Theo đó, tổng doanh thu năm 2018 của công ty mẹ đạt 1.814 tỉ đồng, giảm hơn 32% so với năm 2017. Lợi nhuận kế toán sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 chỉ đạt 22,4 tỉ đồng, giảm tới gần 87% so với năm 2017.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty Sông Đà cũng giảm mạnh. Theo đó, doanh thu đạt hơn 6.300 tỉ đồng, giảm gần 35% và lợi nhuận kế toán sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 221 tỉ đồng so với 2017.
Liên quan đến tình hình nợ phải trả lên đến hơn 11.000 tỉ đồng và nợ phải thu trên 8.000 tỉ của Tổng công ty Sông Đà, Bộ Tài chính cho biết, tình hình công nợ của công ty mẹ Sông Đà chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả trong tổ hợp công ty mẹ con và công ty liên kết.
Cụ thể, nợ phải thu tại Công ty CP Xi măng Hạ Long khoảng 2.700 tỉ đồng, Công ty CP Điện Việt Lào hơn 800 tỉ đồng, Công ty CP Thủy điện Nậm Chiến gần 700 tỉ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 1 gần 300 tỉ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 3 khoảng 560 tỉ đồng.
Một số khoản đầu tư của “ông lớn” Sông Đà đã bị lỗ, mất vốn, như đầu tư vào Công ty CP Sông Đà 3, Công ty CP PCCC và ĐTXD Sông Đà, Công ty CP Sông Đà 12, Công ty CP Phú Riềng Kraitie…Đơn cử, Công ty CP Sông Đà 3 lỗ lũy kế 188 tỉ đồng, Công ty CP Sông Đà 12 âm vốn chủ sở hữu 41 tỉ đồng, Công ty CP PCCC và ĐTXD Sông Đà âm vốn chủ sở hữu hơn 11 tỉ đồng.
Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý tới khoản đầu tư tài chính khoảng 1.100 tỉ đồng của Sông Đà vào Công ty CP Điện Việt Lào. Sông Đà là cổ đông sáng lập Công ty CP Điện Việt Lào, nhưng đến nay công ty này đang gặp nhiều khó khăn về tài chính và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Công ty CP Điện Việt Lào đầu tư vốn vào 3 công ty con, trong đó có Công ty TNHH Điện Xekaman 3, nhưng dự án thủy điện Xekaman 3 đã dừng triển khai từ cuối năm 2016 do gặp sự cố trong thi công từ tháng 12/2016.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 3,75 lần, trong đó vay và nợ thuê tài chính là hơn 9.500 tỉ đồng, chiếm 81% tổng nợ phải trả. “Qua nội dung trên cho thấy, Công ty CP Điện Việt Lào đang gặp nhiều khó khăn, áp lực về tài chính, tiềm ẩn nhiều rủi ro”, Bộ Tài chính đánh giá.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, dù Tổng công ty Sông Đà chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ ngày 6/4/2018, tuy nhiên đến thời điểm tháng 12/2019 (quá 1 năm so với thời gian qui định), Bộ Xây dựng vẫn chưa thực hiện quyết toán vốn nhà nước tại Sông Đà. “Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về việc chậm trễ khi thực hiện nội dung này”, Bộ Tài chính chỉ rõ và đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn tất việc quyết toán.
Trước đó, trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố hồi đầu năm 2019 cho thấy, Tổng công ty Sông Đà đang quản lý, sử dụng 46 khu đất với tổng diện tích hơn 64,3 triệu m2, trong đó có 44 khu đất được giao để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng làm trụ sở, văn phòng làm việc của Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra còn có 2 khu đất được giao để thực hiện dự án khu dân cư.
Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt tồn tại khác như: Tổng công ty chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý để thuê khu đất diện tích 2.193m2 tại phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Hồ sơ pháp lý của khu đất này còn thiếu quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất, quyết định phê duyệt giá… nên từ năm 2006 đến nay công ty tạm nộp tiền thuê đất theo mức giá thuê tạm tích 10.500 đồng/m2.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Sông Đà cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với các khu đất diện tích 2.163m2 tại khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội…
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến 31/12/2017, Tổng Công ty Sông Đà và các công ty có liên quan có dư nợ phải thu 10.786 tỉ đồng, trong đó nợ quá hạn là 1.907 tỉ đồng. Trong số nợ quá hạn, tới 16% là nợ khó thu đòi, tương đương 305 tỉ đồng. Công tác thu hồi nợ còn nhiều hạn chế và khó khăn do các công trình xây lắp thi công kéo dài qua nhiều năm, chậm quyết toán hoặc chậm thanh toán, chủ yếu là các công trình do Tổng Công ty làm nhà thầu chính.