Núi Cấm được biết đến với rất nhiều tên gọi khác nhau như Núi Ông Cấm, Thiên Cấm Sơn hay Thiên Cẩm Sơn. Trong tiếng Khmer, ngọn núi này còn được biết tới với cái tên Pnom ta piel hay Pnom po piêl.
Núi cao 705m với chu vi khoảng 28.600m. Đỉnh Bồ Hong của Núi Cấm cũng là đỉnh núi cao nhất trong hệ thống Thất Sơn.
Cái tên Núi Cấm hay Cấm Sơn xuất hiện chính thức lần đầu tiên trong Đại Nam nhất thống chí vào cuối thế kỉ XIX. Trong sách, ngọn núi này được miêu tả như sau: “...thế núi cao ngất, cây cối tươi tốt, là một trong Bảy Núi. Vì núi cao nên ít người lên đến chót”.
Có rất nhiều giả thuyết khác nhau bàn luận về tên gọi của Núi Cấm. Trong đó, theo giáo sư Nguyễn Văn Hầu, cái tên Núi Cấm ra đời do Phật Thầy Tây An vì lo sợ ô uế chốn núi linh thiêng nên đã ra lệnh cấm các tín đồ của mình cất nhà, lập am trên núi.
Còn theo một giả thuyết khác, trong lúc bị quân Tây Sơn truy nã, Nguyễn Phúc Ánh đã nương tạm vào núi để ẩn nấp. Để giấu kín tung tích, ông đã sai các cận thần loan tin có ác thú, yêu quái trên núi để ngăn cấm dân chúng đến đây.
Nếu xuất phát từ TP HCM, du khách có thể lựa chọn một trong hai phương tiện là ô tô hoặc xe máy để di chuyển đến Núi Cấm, An Giang. Nếu đi bằng ô tô, bạn nên đến bến xe miền Tây rồi bắt các chuyến về Long Xuyên hoặc Châu Đốc, An Giang để có thể ghé thăm Núi Cấm.
Địa điểm này thu hút khá nhiều khách du lịch trong những năm gần đây nên đường đi vô cùng thuận tiện và dễ dàng.
Từ Long Xuyên, du khách chỉ cần chạy thẳng theo hướng Quốc lộ 91. Đến Khu công nghiệp Bình Hòa thì rẽ trái vào tỉnh lộ 948, sau đó, khi đến địa phận Tri Tôn thì bạn rẽ phải theo hướng xã An Hảo, đi theo biển chỉ dẫn thêm một đoạn nữa là sẽ đến nơi. Núi Cấm nằm cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 90km, nếu di chuyển bằng ô tô, bạn sẽ mất từ 2h đến 2h30 để di chuyển đến nơi.
Còn nếu từ Châu Đốc, bạn chỉ cần đi thẳng theo chiều Quốc lộ 91, đến chợ Nhà Bàng thì rẽ trái vào tỉnh lộ 948. Sau đó đi theo hướng dẫn phía trên để tới được Núi Cấm.
Tại đây, du khách có 2 lựa chọn để lên tới đỉnh Núi Cấm, một là đi bộ dọc theo tuyến đường trải nhựa trên núi, hai là mua vé cáp treo để có thể thưởng thức trọn vẹn khung cảnh Cấm Sơn từ trên cao.
Khí hậu Núi Cấm ôn hòa, dễ chịu suốt 4 mùa, vậy nên du khách có thể ghé thăm nơi đây vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Trong đó, từ tháng 8 đến tháng 10 là khoảng thời gian diễn ra các hoạt động truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer cùng rất nhiều lễ hội đặc sắc được tổ chức tại đây.
Với chiều cao khoảng 705m, Vồ Bồ Hong là chỏm cao nhất trên Núi Cấm. Tại đây, bạn có thể thưởng ngoạn toàn bộ cảnh đẹp nên thơ của tỉnh An Giang. Bên cạnh đó, điện thờ Ngọc Hoàng linh thiêng cũng là một địa danh nổi tiếng mỗi khi du khách có dịp ghé thăm Núi Cấm.
Ngoài ra, bạn cũng thể tham quan ngôi chùa Vạn Linh tọa lạc trên độ cao 535m tại nơi đây. Chùa Vạn Linh sở hữu kiến trúc cổ truyền của chùa chiền phương Đông, bao gồm 3 ngôi tháp lớn là Bảo các Quan Âm, Tháp Hòa thượng khai sơn Thích Thiện Quang và Tháp chuông hình bát giác.
Thêm một điểm tham quan không thể bỏ qua khi tới Núi Cấm, An Giang là Chùa Phật Lớn, Chùa có tên gọi đầy đủ là Thiền viện chùa Phật Lớn, xây dựng cách đây hàng trăm năm trước. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam với chiều cao hơn 33m.
Nằm trước chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh, hồ Thủy Liêm rộng tới 60.000m vuông và được hoàn thành vào ngày 5/10/2008. Với không gian mát mẻ, thoáng đãng cùng cảnh vật thơ mộng, cuốn hút, nơi đây trở thành địa điểm tham quan lý tưởng cho các du khách mỗi khi ghé thăm Núi Cấm.
Ngoài ra, vào mỗi dịp lễ tết, khách tham quan Cấm Sơn có thể tới hồ để thả cá phóng sinh, đi dạo xung quanh và tận hưởng không khí bình yên, tĩnh lặng tại nơi đây.