'Online là kênh chủ yếu để các doanh nghiệp BĐS tồn tại và phát triển hiện tại'

Đây là nhận định của ông Lê Văn Thông - Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Sài Gòn King Land khi nói về kế hoạch "thích nghi" của doanh nghiệp với dịch Covid-19. Nhiều đại diện công ty cùng ngành có quan điểm tương tự.

Theo thông cáo ngày 2/8 của Bộ Xây dựng về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh (tăng 44,8%), số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 831 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ Xây dựng nhận định, mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục duy trì thực hiện kế hoạch, mục tiêu lợi nhuận cao hơn năm 2020.

Về hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động. Hiện tại, hầu hết các sàn giao dịch này đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.

Vốn chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, lại gặp phải làn sóng Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp và kéo dài, các sàn giao dịch bất động sản đã phải chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn. 

Trong bối cảnh khó khăn đó, các doanh nghiệp đã có những chiến lược và hành động cụ thể để duy trì hoạt động trong đại dịch.

Chia sẻ tại tọa đàm online do Batdongsan.com.vn tổ chức mới đây, ông Lê Văn Thông - Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Sài Gòn King Land cho biết, từ năm 2020 công ty đã có những kế hoạch cụ thể để "thích nghi" với đại dịch.

Đầu tiên là rà soát năng lực của các nhân viên và phòng ban trong công ty. Từng cá nhân hay bộ phận sẽ được khai thác khả năng triệt để và hiệu quả nhất. Từ đó có thể tối ưu hóa chi phí để công ty hoạt động dài lâu hơn.

Doanh nghiệp xác định rõ sẽ không mở rộng quy mô từ năm 2020 cho đến khi hết dịch. Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh việc tập trung phát triển các thế mạnh và nguồn lực hiện có, công ty chú trọng đầu tư phát triển các kênh online. 

Ông Thông đánh giá, online là kênh chủ yếu để các doanh nghiệp bất động sản tồn tại và phát triển hiện tại. Do vậy, cần tận dụng triệt để các kênh đăng tin, quảng cáo Google và Facebook, tổ chức các sự kiện trực tuyến...

Doanh nghiệp bất động sản và 'bí kíp' thích ứng với đại dịch - Ảnh 1.

Các buổi livestream chia sẻ được tổ chức nhắm giúp rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp bất động sản và khách hàng. (Ảnh chụp màn hình).

Việc thường xuyên tổ chức họp online để tương tác, củng cố tinh thần, "giữ lửa" cho nhân viên cũng là một sách lược để công ty có thể sẵn sàng "chiến đấu" sau dịch.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Toán - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Hưng Vượng Holdings cho rằng, đây là khoảng thời gian rất tốt để ban lãnh đạo các doanh nghiệp nhìn nhận lại toàn bộ hệ thống của mình, thấy được các vấn đề đang tồn tại. 

Thông qua các ứng dụng online, doanh nghiệp có thể nắm được tình hình văn hóa tinh thần trong nội bộ công ty, cũng như kết nối với khách hàng. Doanh nghiệp có thể xây dựng thêm các kênh online, giúp tối ưu hóa khả năng tiếp cận và chăm sóc khách hàng.

Ông Trần Hoàng Hải - Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Unihomes miền Nam đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp nên cơ cấu lại danh mục sản phẩm, danh mục hoạt động sao cho phù hợp, tối ưu hóa chi phí. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tạo động lực cho nhân viên. Với khách hàng, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trong quá trình tư vấn như livestream giới thiệu sản phẩm, làm video Tiktok hoặc Youtube, ứng dụng công nghệ 360 độ, công nghệ thực tế ảo...

chọn
Chi tiết tồn kho hơn 11 tỷ USD tại 10 doanh nghiệp bất động sản
Các chủ đầu tư kỳ vọng việc mở bán và ghi nhận doanh thu dự án sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới, qua đó giảm áp lực hàng tồn kho và có thanh khoản dòng tiền.