Những người sáng lập đã ghi rõ trên các bảng hiệu quán cơm 2.000 đồng: Quán cơm xã hội - Ảnh: NGỌC DƯƠNG |
Ông Nam Đồng không dùng chữ quán cơm từ thiện, mà xác định đây là quán cơm xã hội.
Tôi có thể xác tín điều này vì những ngày đầu thành lập quán, chúng tôi đã nói nhiều về tính chất khác nhau rất cơ bản giữa TỪ THIỆN và XÃ HỘI.
Ngày xưa, khi còn là sinh viên nghèo, mỗi buổi trưa ông Nam Đồng thường đến quán cơm xã hội. Chỉ với năm đồng, ông được ăn cơm thoải mái, no bụng.
Nhờ quán cơm xã hội mà ông "khôn lớn" để đi vào chiến khu và rồi khi về hưu, ông tiếp tục mở quán cơm xã hội. Một vòng tuần hoàn?
Ông cho biết sự khác nhau của quán cơm xã hội ngày xưa và quán cơm xã hội Nụ Cười ngày nay. Khác về cơ bản là quán cơm ngày xưa do Nha Xã hội (thuộc Bộ Xã hội) thành lập năm 1967 và quản lý, còn quán cơm Nụ Cười là do sự đóng góp của các nhà hảo tâm.
Như vậy ngày trước dù là quán xã hội nhưng vẫn có tính chất là công quản. Còn quán Nụ Cười, nói theo thời đại sáng tạo ngôn từ hiện nay là "xã hội hóa" theo đúng quy trình một mình tư nhân bao thầu.
Nhắc đến quán cơm xã hội của nhà nước ngày xưa, tôi không lạ lẫm gì.
Tôi từng gửi thân ở những quán cơm này. Chiếc áo trắng học sinh của tôi cùng ngồi chen chúc với những chiếc áo xanh công nhân thợ thuyền và những người không đủ tiền để ăn một buổi cơm trưa trong một quán ăn tư nhân.
Chúng tôi ăn cơm không xấu hổ, mà cảm thấy rất bình đẳng vì phải trả một số tiền và ăn đúng khẩu phần một món mặn, món canh, món xào, còn cơm thì ăn bao no, chưa kể tráng miệng một trái chuối và ly trà đá.
Mô hình này không phải là quán ăn từ thiện hay phát chẩn, mà chỉ là quán cơm giá rẻ, ai cũng có thể vào ăn được với sự đùm bọc một phần kinh phí của nhà nước (báo nước ngoài viết về quán ăn xã hội thường dùng từ "Low fare restaurant).
Ông Nam Đồng và những sinh viên - học sinh nghèo trong thế hệ chúng tôi ngày ấy cũng nhờ quán cơm xã hội mà sống một "cơ số" ngày nhất định.
Quán cơm xã hội 2.000 có tính chất như quán cơm xã hội ngày xưa: ai cũng có quyền ăn và trả một số tiền do quán quy định để người ăn không có cảm giác được bố thí.
Người ăn có thể là người bán vé số, công nhân, lao động nghèo và sinh viên nữa - tất nhiên. Số tiền bù lỗ cho suất ăn tùy thuộc vào khả năng của nhà tài trợ.
Đây là cách người sáng lập và bạn bè trả nợ ân tình cho Sài Gòn. Người đi trước, giàu có hoặc nghèo nhưng với tấm lòng "lá lành đùm lá rách", "của ít lòng nhiều" sẵn sàng giúp đỡ người đi sau đang gặp cơn khốn khó một cách vô tư, và rồi những người đi sau này tiếp tục thực hiện hành động của người đi trước.
Sài GònMà thôi, khi quán 2000 đã mở ra thì bá tánh ở Sài Gòn, bất kể giới nào, vào ăn thì những người sáng lập đã vui rồi. Ôi, phân biệt làm chi cho nó mệt?! Người Sài Gòn là vậy đó...