Những vụ án chấn động Sài Gòn (P1): Băng cướp ‘ẩn mình’ bắt cóc con trai nghệ sĩ Kim Cương |
Những vụ án chấn động Sài Gòn (P2): ‘Nữ hoàng’ sân khấu bị ám sát thế nào? |
Những vụ án chấn động Sài Gòn (P3): Lộ diện băng cướp khét tiếng |
Nguyễn Thanh Tân bị bắt khi đang lẩn trốn tại một căn gác xếp trên đường Nguyễn Thiện Thuật. |
Ngay khi đồng bọn của Tân tham gia vụ bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ là Nguyễn Văn Hóa bị bắt tại bệnh viện Chợ Rẫy, Đại úy Hai Thành – Đội trưởng đội SBC đã làm cuộc khai thác nhanh đối tượng. Qua Hóa, trinh sát nắm được, Tân quê ở Ngan Rô, tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, thông tin về bé Phương vẫn bặt vô âm tín.
Lập tức, một tổ công tác đặc biệt xuất phát tìm đến nhà Tân. Lúc này, Tân không có nhà nhưng trinh sát đã phát hiện và đưa được bé Phương về nhà an toàn.
Riêng Nguyễn Văn Tân, sau khi đưa Hóa trúng đạn, Tân vòng về tiệm sửa xe của đồng phạm tên Hùng trên đường Nguyễn Biển (quận 5) thay quần áo và cùng đàn em quay lại thuê xích lô đưa Hóa đến bệnh viện Chợ Rẫy rồi bỏ đi. Công tác đấu tranh với tên Hùng cũng được thực hiện, tuy nhiên, Hùng khai chỉ biết Tân sống ở khu vực hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3).
Rạng sáng 9/4/1979, Đội trưởng SBC cùng nhiều trinh sát “cày” nát con hẻm thì phát hiện căn nhà Tân tá túc. Vừa leo lên gác gỗ, Đại úy Hai Thành phát hiện người đàn ông nằm đắp mền nên lập tức ập đến khống chế, vung báng súng hạ gục Tân khi hắn định chống cự.
Lượng lượng SBC áp giải Tân đi. |
Khám xét chỗ hắn ngủ, các trinh sát thu được số vàng là tang vật của các vụ bắt cóc tống tiền trước đó. Tuy nhiên, Tân chỉ thừa nhận đã bắt cóc con của nghệ sĩ Kim Cương và bác sĩ Lã Hỷ. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Đại úy Hai Thành đã khiến Tân phải thừa nhận là hung thủ sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga gây chấn động dư luận.
Nhưng để kết án buộc phải tìm khẩu súng tang vật, lúc này Tân khai trên đường chở Hóa tẩu thoát đã ném xuống cầu Bình Lợi.
Các chiến sĩ Nguyễn Ngọc Tốt, Ngô Văn Út, Nguyễn Văn Bảy, Võ Quang Hà (thuộc Cảnh sát PCCC TP HCM)… thay phiên nhau ngụp lặn dưới dòng sông sâu. Tổ cứu hộ lặn cả ngày lẫn đêm suốt 2 ngày 10-12/5/1979 vẫn không có kết quả. Sang ngày thứ ba, tổ xác định, nếu không tìm được khẩu P38 sẽ báo cáo cơ quan điều tra không tìm thấy tang vật như lời khai hung thủ. 13h, ở ca lặn cuối cùng, hai chiến sĩ Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà ôm dây bảo hiểm trầm mình xuống sông ngay phía chân cầu Bình Lợi.
Hai chiến sĩ đã hy sinh khi lặn mò tìm khẩu súng Tân khai đã ném xuống khu vực cầu Bình Lợi. |
Thời gian trôi qua 5 phút, rồi 10 phút, vẫn không thấy anh Bảy và anh Hà ngoi lên mặt nước. Bất ngờ, dòng sông đổi màu, sôi sục như có quái vật dưới sông. Thoáng có tiếng lo lắng từ phía tổ công tác, bởi trước khi tổ "đặc nhiệm" lao xuống dòng sông, đã nhiều người dặn dò phải đặc biệt cẩn trọng do lo ngại lựu đạn chính quyền cũ gài xuống để chống đặc công giải phóng phá cầu trước giải phóng.
Không lâu sau đó, thi thể anh Hà nổi lên mặt nước, đến khuya cùng ngày, tổ công tác mới tìm thấy thi thể chiến sĩ Bảy bị kẹt ở chân cầu Bình Lợi. Cuộc truy tìm lớn nhất trong lịch sử lực lượng cảnh sát hình sự tiếp diễn, với sự tham gia của trên 400 người gồm cán bộ trinh sát, điều tra viên hình sự và an ninh.
Nhiều ngày theo dõi, trinh sát SBC đã tìm ra được nơi cất giấu khẩu súng P38 tại một căn nhà ở quận 3. Khẩu súng này được Tân nguỵ trang trong chiếc quạt bàn. Khi em dâu của Tân đến để lấy mang hủy tang vật đã bị phát hiện.
Việc bắt giữ tên cướp khét tiếng Nguyễn Thanh Tân đã hạ màn hàng loạt vụ án gây chấn động Sài Gòn. |
Với những chứng cứ cụ thể, Tân đã cúi đầu nhận tội. Chính hắn thừa nhận đã gây ra vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, bắn chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga và bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ. Trong các vụ án, Tân đều giữ vai trò chủ mưu.
Những vụ án chấn động Sài Gòn đã hạn màn khi Nguyễn Văn Tân bị bắt, tội ác của hắn đã được lôi ra ánh sáng phải kể đến sự đấu tranh kiên cường của lực lượng công an. Đặc biệt là chiến công của đội SBC huyền thoại dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Hai Thành.