Bàn thờ khói nhang nghi ngút, đặt khiêm tốn trong căn nhà nhỏ ở quận 9, TP.HCM. Trong di ảnh, một người phụ nữ lớn tuổi đang tươi cười. Ông Huy, chồng bà Tuyến, tay run run đưa cho phóng viên xem vài bức ảnh cuối cùng mình chụp cùng với vợ, trong nhà xác ở một bệnh viện TP.HCM. Trong đó, ông cúi xuống ôm chặt và hôn tiễn biệt vợ mình - từ cánh tay đến bờ vai, từ môi đến mái tóc.
Trước đó, bà Tuyến bị hen suyễn trong nhiều năm, được chỉ định nhập viện. Nhưng người phụ nữ này không đi điều trị. Đêm 15/3, bà tìm đến nhà một người bạn thân tên Sương. "Chị ấy cứ hỏi về số tiền đầu tư vào iFan đang ra sao, sao không rút ra được. Tôi đành nói dối chị ấy 4 tháng nữa sẽ có, chị yên tâm", bà Sương nói với Zing.vn. Nhưng người phụ nữ ấy không đợi được thêm. "Hôm sau thì chị ấy mất", bà Sương kể.
Bà Sương rơm rớm nước mắt. 400 triệu đồng đầu tư vào iFan của người bạn thân, vốn là tất cả tài sản còn lại để hai vợ chồng dưỡng già tích góp hàng tháng từ lương hưu, đã bị thổi bay, như đúng tên gọi của hệ thống đa cấp này.
Không một lời oán trách về chuyện đã qua, ông Huy tiếp đón người đến thăm bằng những ký ức vui về vợ mình: bà Tuyến thích du lịch, ca múa, hay diễn ở phường, quận. "Cuộc sống ai cũng có nỗi buồn riêng rồi, tôi không muốn nỗi buồn của mình chia cho người khác. Đó là lý do tôi để bức ảnh vợ tôi xinh đẹp tươi cười làm hình thờ”, ông Huy nói.
Dự án tiền số đa cấp iFan tràn vào Việt Nam từ cuối tháng 9/2017 kéo dài đến cuối tháng 1/2018 thì bị tố cáo chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng của hơn 32.000 người. Zing.vn đã tiếp xúc với khoảng 10 người tham gia đầu tư vào iFan. Hoảng loạn, sợ hãi, cay đắng, ê chề nhưng đồng thời cũng xác định đây là bài học đắt giá cho bản thân mình, từng người một hồi tưởng lại câu chuyện “đầu tư” vào iFan.
Tất cả đều có chung kết luận: Không bao giờ có một cách làm giàu nào mang lại lợi nhuận siêu khủng trong thời gian thần tốc như những người đứng đằng sau iFan đã vẽ ra.
Bà Sương, bạn thân của bà Tuyến, cũng là một trong số hơn 32.000 người đầu tư vào iFan. Bà có học vị tiến sĩ, từng dành thời gian nghiên cứu về tiền mã hóa, mà người Việt hay gọi nhầm là "tiền ảo".
Nhưng họ đã không gọi nhầm. Trong trường hợp của iFan, số tiền đó thực sự là ảo ảnh. Theo lời bà Sương, bà tham gia đầu tư vào iFan chỉ vì muốn giúp một người bạn khác: "Muốn con bé đó có thêm chút %, đỡ bị cấp trên ức hiếp nên tôi tham gia cho nó đủ số".
Từ chỗ "tham gia cho có", bà Sương dần bị thuyết phục bởi chính người đứng trên sân khấu iFan. Bà đổ thêm tiền vào, và mất 170 triệu đầu tư từ cuối tháng 10/2017.
Ban đầu iFan huy động vốn bằng cách bán token với giá từ 0,1-5 USD/iFan. Về sau iFan triển khai luật bắt lending (cho vay lại) nhằm ngăn người đầu tư thoái vốn. iFan gầy dựng lòng tin bằng hình ảnh của những ca sĩ nổi tiếng tham gia dự án Showbiz Store của Diệp Khắc Cường và dựa vào uy tín, trụ sở của công ty Modern Tech. Thời điểm cuối năm 2017, giá Bitcoin tăng mạnh cũng là một phần cơ sở để nhà đầu tư tin tưởng.
Kể từ khi vụ việc bị vỡ lở, bà Sương luôn theo dõi báo chí mỗi ngày, thậm chí đọc kỹ từng bình luận của độc giả. Bà nói: “Họ chửi bới, họ bảo những người như tôi tham thì tôi phải chịu thâm. Những con người đó thật vô cảm. Mỗi người tham gia sẽ có một hoàn cảnh riêng. Chung tay chống lại kẻ gian tà chứ sao lại công kích những người thiệt hại? Nếu làm vậy bọn lừa đảo sẽ cứ nhởn nhơ vì có đồng minh. Người bị hại lại không dám trình báo vì xấu mặt với cuộc đời".
Trịnh có điệu bộ lấm lét sợ hãi ngay chính trong căn nhà riêng ở Bình Thạnh. Trịnh có vóc người nhỏ, gầy xọm, hai mắt thâm quầng. Căn nhà anh đang ở là món quà từ gia đình ngay từ năm nhất đại học. Bố mẹ Trịnh làm nghề mộc ở một tỉnh Tây Nguyên.
Để trở thành nhà đầu tư iFan từ tháng 10/2017, Trịnh đã bán máy ảnh, xe máy và gom góp thêm số tiền tiết kiệm trong 5 năm qua cho đủ 80 triệu đồng. Cũng giống bà Sương, Trịnh lần đầu đến sự kiện iFan với tâm thế "đi cho biết" và đầy cảnh giác.
Thế nhưng, tại hội thảo, “em hoàn toàn bị thuyết phục với những gì họ nói. Rất có cơ sở để tin. Hệ thống quá lớn. Em có thể rút ra, chịu lời ít lại từ 1-2 tuần. Nhưng không ngờ họ có những chính sách khiến mình không thể rút nếu đã lỡ dính vào", Trịnh nói.
Trịnh quả quyết: "Người ngoài cuộc không nói được gì đâu. Tuấn cao ráo, cười mắt hí rất duyên. Nói chuyện xong ân cần bắt tay từng người, phong thái đĩnh đạc, tự tin. Không ai có thể nghi ngờ được Tuấn cả”.
Tuấn được nhắc đến ở trên là Tuấn "Cam", người sáng lập và đứng đầu hệ thống đa cấp iFan. Tuấn vốn am hiểu kỹ thuật. Góp gió cùng Tuấn là ông trùm đa cấp Vũ Hữu Lợi - có sở trường "đánh thuốc mê" người nghe và nhiều "chân rết" khác chuyên rao giảng về công nghệ blockchain.
iFan rất khéo léo trong việc kích thích tinh thần nhà đầu tư. Họ được chỉ cách làm biểu tượng iFan-sign khi chụp ảnh tập thể. Hai ngón trỏ và cái của mỗi bàn tay chụm lại thành hình viên kim cương, cũng là logo của iFan. Thêm nữa, nhà đầu tư luôn sở hữu những miếng logo để dán ở khắp nơi: bên ngoài xe hơi, các chai nước, thậm chí là ly cà phê mang đi mỗi ngày.
Khẩu hiệu “Go to the moon” (lên cung trăng) luôn luôn vang lên trong các buổi gặp mặt nhà đầu tư nhằm thể hiện không khí quyết tâm đưa iFan lên mốc 300 USD vào cuối năm 2018.
Khi chính thức chuyển mô hình sang lending nhằm tránh bán tháo số coin mua được, các nhóm iFan trên Telegram (ứng dụng nhắn tin) phát động phong trào lending rầm rộ, với những khẩu hiệu kiểu như: “iFan phát triển, chúng ta sống. iFan chết, chúng ta trắng tay. Phát động phong trào mỗi tài khoản lending tối thiểu 100 USD. Chúng ta đoàn kết để iFan đi lên. Chúng tôi ủng hộ các bạn”.
Trong một số sự kiện, "doanh nhân" Diệp Khắc Cường cũng được mời đến để vẽ ra triển vọng iFan được tích hợp vào nền tảng ShowbizStore - nơi đang có ứng dụng của Đàm Vĩnh Hưng, kèm lời hứa lôi kéo thêm Lệ Quyên, Quang Dũng... Ông Cường cũng thay mặt iFan công bố cái gọi là "dự án cấp quốc gia", "vươn tầm khu vực"
Bà Luyến, một người đầu tư khác vào iFan, đã dốc hết những đồng tiền tích cóp nhiều năm (200 triệu đồng) vì tin vào lợi nhuận được cam kết. Đã tham dự ba sự kiện, bà kể: “Tôi tin họ vì có Đàm Vĩnh Hưng về đó. Họ nói app này chỉ có mình Đàm Vĩnh Hưng may mắn được chọn, chắc không phải giả dối. Diệp Khắc Cường nói cả gia đình mua vé máy bay đi Mỹ giá rẻ bằng đồng iFan. Có ai nghĩ được rằng một cá nhân lừa đảo lại có thể đứng trước hàng nghìn người để nói ra việc đó?"
Bà Luyến đổ tiền mua iFan lúc 5 USD, với hy vọng iFan tăng giá lên 100 USD/ đồng vào cuối năm 2018. Như vậy, nếu bỏ 1 tỷ sẽ thu về 20 tỷ trong 2 năm. Nhưng cuối cùng, giá xuống 0,1 USD. Không ai mua, cũng chẳng người buồn bán.
Bà Luyến kết luận: "Tại sao người với người mà lại làm với nhau như vậy? Tuổi của tôi cũng lớn rồi, bao nhiêu năm công tác, về hưu số tiền lo cho tuổi già, lo cho con cháu một xíu tự nhiên lại bị mất hết. Tôi giận lắm. Một phần do mình thật thà, một phần do mình tham nữa".
iFan và Bitconnect là hai ký ức đáng chôn vùi đối với Nguyễn Minh Tân. Anh quay trở lại công việc của một nhân viên kinh doanh tại showroom ôtô lớn ở Hà Nội sau Tết âm lịch. Là dân sale, lưu loát và tính toán nhanh, ngay chính Tân cũng còn chưa tin mình đã mất đến 1,8 tỷ đồng cho hai lần đầu tư.
Anh Tân nói: “Đừng nghĩ những người đổ tiền vào iFan đều là ‘gà’. Rất nhiều người tham gia dự án mà tôi biết đều có thu nhập và địa vị khá trong xã hội. ICO không giống bán hàng đa cấp. Những người bán hàng đa cấp thường chẳng có gì trong tay, ‘chém gió’ về các khoản tiền trên trời. Còn ở đây là người thật việc thật. Họ kiếm được tiền tỷ, mua nhà, tậu xe là những thứ chúng tôi có thể thấy được”.
“Tôi coi đây là bài học lớn của đời mình. Giờ đây, tôi không hy vọng lấy lại được số tiền đã mất mà tập trung cho công việc hiện tại để đầu óc mình được thoải mái hơn”.
Có những người khi được phỏng vấn không đồng ý công bố tên tuổi. Họ đề phòng, dè chừng cả phóng viên, vì nghĩ rằng đây là người do lãnh đạo iFan tìm đến để thăm dò và bịt miệng nạn nhân.
Một người phụ nữ ngoài 60 luôn tiếp xúc với báo giới với chiếc khẩu trang và né tránh ống kính. Bà đầu tư và mất toàn bộ số tiền lương hưu, khoảng 200 triệu đồng. Buổi sáng ngày 8/4, khi báo chí bắt đầu đưa tin rầm rộ về vụ việc, con trai gọi bà ra xem tivi và nhắc đến iFan. “Tôi sợ chết được, cứ tưởng nó biết rồi. Con tôi nó biết nó giết tôi đấy", bà kể.
Một người phụ nữ ngoài 30 luôn cẩn thận xin số điện thoại, yêu cầu xem tài khoản Facebook nhằm xác minh người sắp gặp mình có phải là phóng viên hay không. Chị nói phải làm vậy vì sợ người của iFan sẽ gây bất lợi cho mình.
Từ chối tiết lộ số tiền mình đã đầu tư vào iFan, chị cho biết còn đang canh cánh lo bị trả thù. “Bọn nó ghê gớm lắm. Tôi giấu chồng con ném hết tiền vào đây”, chị nói.
NHNN 'siết' mọi giao dịch liên quan đến tiền ảo
Đó là một trong những nội dung của Chỉ thị 02 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên ... |