Khi làm bài thi trắc nghiệm có những lỗi sai rất nhỏ cũng khiến cho chúng ta cảm thấy tiếc nuối do mất điểm không đáng. Do đó, thí sinh hãy chú ý các lỗi sai thường gặp môn Hóa học dưới đây để tránh khi bước vào phòng thi.
Ứng dụng liên quan đến thuật ngữ hay công thức
- Isoamyl axetat có mùi dầu chuối, chuối chín; benzyl axetat có mùi thơm hoa nhài.
Quặng
- Quặng sắt: Hematit: Fe2O3; Mahetit: Fe3O4; Xiderit: FeCO3; Pirit: FeS2
- Quặng chứa kim loại nhóm IA, IIA, Al: Phèn chua: K2SO4.Al2(SO4)3.24H2O hay KAl(SO4)2.12H2O;
- Phèn nhôm: Al2(SO4)3.24H2O ( với M là Li+, Na+, NH4+); Đồng thau: Cu-Zn; Thủy tinh lỏng: K2SiO3 và Na2SiO3
Thạch cao
- Thạch cao sống / CaSO4.2H2O
- Thạch cao nung / CaSO4.H2O / được dùng để đúc tượng, băng để bó vết thương gãy xương, làm phấn viết bảng, làm chất phụ gia kết dính trong xi măng.
- Thạch cao khan / CaSO4
Phân bón
- Đạm 1 lá : amoni sunfat (NH4)2SO4 hay amoni clorua NH4Cl và đạm 2 lá: NH4NO3 (Nhớ nôm na 1 lá là N có 1 số oxi hóa, 2 lá là N có 2 số oxi hóa)
- Phân supe phôphat kép Ca(H2PO4)2; phân supe phôphat đơn Ca(H2PO4)2 và CaSO4 (Nhớ nôm na đơn là gồm 2 muối, kép gồm 1 muối).
Thầy Trần Phương Duy, giáo viên Hóa học chi ra những lỗi sai thí sinh cần tránh trong bài thi môn Hóa học THPT quốc gia. Ảnh: NVCC
Thứ tự
Đây là cụm từ khá quen thuộc tuy nhiên sẽ không gặp trong bài thi. Mặc dù thế chúng ta vẫn phải đặc biệt chú ý do nó sẽ hiện diện "ngầm" hầu hết trong các bài tập lý thuyết và bài tập
Viết đúng thứ tự phản ứng trước, sau của các chất, điện phân dung dịch hỗn hợp – đừng quên vị trí của cặp oxi hóa khử Fe3+/Fe. Cách dễ nhất là chúng ta nên nhớ dãy điện hóa của kim loại, khi vào phòng thi khi có nháp hay trước khi làm bài nên viết lại dãy điện hóa ra giấy nháp để đối chiếu cho nhanh khi cần, đừng chủ quan vì khi vào phòng thi tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra.
Với bài toán kim loại phản ứng với dung dịch muối hoặc các phản ứng của các dung dịch với nhau đừng nghĩ kết tủa chỉ gồm kim loại đôi khi nó còn gồm AgCl, BaSO4...sản phẩm cuả phản ứng trao đổi ion. Cách khắc phục là chúng ta cần rèn luyện kĩ năng tóm tắt và xử lý các dữ kiện có liên quan bằng sơ đồ hóa để từ đó có thể thấy rõ được sự trao đổi ion trong dung dịch tránh bỏ sót kết tủa gây hậu quả tính ra đáp án nhiễu.
Hệ số
Là một từ khóa quan trọng xuất hiện trong hầu hết các bài tập có liên quan đến phương trình hóa học. Một số lỗi sai thường gặp có thể kể đến như
Viết phương trình (kể cả ion lẫn phân tử) không cân bằng
Tính toán nguyên tố không cân bằng theo bảo toàn nguyên tố (Fe2O3 tạo Fe(NO3)3 chẳng hạn thường sẽ chủ quan cho số mol của hai chất bằng nhau)
Tính toán với các sản phẩm khử chứa N mà số nguyên tử N là 2 (ví dụ như N2O trong phân tử có 2N+1 )
Với hữu cơ ta áp dụng định luật bảo toàn nguyên tố với Oxi chẳng hạn nhưng lại quên rằng trong este hay axit có 2 oxi hoặc chất béo có 6 oxi và quên không nhân với hệ số này trong lúc bảo toàn hoặc ở một vế ta bảo toàn theo O2 vế còn lại ta bảo toàn theo O nguyên tử.
Cách khắc phục lỗi này chúng ta phải nhớ và tự nghiệm khắc với bản thân khi làm các bài tập có phương trình phải chắc chắn cân bằng phương trình, cân bằng nguyên tố - ngoài ra các dạng toán về oxi hóa khử trong môi trường axit nên dùng phương trình ion – electron để tránh sai xót.
Làm hữu cơ đôi khi chúng ta cần nhớ về hệ số phản ứng đó là cách để chúng ta rút ngắn được thời gian làm bài tuy nhiên đó lại là con dao hai lưỡi bởi nếu nhớ sai sẽ kéo theo cả một bài không chính xác và sẽ là không may mắn nếu đáp án ta tính sai nhưng đó lại là một đáp án nhiễu được người ra đề đưa ra (HCHO tráng bạc cho ra 4Ag hoặc lên men glucozo sinh ra 2 ancol và 2CO2 chẳng hạn...)
Đếm
Đây là câu hỏi thường sẽ gây cho học sinh khó khăn bởi dạng câu hỏi này đòi hỏi cần có trải nghiệm và sự nắm chắc và sâu chuỗi kiến thức. Tần suất gặp ở dạng này chủ yếu ở chương trình hữu cơ trải dài từ lớp 11 đến lớp 12. Chúng ta hãy điểm qua một số "key" thường gặp trong dạng này
Số chất phản ứng tráng bạc khác với số chất phản ứng với AgNO3/NH3 (các em hay nhầm ở loại chất có nối ba đầu mạch như axetilen hoặc vinylaxetilen có phản ứng với AgNO3/NH3 nhưng không gọi là phản ứng tráng bạc – phản ứng của nhóm chức andehit)
Số chất phản ứng với Cu(OH)2 ở điều kiện thường các em hay bỏ xót một hợp chất quan trọng đó là các axit hữu cơ như axit axetic khi phản ứng nó thể hiện là một bazơ. Hoặc nâng cao hơn là phản ứng màu biure khi đáp án có protein các em đừng quên protein cũng có bản chất là các peptit có hơn 2 liên kết peptit trong phân tử.
Số chất làm mất màu dung dịch Br2 các em phải nhớ có các chiều hướng như mất màu do phản ứng thế và tạo kết tủa thường gặp với anilin hay phenol; hoặc mất màu do phản ứng oxi hóa tạo dung dịch trong suốt thường gặp với các hợp chất có nối bội như anken, ankin hoặc các hợp chất có nhóm andehit, ...
Khi học hữu cơ các em cần nhớ phản ứng của hóa học hữu cơ thực tế là phản ứng đặc chưng của các nhóm chức do vậy việc nắm vững các tính chất của nhóm chức cũng là chìa khóa để các em làm các dạng bài tập có liên quan.
Trên đây là một số lỗi thường gặp của học sinh trong khi luyện và làm đề Hóa học. Chúc các em sẽ tránh được các lỗi nêu trên trong thời gian ngắn nhất nhé.