Những quảng cáo như 'ba đời nhà tôi nhận chữa' mang lại doanh thu khổng lồ cho YouTube

Trong quí III/2020, YouTube, bộ phận kinh doanh quảng cáo tăng trưởng nhanh nhất của Google, đã mang lại 5 tỉ USD doanh thu, tăng 32% so với cùng kì năm ngoái.

Người dùng phàn nàn vì quảng cáo trên Youtube

Chỉ cần xem một đoạn clip dài hơn 10 phút trên Youtube, ít nhất ba lần những quảng cáo chứa nội dung như "nhà tôi ba đời trị sỏi thận" hay "tôi nhận chữa sỏi thận, sỏi mật; to cỡ mấy cũng tan",... xuất hiện. Các đoạn này lặp lại với tần suất dày đặc trong hơn hai tháng qua.

Trên các kho ứng dụng, ngoài những lời khen về chất lượng nội dung video thì YouTube đang bị nhiều khách hàng đánh giá một sao và phản đối việc quảng cáo thuốc. Họ cho rằng YouTube để quảng cáo xuất hiện quá nhiều, đồng thời kiểm duyệt và phát tán những sản phẩm chưa rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Những quảng cáo như 'ba đời nhà tôi nhận chữa' là 'gà đẻ trứng vàng' cho Youtube - Ảnh 1.

Người dùng để lại bình luận phàn nàn về tần suất quảng cáo quá nhiều trên Youtube. (Ảnh chụp màn hình).

Tại Việt Nam, Google cấm quảng cáo những sản phẩm liên quan đến thuốc. Chính sách của Google có nêu rõ: "Một số nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe hoàn toàn không được phép quảng cáo. Các nhà sản xuất dược phẩm phải được Google chứng nhận thì mới có thể phân phát quảng cáo."

Google chỉ cho phép quảng bá hiệu thuốc trực tuyến ở 20 quốc gia, không có Việt Nam. Tuy nhiên, các quảng cáo thuốc đông y như "nhà tôi ba đời nhận chữa sỏi thận" vẫn đang xuất hiện dày đặc trên YouTube.

Đây không phải là lần đầu tiên những quảng cáo dạng này xuất hiện trên nền tảng này. Từng có thời gian, hàng loạt các quảng cáo sản phẩm đông y không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau nhưng đã được gỡ bỏ kịp thời. 

Đơn cử như hồi cuối năm 2019, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục phát đi cảnh báo về một số website và trang mạng xã hội thổi phồng quảng cáo công dụng các sản phẩm, thực phẩm chức năng/thực phẩm như trị hói, bệnh gan, bệnh sinh lí,... 

Trao đổi với Zing, GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết các sản phẩm quảng cáo giả mạo thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Thực tế, đa phần các sản phẩm này đều là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh.

Doanh thu khổng lồ từ quảng cáo trên YouTube

Theo một bài báo hồi tháng Hai của CNN, Alphabet (công ty mẹ của Google) lần đầu tiết lộ nguồn thu kỉ lục từ quảng cáo của YouTube trong năm 2019 lên tới 15 tỉ USD, tăng 36% so với năm 2018 và 86% so với năm 2017.

Những quảng cáo như 'ba đời nhà tôi nhận chữa' là 'gà đẻ trứng vàng' cho YouTube - Ảnh 2.

Những quảng cáo như "ba đời nhà tôi nhận chữa" là "gà đẻ trứng vàng" cho YouTube. (Ảnh: Zing News).

Trong năm 2019, doanh thu của Alphabet đạt 162 tỉ USD. Như vậy, riêng doanh thu quảng cáo của YouTube chiếm khoảng 9% tổng doanh thu toàn tập đoàn. 

Kinh doanh quảng cáo đang tỏ ra áp đảo trong những năm gần đây trên Google nói chung, biến YouTube thành “doanh nghiệp quảng cáo” trị giá 15 tỉ USD.

Trong đó sự tăng trưởng mạnh mẽ trong kinh doanh quảng cáo của YouTube ở thời gian qua chủ yếu nằm ở quảng cáo thương hiệu và "phản hồi trực tiếp" như tính năng "nhấn vào để mua" chạy trên các video. 

Chỉ riêng trong quí III/2020, YouTube, bộ phận kinh doanh quảng cáo tăng trưởng nhanh nhất của Google, đã mang lại 5 tỉ USD doanh thu, tăng 32% so với cùng kì năm ngoái, theo Bloomberg

Ngoài công ty, quảng cáo cũng là nguồn tiền quan trọng đối với nhiều nhà sáng tạo nội dung, một số họ còn coi đây là khoản thu nhập chính. 

Hiện tại, chưa có một số liệu nào thống kê về doanh thu mà Youtube kiếm được từ quảng cáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin từ Zing, giá đấu thầu quảng cáo thông thường rơi vào khoảng 100 - 200 đồng/lượt hiển thị. Nhưng các đơn vị bán thuốc sẵn sàng chi từ 500 - 900 đồng/lượt. Điều này khiến họ được ưu tiên gắn vào các video hơn những nội dung khác và cũng mang lại nguồn thu khổng lồ cho YouTube.

Điều 3, Nghị định 181 Qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, qui định rõ:

Nội dung quảng cáo thuốc phải phù hợp với các tài liệu sau đây:

a) Giấy phép lưu hành tại Việt Nam;

b) Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt;

c) Chuyên luận về thuốc đã được ghi trong Dược thư Quốc gia hoặc trong các tài liệu về thuốc đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất công nhận.

Quảng cáo thuốc phải có các nội dung sau đây:

a) Tên thuốc theo quyết định cấp số đăng kí lưu hành tại Việt Nam;

b) Tên hoạt chất của thuốc:

Thuốc tân dược dùng tên theo danh pháp quốc tế;

Thuốc có nguồn gốc dược liệu dùng tên theo tiếng Việt, trường hợp tên dược liệu ở Việt Nam chưa có thì dùng theo tên nguyên bản nước xuất xứ kèm tên La-tinh.

c) Chỉ định của thuốc;

d) Chống chỉ định hoặc các khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt như người có thai, người đang cho con bú, người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính;

đ) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

e) Khuyến cáo "Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng".

Các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc bao gồm:

a) Chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong;

b) Chỉ định điều trị bệnh lây qua đường tình dục;

c) Chỉ định điều trị chứng mất ngủ kinh niên;

d) Các chỉ định mang tính kích dục;

đ) Chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u;

e) Chỉ định điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự khác.

Thông tin, hình ảnh cấm sử dụng trong quảng cáo thuốc bao gồm:

a) Hình ảnh người bệnh;

b) Sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá;

c) Hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc.


chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.