Kỳ 1: Đòn thù tàn độc
“Con tôi từng là trụ cột của gia đình, có vợ, có con mà giờ đây phải chịu cảnh sống khổ hơn chết. Tất cả cũng chỉ vì đòn thù tàn độc do kẻ khác dùng axit gây ra”, bà Kiệu nấc nghẹn.
Nỗi ám ảnh suốt cuộc đời
Gia đình anh Tuấn bị gã hàng xóm dùng axit tấn công gây hậu quả nặng nề. |
Hơn 4 năm trôi qua nhưng nỗi đau của vụ tạt axit xảy ra tại gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn (41 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM) vẫn dai dẳng còn đó.
Chị Phạm Thị Thanh Xuân (vợ anh Tuấn) kể ngày 18/1/2012 là ngày ám ảnh nhất trong đời chị. Cũng kể từ đây, chuỗi ngày sống trong cảnh đau đớn về thể xác, tâm hồn giằng xé chị và những người thân trong gia đình.
Hôm ấy, khi chị Xuân đang gắng may xong những bộ đồ cuối năm cho khách, anh Tuấn đang trông cửa hàng tạp hóa trước nhà thì người hàng xóm Lâm Tiến Dũng (51 tuổi, hàng xóm sống ngay bên cạnh nhà) mặc áo mưa, đeo khẩu trang kín cầm ca axit tiến lại gần tạt thẳng vào người anh và bé Nguyễn Quốc Huy Bảo (8 tuổi, con trai vợ chồng anh Tuấn). Khi chị Xuân chạy ra cũng bị đối tượng này hất số axit còn lại vào người.
Cả gia đình anh Tuấn được cấp cứu ở Bệnh viện 175 rồi chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM. Bé Bảo được điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Kẻ thủ ác cũng bị bắt giữ ngay sau đó.
Từ khi bị tạt axit, chị Xuân và người thân trong gia đình phải sống trong cảnh đau đớn về thể xác và tâm hồn. |
“Đó là những ngày tháng khủng khiếp nhất trong cuộc đời mà tôi không bao giờ muốn nhớ. Nằm trong bệnh viện với cả cơ thể bị thương tích, mặt mũi không còn nguyên vẹn, hình dạng kì dị, tôi đã muốn buông xuôi mấy lần nhưng nghĩ đến con, đến chồng cũng đang trong cảnh đau đớn tột cùng về thể xác nên lại cố sống để động viên. Mỗi lần cắt bỏ da chết, cắt ghép da, rồi dịch vàng tươm ra cùng với việc phải chích mười mấy ống thuốc, đau đớn như xé da xé thịt….”, chị Xuân bàng hoàng kể lại.
Hậu quả của vụ tạt axit khiến anh Tuấn bị mù cả hai mắt với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 96%, vợ con anh mỗi người thương tật từ 60% đến 67%. Cả cơ thể, khuôn mặt anh và vợ con gần như bị biến dạng hoàn toàn.
Với hình hài không còn nguyên vẹn và cuộc sống chốn Sài Thành nhiều khó khăn nên anh Tuấn đã quyết định về quê nương nhờ bố mẹ già để tránh làm gánh nặng cho vợ con.
Nỗi lòng người mẹ
Bị thương tật vĩnh viễn lên đến 96%, anh Tuấn đã phải về quê nướng nhờ cha mẹ để giảm gánh nặng cho vợ con. |
Vượt sông Vàm Cỏ trên chiếc đò máy, chúng tôi đến được nhà anh Nguyễn Quốc Tuấn ở ấp Bình Thới 2 (xã Thuận Mỹ 2, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) nơi anh Tuấn đang ở cùng bố mẹ già nằm khép bên trong những lùm cây rậm rạp. Nghe tiếng chó sủa, người đàn ông với gương mặt và cơ thể biến dạng hoàn toàn cố mò mẫm bám vào cánh cửa cất tiếng hỏi “ai đấy”.
Cùng lúc này, bà Phạm Thị Kiệu (71 tuổi, mẹ anh Tuấn) từ sau nhà đi lên mời chúng tôi vào trong uống nước. Đây cũng là thời điểm bà Kiệu cho anh Tuấn ăn cơm trưa, suốt bữa ăn, bà Kiệu không rời mắt khỏi anh Tuấn như chăm một đứa trẻ lên ba. Chứng kiến những hình ảnh trên hẳn ai cũng hiểu từ sâu thẳm trong tâm trí của người mẹ già kia là cả nỗi niềm trăn trở, thương xót cho số phận nghiệt ngã của đứa con trai mình.
Gạt nước mắt, bà Kiệu cho biết, anh Tuấn là con thứ 5 trong gia đình gồm 8 anh em. Hơn 10 năm trước, anh lên TP.HCM làm nghề thợ mộc, sau đó gặp chị Xuân rồi nên duyên chồng vợ. Thấy anh Tuấn ổn định cuộc sống nên bà Kiệu cũng an lòng. Nào ngờ, tai họa ập xuống, phá nát gia đình đứa con của mình. Đau xót, oán hận nhưng rồi bà Kiệu cũng phải chấp nhận với thực tế phũ phàng. Ngày bà tiễn con đi, anh Tuấn là một chàng trai khỏe mạnh, lành lặn. Ngày đón con về thì anh Tuấn trong tình trạng “sống không bằng chết”.
Anh Tuấn nghẹn ngào nói: “Vợ và con tôi cũng bị thương tích nặng, cuộc sống hiện tại phải dựa vào người thân lo lắng. Tôi không muốn tạo thêm gánh nặng cho vợ con nên về nương nhờ bố mẹ”.
“Đau đớn về thể xác đã khiến tôi phải vật vã từng giờ nhưng đó chưa phải tất cả, nỗi đau về đôi mắt bị mù lòa khiến tôi gục ngã. Cuộc đời của tôi mấy năm qua chìm trong bối tối của sự sợ hãi. Nghĩ lại giây phút cả lít axit xối vào mặt, chảy xuống người kéo theo lớp da thịt cháy đen khiến tôi choáng váng. Rồi đến vợ con tôi, cũng chung cảnh ngộ, giờ phải sống trong cảnh tổn thương đủ bề làm tôi càng đau xót”, anh Tuấn tâm sự.
Từ một thanh niên khoẻ mạnh, nay anh Tuấn phải sống trong cảnh thương tật đầy mình. |
Đưa bàn tay già nua, đen sạm bóp vai cho con mình, bà Kiệu rơm rớm nước mắt, dù tuổi đã có nhưng bà vẫn cùng anh Tuấn rong ruổi khắp các bệnh viện với hy vọng tìm lại được “mầm sống” cho con. Cũng theo lời bà Kiệu, hàng ngày anh Tuấn có thể từ xúc cơm ăn và đi vệ sinh “ngay trước của nhà”. Ngày mới về, bà con lối xóm thấy anh Tuấn trong bộ dạng “người không ra người” nên cũng ái ngại, không dám lại gần. Nhưng ở lâu thành quen nên không còn sự kì thị, giữa khoảng cách với anh Tuấn nữa.
Kỳ 2: Ca axit oan nghiệt
Vốn có gương mặt xinh đẹp, ưa nhìn nhưng giờ đây, chị Loan phải chịu cảnh “khoác” lên mình gương mặt đầy thương tật, sẹo đan xen chi chít...