Là một trong 35 công trình, sản phẩm tiêu biểu được tuyên dương tại FESTIVAL “SÁNG TẠO TRẺ” TOÀN QUỐC LẦN THỨ X NĂM 2017, sản phẩm "Máy may cho người khuyết tật tay" của hai nữ sinh Trần Thu Hoài và Tống Thanh Mai (cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái) được đánh giá khá cao về ý tưởng cũng như hành trình thực hiện dự án.
Hai nữ sinh Trần Thu Hoài và Tống Thanh Mai đã sáng chế thành công máy may dành cho người khuyết tật. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ về điều này, em Trần Thu Hoài tâm sự: "Ý tưởng này của chúng em được hình thành bắt đầu từ tháng 8/2016 khi nhà trường triển khai chương trình thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Tới tháng 1/2017 chúng em thi cấp tỉnh, tháng 7 thi ở Vifotec và bây giờ mới thi tại FESTIVAL “SÁNG TẠO TRẺ” TOÀN QUỐC. Máy may dành cho người khuyết tật tay là một sản phẩm bán tự động với phần cải tiến là một hệ thống các bộ phận di chuyển, quay góc, tăng kích thước của tấm vải và người khuyết tật tay hoàn toàn có thể may được bằng cách điều khiển bằng chân.
Chúng em hy vọng sản phẩm của mình một phần nào đó giải quyết được vấn đề việc làm của người khuyết tật và mang lại một nguồn thu nhập ổn định cho họ. Qua việc thực hiện sản phẩm, chúng em cảm nhận và thấu hiểu được thêm phần nào những khó khăn mà người khuyết tật phải đối mặt trong cuộc sống, chính vì thế chúng em càng có động lực cũng như quyết tâm mang đến một sản phẩm có thể giảm bớt gánh nặng cuộc sống với người khuyết tật".
Trong quá trình thực hiện dự án, hai nữ sinh này đã gặp phải vô vàn khó khăn khi cả hai đều là học sinh chuyên Văn, vốn am hiểu về kỹ thuật cơ khí còn ít. Ban đầu mọi người (kể cả người nhà) đều nghĩ ý tưởng này khó thành hiện thực. Khi đi nhờ giúp đỡ thì nhiều người từ chối vì cũng chưa hiểu được ý định của hai nữ sinh này.
Sản phẩm máy may dành cho người khuyết tật tay của hai nữ sinh chuyên Văn ở Yên Bái. Ảnh: NVCC. |
"Chúng em cặm cụi vạch ra ý tưởng, lên bản vẽ chi tiết về sản phẩm và đi nhờ người giúp đỡ. Sau khi bị nhiều người từ chối và cảm thấy thất vọng muốn bỏ cuộc, may sao có một bác thợ mộc ở địa phương đã đồng ý giúp đỡ hai đứa em. Bác dựa vào bản vẽ chi tiết và bài thuyết trình trên giấy chúng em dự thi ở vòng trường để làm các chi tiết liên quan của máy may. Chiếc máy may này không cần dùng đến tay mà có thể điều khiển bằng chân và vẫn may được một sản phẩm hoàn chỉnh", Thu Hoài tiết lộ.
Theo hai nữ sinh này, máy may có thể may được chiếc vỏ gối hình vuông với kích thước khác nhau. Các bộ phận hỗ trợ di chuyển hoạt động linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng với máy may và người điều khiển. Sản phẩm sau khi may đảm bảo yêu cầu về thẩm mỹ và khả năng sử dụng.
Chiếc máy may đặc biệt này thực tế đã được các nữ sinh này thêm một bộ phận có chức năng giống như cánh tay người gồm ba chi tiết nhỏ: Một tấm đỡ vải, một tấm di chuyển lên xuống theo chiều dọc, một bộ phận tăng giảm kích cỡ (sang trái, phải) đường may. Ngoài ra, còn có bộ điều khiển gắn ở chân (chứ không phải dùng chân để đạp nữa) và một động cơ quay góc. Các bộ phận khác cũng được làm bằng kim loại và chạy bằng điện.
Cấu trúc hoạt động của máy may dành cho người khuyết tật tay. |
Về quy trình hoạt động của máy may gồm:
Bước 1: Chân trái nhấn nút xanh để khởi động hoạt động của máy may (thay cho việc dùng chân đạp) đồng thời chân phải đẩy cần gạt lên trên (theo chú thích ở hộp điều khiển) khi đó mũi kim may xuống sẽ đồng tốc với tốc độ chạy của hệ thống di chuyển.
Bước 2: Sau khi hoàn thành cạnh thứ 1, lùi tấm vải về vị trí ban đầu (đẩy cần gạt xuống duới) rồi chân nhấn nút đỏ để quay tấm giữ vải xoay đến vị trí cạnh tiếp theo cần may. Lặp lại thao tác ở bước 1.
Bước 3: Tiếp tục lặp lại các thao tác cho đến khi may hoàn thiện 4 cạnh của sản phẩm. Khi muốn tăng/giảm khích thước của sản phẩm, dùng chân đẩy cần gạt sang bên trái (tăng kích thước) hoặc bên phải (giảm kích thước) để điều chỉnh sao cho phù hợp với yêu cầu của người may.
Sản phẩm của dự án “Máy may dành cho người khuyết tật tay” có một số điểm mới như: Đây là sản phẩm máy may đầu tiên cho người không có tay hoặc mất khả năng lao động bằng tay. Cơ chế hoạt động bán tự động, giảm thiểu thao tác điều khiển. Đề tài mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thực hiện phương châm “tàn nhưng không phế”.
Các bộ phận hỗ trợ di chuyển hoạt động linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng với máy may và người điều khiển. Sản phẩm sau khi may đảm bảo yêu cầu về thẩm mỹ và khả năng sử dụng. Nhờ có sản phẩm này người khuyết tật không những có thể tự nuôi sống bản thân mình mà còn có thể giúp đỡ được người khác.
"Khi chúng em hoàn thiện sản phẩm và mang tới trường dự thi, mọi người cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Dù qua vòng thi ở trường nhưng vẫn có nhiều người nghĩ chúng em không thể được đi thi vòng tỉnh do quá khó để có thể làm khiến chúng em thêm một lần lo lắng nữa dù đã cố gắng hết sức. Nhưng may sao có cô hiệu phó đã động viên và tạo cho chúng em cơ hội thực hiện tiếp ước mơ của mình", Thu Hoài tâm sự thêm.
Dân chuyên Văn nhưng đỗ vào trường kinh tếCô Hoa Lan - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) chia sẻ: "Khi các em có ý tưởng, bản thân tôi cũng rất bất ngờ bởi cả Hoài và Mai cùng là học sinh lớp chuyên Văn của trường. Trong khi các em lại muốn sáng chế ra một loại máy cơ khí, nhưng lại có tính nhân văn. Khi nghe các em phân tích ý tưởng và nguyên lý hoạt động, phương pháp nghiên cứu thì tôi đánh giá rất cao và động viên hai em cùng cố gắng. Ở vòng trường chỉ là sản phẩm sơ khai nhưng với sự đam mê khoa học của mình, các em đã nỗ lực không ngừng bên cạnh nhiệm vụ học tập trên lớp để có thể ra được một sản phẩm hoàn chỉnh như hiện nay. Trong quá trình làm tôi cũng góp ý cho các em để củng cố hơn về nguyên lý hoạt động của máy cũng như giúp bác thợ mộc hiểu được ý tưởng và mục đích của các em. Công trình này đạt giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Yên Bái năm học 2016 - 2017". Được biết trong năm học vừa qua, Thu Hoài đã thi đỗ và đang là sinh viên năm nhất của Học viện Tài chính. Còn Thanh Mai hiện cũng đang học năm đầu tiên tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Dù là học sinh chuyên Văn nhưng các em vẫn thi đỗ vào các trường thuộc khối Tài chính - Kinh tế càng khiến cho nhiều người thêm cảm phục về sự chăm chỉ, sáng tạo. |
Cô giáo 9X dạy trẻ khuyết tật: 'Học sinh làm thiệp chúc mừng 20/11 là vui lắm rồi'
Chăm nuôi các em học sinh khuyết tật nhiều khi cũng khiến các thầy cô giáo phải dùng nhiều phương pháp theo phương châm "mềm ... |