Bảng cập nhật tỉ phú thế giới theo thời gian thực của Forbes cho thấy, đến cuối ngày 22/5, Việt Nam có thêm 2 tỉ phú đôla mới là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hoà Phát và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Đây là tỉ phú đã có tên trong trong danh sách tỉ phú thế giới trước đây, nhưng sau đó tài sản ròng thấp dưới 1 tỉ USD và rớt khỏi danh sách.
Cụ thể, theo cập nhật ngày 22/5 của Forbes, khối tài sản ròng của ông chủ Hoà Phát đạt 1 tỉ USD, tăng 30 triệu USD và đang xếp thứ 2.122 trong danh sách tỉ phú thế giới của Forbes. Lần đầu tiên ông Trần Đình Long lọt danh sách tỉ phú thế giới vào tháng 3/2018. Tuy nhiên, gần một năm sau đó, ông Long rời khỏi nhóm này.
Tính đến 5h ngày 22/5, giá cổ phiếu của Hoà Phát đạt 27.250 đồng/cổ phiếu, tăng 68% so với 8 tuần trước đó. Hiện ông Long và gia đình đang sở hữu tổng cộng 940 triệu cổ phiếu của Tập đoàn thép Hoà Phát.
Trong năm 2019, trước bối cảnh ngành thép không thuận lợi, nhiều doanh nghiệp cùng ngành suy giảm hoạt động thì Hoà Phát vẫn tăng thêm gần 10.000 tỉ đồng doanh thu. Theo Forbes ước tính, mỗi ngày Hoà Phát thu về 153 tỉ đồng, tạo ra 23,5 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trên sàn chứng khoán, xét nhóm công ty tư nhân niêm yết, Hoà Phát đang đứng thứ 2, sau Vinhome.
Trong thời gian đại dịch bùng phát đến đỉnh điểm vào tháng 2/2020, Hoà Phát vẫn xuất khẩu 42.000 tấn thép tới các thị trường như Canada, Thái Lan, Malaysia,… tăng 2,7 lần so với cùng kì năm ngoái.
Không những thế, Tập đoàn Hoà Phát của ông Trần Đình Long còn tuyên bố đầu tư thêm 60.000 tỉ đồng cho dự án Khu liên hợp Dung Quất.
Do vậy, chính kết quả kinh doanh khả quan của Hoà Phát trong thời gian qua đã đưa "vua thép" Trần Đình Long trở lại danh sách tỉ phú đôla của thế giới sau hai năm vắng bóng.
Trong khi đó, như tin đã đưa ngày 19/5, theo Forbes tổng tài sản ròng của ông Nguyễn Đăng Quang đã tăng 8 triệu USD lên 1,1 tỉ USD, đưa vị Chủ tịch Masan quay trở lại danh sách tỉ phú thế giới.
Năm 2019, ông Quang lần đầu tiên góp mặt trong danh sách tỉ phú thế giới với khối tài sản tương đương 1,3 tỉ USD, xếp thứ 1.717. Tuy nhiên, ông chủ Masan đã rớt khởi danh sách này cuối năm 2019, sau biến động cổ phiếu Masan khi sáp nhập mảng bán lẻ của Tập đoàn Vingroup.
Hiện ông Nguyễn Đăng Quang cùng người thân và các pháp nhân liên quan đang sở hữu tổng cộng 60% cổ phần của Masan. Chốt phiên giao dịch 22/5, giá cổ phiếu Masan đang ở mức 62.000 đồng/cổ phiếu, tăng 27% so với hồi cuối tháng 3.
Cuối tháng 4, Masan của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, trong đó cho thấy doanh thu quý đầu tiên của hệ thống Vincommerce - đơn vị vận hành Vinmart và Vinmart+ đạt kỉ lục hơn 8.700 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kì năm ngoái.
Đây là tín hiệu khả quan ngoài mong đợi khi Vincommerce vừa được chuyển nhượng từ Tập đoàn Vingroup vào cuối năm 2019.
Như vậy, sau lần cập nhật mới nhất này Việt Nam hiện đang có 6 tỉ phú thế giới, theo Forbes. Trong đó Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng trị giá 6 tỉ USD. Xếp thứ hai là CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu 2,3 tỉ USD tài sản.
Tiếp theo là Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình với khối tài sản ròng ước đạt 1,5 tỉ USD. Và với 1,2 tỉ USD tài sản, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh đứng thứ 4 trong danh sách này.
Được biết, việc xác định giá trị tài sản các tỉ phú trên thế giới của Forbes kết hợp từ phương pháp tính toán khác nhau. Trong đó, Forbes định giá tài sản của các tỉ phú dựa trên giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán, các bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ.