Đặng Thái Huyền đã có những phim thành công trong thể loại phim chiến tranh hay phim tâm lý. Chị là một đạo diễn tài năng, được đào tạo bài bản, cách kể chuyện độc đáo, nhiều tìm tòi bất ngờ. Nhưng từ những dòng phim quen thuộc để dũng cảm bước vào một dòng phim mới, ít nhiều còn xa lạ, thách đố với cả nền điện ảnh thì cần một sự tự tin lớn. Nhất là đó lại là một phim thị trường, được đầu tư để thu hút khán giả tới rạp. Câu chuyện khán giả chưa bao giờ thôi ám ảnh người đạo diễn làm phim thị trường. Họ chỉ có một cơ hội duy nhất để tiếp tục, đó là làm sao hút được người xem tới rạp, bằng chính những thước phim của mình.
Nhưng Đặng Thái Huyền đã làm được. “Lời nguyền gia tộc” đã bước qua lời nguyền về phim kinh dị Việt không thể hấp dẫn, để nhận lấy phần thưởng của mình. Phần thưởng đó là sự chào đón, chờ đợi của công chúng. Phần thưởng đó là doanh thu của bộ phim. Phần thưởng đó còn là, từ nay, người ta sẽ thôi mặc cảm về phim kinh dị “made in Việt Nam”. Rằng đạo diễn Việt có thể làm nên những bộ phim kinh dị có sức hút, dù họ còn gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, về phương tiện, máy móc.
Nỗi sợ được tạo ra từ đâu?
Trong một phim kinh dị không thể không nhắc đến yếu tố nỗi sợ. Mang một phim kinh dị ra rạp để bán cho khán giả, cũng đồng nghĩa là anh đang bán nỗi sợ. Nếu không có nỗi sợ để bán, anh đừng gọi đó là phim kinh dị. Nhưng cũng sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì nếu anh bán một nỗi sợ mông lung, vô thưởng vô phạt. Nghĩa là, anh phải kể một câu chuyện nào đó cho người xem đủ ám ảnh, đủ thấm thía.
Đặng Thái Huyền thật thông minh, khi chị có thể nhận diện các ưu điểm, nhược điểm của chính mình, và của cả nền điện ảnh Việt, trước dòng phim kinh dị mới mẻ. Chị tìm một cách tiếp cận phù hợp để kể chuyện “Lời nguyền gia tộc”. Theo đó, sẽ không làm một phim kinh dị lấy các cảnh quay rùng rợn để “hù dọa” khán giả (vì có rùng rợn đến đâu cũng khó mà qua mặt được những phim kinh dị của Mỹ).
Đặng Thái Huyền hướng đến một nỗi sợ khác, một nỗi sợ vốn luôn quanh quẩn đâu đó trong đời người, đặc biệt là trong niềm tin tâm linh của người Á Đông, đó là nỗi sợ về luật nhân quả, luật vay trả luân hồi. “Lời nguyền gia tộc” đã nhấn vào nỗi sợ ấy. Con người sống trên đời phải lấy sự tử tế để đối đãi xung quanh, đừng gây ân oán, sẽ có lúc phải trả. Đời này không trả đời sau sẽ phải trả. Thông điệp sáng rõ ấy, dĩ nhiên, nếu thiếu đi sự thuyết phục trong những cảnh quay, trong diễn biến câu chuyện, thì cũng chẳng có một bộ phim hấp dẫn. Đặng Thái Huyền biết, chị phải trả lời trên những cảnh quay.
Phải nói, đạo diễn lựa chọn bối cảnh quay phim tuyệt vời. Đà Lạt, những căn nhà hoang, thác nước đẹp và hiểm nguy đã đem lại những cảnh quay đậm chất điện ảnh, về mặt thị giác cực kỳ ấn tượng. Những nỗi sợ được kể trong khung cảnh đó càng thêm ám ảnh.
Việc tiếp theo là chọn lựa diễn viên, chỉ đạo diễn xuất. Không có những ngôi sao lớn đóng nhân vật chính, nhưng Đặng Thái Huyền đã tạo ra ngôi sao từ phim của mình. Chị đã cho thấy khả năng đánh giá diễn viên, cũng như khả năng “cầm tay chỉ việc” diễn viên của mình. Cộng thêm đó là tư duy mạch lạc trong kể chuyện, khéo léo tạo ra những đường dây kết cấu chuyện một cách phù hợp nhất, tạo ra mảnh đất phong phú cho các diễn viên phô hết sở trường của mình.
Tuấn Trần, nam diễn viên chính của phim “Lời nguyền gia tộc” đã chia sẻ, nữ đạo diễn đã thật liều lĩnh khi mời anh vào vai chính trong phim kinh dị của chị. Vì anh chưa có tên tuổi nhiều, lại khá xa lạ với dòng phim này.