Sự phát triển như vũ bão ở kỉ nguyên công nghệ đôi khi khiến người ta quên rằng những bức ảnh đen trắng là sự lựa chọn duy nhất của loài người cách đây vài thập kỉ.
Tuy vậy, dù không có nhiều công cụ hỗ trợ, app chỉnh sửa với điển hình là mốt chụp ảnh selfie - "tự sướng" như bây giờ, người xưa vẫn tạo ra nhiều trào lưu chụp ảnh sáng tạo, độc đáo.
Dưới đây là những mốt chụp ảnh kì lạ, thú vị nhất được Listverse thống kê:
Những "bóng ma" mờ nhạt, trong suốt được tạo ra từ một mánh khoé khi chụp ảnh. (Ảnh: BBC).
Trào lưu chụp ảnh này được lấy cảm hứng từ tốc độ phơi sáng của những chiếc máy ảnh đầu tiên. Người chụp ảnh được yêu cầu ngồi yên không nhúc nhích để tránh sự xuất hiện của những "bóng ma" mờ nhạt và trong suốt.
Năm 1861, nhiếp ảnh gia William H. Mumler đã phát hiện ra một phương pháp tạo ra những bóng ma trong các bức ảnh của mình. Người ta tin rằng Mumler đã chèn thêm một tấm kính chụp hình "con ma" trước khi chụp ảnh để lừa gạt khách hàng.
Thay vì tạo ra một thể loại nhiếp ảnh độc đáo, Mumler tuyên bố rằng ông ta có thể chụp những bức ảnh thật về ma. Do đó, nhiều vị khách hàng đã đến cửa hàng của để Mumler để chụp ảnh với hồn ma của những người thân quá cố. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, sự thật về những bức ảnh ma của Mumler sớm bị phơi bày sau đó không lâu.
Em bé nằm yên như đang ngủ. (Ảnh: Lightstalking).
Chụp ảnh sau khi chết phổ biến trong thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, khi những người sống muốn chụp hình thi thể của một người thân đã qua đời.
Trên thực tế, đó thường là hình ảnh duy nhất của người quá cố. Bởi vào thời điểm đó vì chi phí quá đắt đỏ, phần lớn mọi người không chụp ảnh trong suốt cuộc đời mình. Cơ hội chụp ảnh duy nhất là sau cái chết của chính họ.
Trong đó, những em bé yểu mệnh trông như thể đang ngủ trưa, đôi khi được đặt nằm giữa hoa tươi và đồ chơi. Những đứa trẻ lớn hơn và người trưởng thành được chống đỡ bằng dây đai, ròng rọc và đòn bẩy. Thậm chí một số người đứng thẳng giống như khi còn sống.
Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao người xưa không cười khi chụp ảnh. (Ảnh: Oldphotoarchive).
Mọi người hiếm khi mỉm cười trong những bức ảnh ban đầu, đặc biệt là ở thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20. Sở dĩ vậy là bởi nhiếp ảnh thuở sơ khai được coi là một phần mở rộng của hội họa và để "bức tranh" trông tự nhiên nhất có thể, người ta không được phép mỉm cười hay làm bất cứ điều gì khác.
Một lý do khác vẫn đến từ thời gian phơi sáng, hầu hết mọi người chọn vẻ mặt "không cảm xúc" vì đó là biểu cảm dễ duy trì nhất, giúp cho bức ảnh không bị nhoè. Ngoài ra, có niềm tin phổ biến cho rằng chỉ những kẻ ngốc mới mỉm cười. Mà không ai muốn bị coi là kẻ ngốc chỉ vì lỡ mỉm cười trong một bức ảnh.
Chân dung không đầu
Một bức ảnh không đầu. (Ảnh: Culturacolectiva).
Các nhiếp ảnh gia thời kỳ đầu đã biết cách "thao túng" hình ảnh cả thế kỉ trước khi máy tính và những phần mềm chỉnh sửa ảnh xuất hiện. Nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Oscar Rejlander đã sử dụng kỹ thuật cắt và dán 2 bức ảnh lại với nhau để tạo ra thể loại chân dung không đầu vào thế kỉ 19.
Như bạn có thể đoán từ tên gọi của "mốt" chụp hình này, một hoặc một vài đối tượng trong bức chân dung sẽ không có đầu. Chiếc đầu sẽ được chính chủ thể hoặc một người khác cầm trên tay, trên đĩa. Như để tăng thêm độ kinh dị, đôi khi chủ thể sẽ cầm thêm một con dao dính máu.
Chỉnh sửa ảnh bằng… bút chì
Sử dụng bút chì để thay đổi độ đậm nhạt là cách chỉnh sửa thủ công phổ biến vào thời xưa. (Ảnh: Tạp chí Smithsonian).
Ngay sau khi nghệ thuật nhiếp ảnh ra đời, người ta đã bắt đầu tìm cách giúp mình trông đẹp hơn trong những bức ảnh. Nhưng vì chưa có máy tính hoặc phần mềm chỉnh sửa ảnh nên họ đã giải quyết vấn đề này bằng cách dùng… bút chì để chỉnh sửa các tấm kính được sử dụng khi chụp ảnh.Với cách chỉnh sửa thủ công này, các đường nét cơ thể trở nên sắc nét hơn, những vùng tối màu cũng trông sáng hơn như ý.
Người mẹ ẩn nấp
Người mẹ ẩn nấp phía sau để giữ cậu bé ngồi yên trước ống kính. (Ảnh: The Guardian).
Nhiếp ảnh thuở sơ khai có thời gian phơi sáng lâu. Đối tượng cần ngồi bất động khoảng 30 giây trước khi có thể chụp ảnh. Việc ngồi yên và nhìn chằm chằm vào ống kính trong 30 giây với người lớn đã là việc khó. Bắt một đứa trẻ phải làm như vậy đương nhiên là chuyện bất khả thi.
Bởi vậy, các bà mẹ thường phải trốn sau lớp phông nền để giữ con ngồi yên tại chỗ. Nhiều bà mẹ chọn trang phục có màu tương đồng với nền trong khi một số người khác được ngụy trang bằng ghế, tấm bạt, rèm cửa hoặc bất cứ thứ gì có thể giúp họ không xuất hiện trong bức ảnh.