: Channel NewsAsia. |
Thu nhập của các diễn viên từ 25 SGD (18 USD) đến 60 SGD (44 USD)/ngày, tùy vai lớn hay nhỏ. Anh em Ong có việc làm toàn thời gian ở một nơi khác, thu nhập từ gánh hát không đủ để họ chi trả cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó, với những nghệ sĩ lớn tuổi, gánh hát là nguồn thu duy nhất của họ.
"Chúng tôi trả họ cao hơn thời còn ở Tân Tái Phượng để họ có thể đủ sống", Johnson nói.
Anh cũng cho biết hiện chỉ còn không tới 10 gánh hát ở Singapore.
Vở diễn phải tiếp tục
Dẫu cho tất cả, buổi diễn vẫn phải mở màn.
Gwee đứng sau cánh gà và đợi đến lượt mình. Vừa bước ra sân khấu, người phụ nữ 67 tuổi bỗng chốc trở thành một vị tướng dũng mãnh chiến đấu với kẻ thù bằng thanh lao của mình.
Trong nhóm khán giả ít ỏi bên dưới, một người phụ nữ trung niên đang ghi lại vở diễn bằng iPad. Gần đó, một ông già ghi âm bằng băng cát-xét cũ.
Các nghệ sĩ như Gwee và Ong vẫn tiếp tục diễn, bất chấp số lượng khán giả ít ỏi. Ảnh: Channel NewsAsia. |
Tháng bận rộn nhất trong năm của gánh hát là vào lễ Cô Hồn, các nghệ sĩ nhận khoảng 20 suất diễn/tháng. Vào những tháng thấp điểm, có lúc họ chỉ có 3, 4 buổi diễn. Một đôi lần Gwee diễn trước những hàng ghế không người ngồi, đặc biệt trong những suất diễn buổi chiều.
"Với những người ở thế hệ của tôi, chúng tôi diễn vì tình yêu với sân khấu. Chúng tôi vẫn diễn hết mình", bà nói.
"Các dì tôi thường nói, thần linh vẫn xem chúng ta", Danson nói thêm.