Những sai lầm thường gặp khi chăm trẻ bị bệnh hô hấp, tay chân miệng

Mưa lớn kéo dài khiến tỉ lệ trẻ mắc các bệnh hô hấp, tay chân miệng tăng cao. Việc phụ huynh sử dụng kháng sinh, vitamin hay kiêng tắm rửa cho trẻ... càng khiến bệnh nặng hơn.
nhung sai lam thuong gap khi cham tre bi benh ho hap tay chan mieng
Tỉ lệ trẻ bị bệnh hô hấp tăng mạnh khiến cách bệnh viện quá tải.

Trẻ bị bệnh tăng mạnh

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM tính đến thời điểm cuối tháng 9 đầu tháng 10 các bệnh tay chân miệng tăng mạnh. Trong tháng 9 có 516 trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị, bệnh đã tăng gần 13% so với tháng 8. Từ đầu năm đến nay, chưa có trường hợp nào tử vong do tay chân miệng, song tổng số trẻ mắc bệnh đã lên tới gần 4.000 ca.

Đối với bệnh hô hấp, theo số liệu thống kê sơ bộ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, trung bình một ngày tại mỗi bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị nội trú cho khoảng 500 đến 600 trẻ bị bệnh hô hấp, khoảng 60% trong số đó là bệnh nhi từ các tỉnh thành khác. Chưa kể mỗi ngày còn có hàng nghìn bệnh nhi khác đến khám hô hấp và điều trị ngoại trú.

Mẹ bệnh nhi Trần Hoàng Thăng (ở Đồng Nai) đang điều trị tại khoa Hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Cháu Thăng được 9 tháng tuổi nhưng đã phải nằm viện hai tháng nay vì bệnh hô hấp. Do cháu sinh non, sức đề kháng yếu không đáp ứng được thuốc nên về đêm khó thở, mất ngủ, thân nhiệt vẫn còn sốt 39 độ”. Trước khi chuyển lên tuyến trên, cháu Thăng đã được nhập viện tại địa phương nhưng tình hình sức khỏe không khả quan. Đây là tình trạng chung của rất nhiều bệnh nhân nhi hiện đang được điều trị tại bệnh viện.

Số lượng bệnh nhi đông đã khiến các bệnh viện quá tải, nhiều nơi một giường bệnh 2-3 cháu cùng nằm điều trị. Các bác sĩ cho biết, thời tiết mưa lớn kéo dài là nguyên nhân để virut, vi khuẩn tấn công và gây bệnh với những trẻ có sức đề kháng yếu. Ngoài ra, đầu năm học mới, trẻ tiếp xúc với rất nhiều người khả năng lây nhiễm từ trường học là rất cao.

Thận trọng khi chăm trẻ bị bệnh

nhung sai lam thuong gap khi cham tre bi benh ho hap tay chan mieng
Nhiều phụ huynh thường quá lo lắng mà chọn sai cách chăm sóc trẻ bị bệnh hô hấp hoặc tay chân miệng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: “Bệnh tay châm miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, càng nhỏ càng dễ bị nặng. Đa số bệnh nhi sẽ tự khỏi trong thời gian từ 7-10 ngày”. Dấu hiệu để phụ huynh nhận biết con mắc bệnh là khi trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miệng, quấy khóc và đau miệng.

Sau khi hết sốt nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở trong miệng. Trường hợp sốt từ 39 độ hơn cần đưa đến viện kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện giật mình chới với lúc thiu thiu ngủ, không đi vững chân tay yếu, người run, da nổi bông, mạc sờ không thấy hay quá nhanh.

Theo bác sĩ Khanh, nhiều người đang mắc sai lầm trong việc chăm sóc trẻ nhỏ. Phụ huynh thường quá lo lắng khi trẻ nổi mụn nước nhiều nhưng điều này cho thấy bệnh nhẹ hơn nổi ít mụn. Một sai lầm khác thường gặp là bôi thuốc xanh làm lấp hết hình dạng bóng nước. Cách điều trị trên không có tác dụng còn khiến bác sĩ khi thăm khám gặp khó khăn trong việc xác định nguyên nhân gây ra mụn nước.

nhung sai lam thuong gap khi cham tre bi benh ho hap tay chan mieng
Nhiều bệnh nhân nhi mới vài tháng tuổi đã phải nhập viện do sức đề kháng yếu.

Đối với thuốc kháng sinh nếu không loét miệng nhiều gây ra tình trạng bội nhiễm thì không nên dùng sẽ khiến trẻ không đáp ứng được thuốc. Ép trẻ uống vitamin cũng là điều không cần thiết bởi trẻ bị đau miệng uống sẽ đau thêm. Nhiều trẻ nhập viện do bị ngứa ngáy hoặc bị nhiễm trùng do kiêng tắm. Tuy nhiên, nếu trẻ không khó chịu thì vẫn tắm như bình thường, ngược lại mới tắm nước ấm và chỗ kín gió.

Ngoài ra, trẻ bị đau họng do vết loét lấy gói Grangel hay phosphaluge (thuốc dạ dày) bỏ vào ngăn mát tủ lạnh ngậm hay chấm vào vết loét sẽ hết đau. Trường hợp trẻ bị đau miệng cần để thức ăn nguội hẳn hoặc làm mát cho trẻ dễ ăn. Tuyệt đối không cho trẻ ăn nóng, cay và chua.

Bệnh hô hấp cấp thì các biểu hiện lâm sàng ở trẻ em rất đa dạng và nhiều mức độ khác nhau. Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, rồi sau đó là thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái. Nếu không được xử trí kịp thời trẻ có thể hôn mê, co giật… hoặc thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ.

Trẻ bị bệnh hô hấp cần cho uống nhiều nước, nhiều sữa, cố gắng cho trẻ ngủ đủ giấc, nhiệt độ trong phòng không được để lạnh quá hoặc quá kín gió. Nếu trẻ phải chịu nóng bức sẽ dẫn đến mất ngủ, bệnh tình nặng hơn, điều hòa nên để ở mức 27 - 28 độ C, bác sĩ Khanh lưu ý phụ huynh cách chăm sóc trẻ đúng cách.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (13/4 - 19/4): Sắp khởi công nhiều cao tốc ở Bình Dương và Thái Bình
Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tiền khả thi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; sắp khởi công cao tốc CT 08 đoạn qua Thái Bình và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.