Ung thư vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân Việt Nam bởi tỷ lệ người chết, người mắc mới gia tăng nhanh chóng mỗi năm. Việc điều trị ung thư tại các cơ sở y tế trong nước đã có nhiều tiến bộ, nhưng thống kê vẫn cho thấy ung thư là một trong những bệnh lý nguy hiểm hàng đầu ở nước ta.
Năm 2000, Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, năm 2015, con số này đã tăng lên đến 150.000 ca mắc mới. Ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 người.
Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018 cho thấy Việt Nam có 164.000 ca mắc mới và hơn 114.000 người tử vong, tương đương mỗi ngày hơn 450 người mắc mới và hơn 312 người tử vong. Năm 2012, tỷ lệ này chỉ mới có 125.000 ca ung thư mới và hơn 94.000 người tử vong. Như vậy, trong vòng 6 năm, số bệnh nhân ung thư phát hiện mới mỗi năm tăng 31%.
Trong 20 năm từ 1995 đến 2004, riêng tại TP.HCM có 119.556 ca mắc ung thư. Từ năm 2012 đến nay, số người mắc ung thư tăng nhanh, trung bình 8-9%/năm. Cụ thể, nếu như năm 2012 có 7.392 ca mắc ung thư mới thì năm 2013 tăng lên 8.049 ca, năm 2014 là 8.951 ca, và 2015 là 9.270 ca.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018 cho thấy ung thư gan là một trong 5 loại gây tử vong hàng đầu, ước tính 782.000 ca tử vong mỗi năm. Gánh nặng ung thư gan đến từ người nhiễm viêm gan B và C, lạm dụng rượu, ăn thực phẩm chứa nấm mốc aflatoxin.
Gần 85% bệnh nhân ung thư gan xảy ra ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo GLOBOCAN 2018, Việt Nam xếp trong nhóm những nước mắc ung thư gan cao nhất thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh là 23,2/100.000 người ở cả hai giới.
Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, số bệnh nhân bị ung thư gan đã vượt qua số bệnh nhân mắc ung thư phổi, trở thành bệnh ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam. Khảo sát tại TP.HCM cho thấy số bệnh nhân ung thư tăng mỗi năm khoảng 9%, từ 6.800 ca mới năm 2010 tăng lên 9.000 ca năm 2015.
Ung thư là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân Việt Nam. Ảnh: Medical News Today. |
Điều trị ung thư ở Việt Nam: Kém về mặt dịch vụ
Hiện nay, xu hướng người Việt ra nước ngoài tầm soát và điều trị ung thư ngày càng tăng, đặc biệt là trong những năm gần đây. Về vấn đề này, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam - cho rằng: "Nhiều người thu nhập tốt, muốn hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe tốt thì người ta đi thôi. Đi nước ngoài phải là những người có đầy đủ điều kiện kinh tế. Khi có điều kiện, họ mong muốn được hưởng những gì tốt hơn ở trong nước".
Chuyên gia này cũng thừa nhận thực thế do số lượng bệnh nhân ung thư điều trị ở các bệnh viện trong nước đông nên rõ ràng người bệnh không thể hưởng những điều kiện như ra nước ngoài. Tình trạng quá tải cũng khiến đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tuy cố gắng nhưng "nhiều khi cũng không xiết được".
"Chúng ta cũng thấy rõ độ kém về mặt dịch vụ. Nói như thế không có nghĩa là điều kiện y tế của Việt Nam tệ hơn nhiều so với nước ngoài. Do bệnh nhân ở nước ta đông, chủ yếu lại có điều kiện kinh tế chưa cao. Còn ở các bệnh viện nước ngoài, họ có giới hạn số lượng người bệnh nhất định. Đó là những người có điều kiện kinh tế cao", GS.BS Nguyễn Chấn Hùng khẳng định.
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, hiện tại, khả năng điều trị ung thư của các bệnh viện trong nước hoàn toàn có thể tin tưởng được. "Căn bệnh này nếu được phát hiện sớm thì có thể điều trị chuẩn, kết quả tốt. Còn ung thư mà đã biết trễ rồi, thì ở đâu cũng khó khăn như nhau thôi", ông bày tỏ.
Về mặt tầm soát bệnh, Việt Nam đã có những phương tiện tiên tiến và tay nghề bác sĩ ngày càng cao. Một số máy móc hiện đại trong lĩnh vực này như X-ray hay PET cũng được trang bị ở nhiều tỉnh. Ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng,… trang thiết bị tầm soát, điều trị ung thư đã hiện đại hơn rất nhiều.
Về thuốc, ông Hùng khẳng định: "Ở trong nước các loại thuốc tốt, chất lượng đều có. Dĩ nhiên, thuốc điều trị ung thư cũng có hạn chế là giá thành cao. Thậm chí, những phương pháp điều trị mới như đột biến gen ung thư thì chúng ta cũng thử được, chưa có thuốc".
Về trình độ của bác sĩ, chuyên gia này cho rằng y tế của Việt Nam mỗi ngày một tốt hơn. Dù chưa thể thể sánh ngang được với nước ngoài, nhưng đội ngũ y, bác sĩ mỗi ngày đều chịu khó học hỏi và nâng cao tay nghề.
Trang thiết bị hiện đại tại Bệnh viện ung thư Đà Nẵng. Ảnh: Anh Tuấn. |
Ung thư biết sớm trị lành
Dù có nhiều tiến bộ trong công tác phòng chống ung thư, chẩn đoán và điều trị nhưng tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong do ung thư vẫn tiếp tục gia tăng.
Ung thư cổ tử cung đã có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin ngăn ngừa virus HPV cho các bé gái. Điều trị ung thư vú cũng có bước tiến lớn về phác đồ điều trị. Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn là việc điều trị khi ung thư ở giai đoạn sớm.
Các chuyên gia nhấn mạnh để đối phó với tình trạng người bệnh mắc ung thư vú càng tăng, giải pháp tốt nhất là tăng cường tầm soát và điều trị ở giai đoạn sớm, khả năng chữa khỏi ung thư vú là hơn 80%. Ở giai đoạn hai, tỷ lệ này sẽ giảm xuống chỉ còn 60%. Nếu để bệnh sang giai đoạn ba, tỷ lệ chữa khỏi sẽ thấp và đến giai đoạn cuối thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt sự đau đớn đi.
Về điều này, GS Nguyễn Chấn Hùng cho biết: “Vấn đề là người dân có chịu đi tầm soát hay không. Chúng ta đã được trang bị rất nhiều, bác sĩ mỗi lúc tay nghề một cao hơn. Vì thế, khả năng chẩn đoán, tầm soát ung thư của chúng ta rất đáng tin tưởng”.
Chuyên gia này khuyến cáo từ tuổi 40 trở lên, người dân cần thực hiện tầm soát ung thư. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp giúp bệnh nhân có thể khỏi bệnh, sống khỏe mạnh lâu dài.
Tỷ lệ mắc ung thư gan ở Việt Nam cao thứ 5 thế giới
Tỷ lệ mắc ung thư gan ở Việt Nam cao thứ 5 thế giới. Đây cũng là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong, sau ... |
Hàng trăm phụ nữ Mỹ bị ung thư máu do nâng ngực
Cơ quan y tế Mỹ xác nhận hơn 400 phụ nữ nước này mắc dạng ung thư hiếm gặp do cấy implant vòng ngực, trong ... |
Không phải thức khuya thì thói quen nào có thể khiến người trẻ bị ung thư gan?
Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao về chia sẻ của cô giáo dạy tiếng Hàn, Lê Thị Bảo Yến, 24 tuổi, bị ung ... |