Chiều 11/1, VKSND luận tội và đề nghị mức án đối với ông Đinh La Thăng và đồng phạm. Ảnh: TTXVN |
Theo đó, VKS đề nghị án 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT PVC, bị đề nghị 13-14 năm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và chung thân tội Tham ô tài sản. Tổng mức hình phạt với bị cáo Thanh bị đề nghị là chung thân.
Cùng hai tội danh như ông Thanh, cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh bị đề nghị 10-11 năm tù.
Cơ quan công tố cáo buộc, ông Thăng đã lợi dụng vị trí cao nhất của tập đoàn, dù biết PVC không đủ năng lực vẫn chủ động đề ra chủ trương, giao thầu cho công ty này. Ông chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai dẫn đến hơn một nghìn tỷ đồng bị sử dụng sai mục đích. Hành vi phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Cho rằng ông Thăng mới chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu mà chưa nhận ra việc làm trái pháp luật của mình, VKS cho rằng cần có hình phạt nghiêm.
Cơ quan công tố đánh giá ông Thanh phạm hai tội đều đặc biệt nghiêm trọng. Ông này bỏ trốn và trong quá trình điều tra đã quanh co chối tội nên cần "trừng trị nghiêm". Tuy nhiên, ông Thanh có tình tiết giảm nhẹ là khắc phục thiệt hại được hai tỷ đồng.
Trong bản luận tội, cơ quan công tố cho rằng thiệt hại 119 tỷ đồng chưa phản ánh hết bản chất, là tiền đề để tham nhũng, lãng phí xảy ra tại PVN.
Trong bản luận tội đọc chiều nay, cơ quan công tố xác định, PVN được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD.
Dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm thủ tục chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, các bị can Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt và Trương Quốc Dũng đã sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án. Đến ngày 22/11/2017, nhà chức trách mới thu hồi được gần 1.100 tỷ đồng. Số tiền còn lại (hơn 119 tỷ đồng) bị xác định là thiệt hại.
Ở tội tham ô, theo cáo trạng, ông Thanh cùng 10 bị cáo còn liên quan hành vi tham ô 13 tỷ đồng qua việc lập khống hồ sơ thiết kế, nghiệm thu, thanh quyết toán bốn hạng mục tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng - Quảng Trạch (ở Hà Tĩnh).
Trong số này, ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc chiếm hưởng 4 tỷ đồng trong một lần chỉ đạo rút tiền để ông này tiêu Tết. Ông Vũ Đức Thuận (cựu tổng giám đốc PVC) chiếm hưởng 800 triệu đồng, Nguyễn Anh Minh (cựu phó tổng giám đốc PVC) chiếm hưởng 3,6 tỷ đồng, Bùi Mạnh Hiển (nguyên chánh văn phòng PVC) chiếm hưởng 400 triệu đồng, Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng) chiếm hưởng 757 triệu đồng, Lê Thị Anh Hoa và Nguyễn Thành Quỳnh (chiếm hưởng gần 2 tỷ đồng. Số tiền 1,5 tỷ đồng còn lại các ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển chiếm hưởng sử dụng chung.
Xử vụ Phạm Công Danh: Ông Trầm Bê nói không biết tình cảnh của ông Danh
Ông Trầm Bê nói không biết VNCB đang bị Ngân hàng Nhà nước giám sát, nếu biết thì không cho vay hoặc cho vay phải ... |
Cập nhật phiên tòa xử Phạm Công Danh, Trầm Bê chiều 11/1: Ông Danh xin HĐXX xem xét cho những giám đốc 'ảo'
Chiều 11/1, TAND TP HCM tiếp tục phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm về cùng tội ... |