Mua bán bất động sản qua livestream có thực sự khả thi?

Triển vọng vẫn có trong việc tìm kiếm và phát hiện các khách hàng mới, tuy nhiên để đưa đến chốt các giao dịch thì livestream khó có thể thay thế các tiếp xúc trực tiếp.

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường bất động sản. Khi các lệnh giãn cách ngày càng được siết chặt, gần như 100% sàn phân phối bất động sản phải đóng cửa, nhân viên làm việc tại nhà, do vậy lượng giao dịch sụt giảm nghiêm trọng.

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều hình thức giới thiệu và kinh doanh bất động sản trên nền tảng online đã xuất hiện, trong đó nổi lên xu hướng livestream bất động sản.

Livestream bất động sản ban đầu chỉ ở mức độ đơn giản mang tính cá nhân, khi mà một số môi giới tận dụng mạng xã hội để "dẫn" khách hàng của mình "tham quan" đất nền, dự án hoặc một sự kiện mở bán mà họ không thể đến tận nơi.

Sau đó, một số công ty đã bắt đầu tham gia vào hình thức này, bằng cách tạo ra những sự kiện livestream bất động sản quy mô, bài bản, tận dụng các yếu tố công nghệ, âm thanh, ánh sáng để thu hút khách hàng.

Xu hướng livestream có thể là "bí kíp" giúp thị trường bất động sản thoát khỏi trạng thái "đóng băng" tạm thời vì Covid-19. Thế nhưng liệu các khách hàng có thể thông qua livestream để tiếp cận đầy đủ thông tin, thực hiện các giao dịch mua bán hay không?

Mua bán bất động sản qua livestream, có thực sự khả thi? - Ảnh 1.

Một sự kiện livestream được đầu tư kỹ lưỡng. (Ảnh chụp màn hình)

Khó thay thế cho phương pháp truyền thống

Về xu hướng livestream trong lĩnh vực bất động sản, bà Lê Nguyễn Hồng Phương - Giám đốc thương hiệu Công ty Bất động sản Tuấn 123 nhìn nhận, thực ra, livestream không phải là một biện pháp mới, nó vốn dĩ đã là một công cụ để môi giới tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, vì Covid-19 mà phương pháp này được nhiều người để ý và sử dụng hơn.

Ưu điểm của livestream là có thể tiếp cận với rất nhiều khách hàng, ở nhiều khu vực địa lý khác nhau một cách an toàn trong mùa dịch với chi phí rẻ hơn so với tiếp xúc trực tiếp.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhược điểm là phù hợp với khách hàng trẻ, trung niên, hoặc những người vẫn có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin tốt. 

Đối với người lớn tuổi thì livestream khó có thể tiếp cận và phát huy được hiệu quả. Trong khi đây lại là nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính lớn, có thể là khách hàng mục tiêu của những sản phẩm trị giá từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, livestream cũng chỉ phù hợp với các sản phẩm sơ cấp, thuộc các dự án vì chúng có tính tương đồng. Nếu tổ chức một buổi livestream sẽ giới thiệu được nhiều sản phẩm. 

Nhưng với bất động sản thổ cư, mỗi căn nhà chỉ phù hợp với một tệp khách hàng khoảng từ 10 - 20 người. Do vậy, việc tổ chức một buổi livestream quy mô sẽ không phù hợp.

Do đó, livestream dù triển vọng nhưng cũng chỉ là một bước trung gian trong quy trình để tiếp cận khách hàng. Phương pháp này đảm nhận vai trò hỗ trợ các môi giới chứ không thể thay thế vai trò tư vấn trực tiếp của các môi giới trong việc bán nhà. 

Đặc biệt, tâm lý của các khách hàng Việt Nam không mua một căn nhà chỉ vì bản thân căn nhà đó mà họ còn mua vì các tiện ích xung quanh, tiện ích các khu vực lân cận, hàng xóm... 

Nếu mua nhà để sử dụng thì họ còn quan tâm đến các yếu tố như phong thủy, cảm nhận của họ khi đặt chân đến ngôi nhà. Những điều này chỉ có thể đánh giá đúng khi khách hàng tiếp xúc trực tiếp với căn nhà.

"Triển vọng vẫn có trong việc tìm kiếm và phát hiện các khách hàng mới, tuy nhiên để đưa đến chốt các giao dịch thì livestream không thể thay thế các tiếp xúc trực tiếp", bà Phương nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Đại Phúc - Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Phúc Vương Land phân tích, thương mại điện tử có sự ảnh hưởng tới hầu hết các ngành nghề. 

Thực tế hiện này nhiều ngành đã dịch chuyển hầu hết sang bán livestream và các phần mềm bán hàng công nghệ. Tuy nhiên, cũng có những ngành như bất động sản, chỉ có thể đưa công nghệ vào như một công cụ hỗ trợ một khâu nào đó trong rất nhiều khâu trước khi chốt được hợp đồng. 

"Với những sản phẩm giá trị lớn thì việc gặp trực tiếp người bán hàng để được tư vấn kỹ và thực tế trải nghiệm sản phẩm vẫn đang được ưu tiên hơn", ông Phúc cho biết. 

Xu hướng thịnh hành trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc Công ty Nova Entertainment & Media (Nova E&M) nhận định trên kênh Toàn cảnh bất động sản, với tình hình hiện tại, livestream bất động sản là một trong các biện pháp để "cứu vãn" tình trạng hiện tại bị ảnh hưởng bởi Covid-19. 

Việc tổ chức các chương trình online trên nền tảng digital là để co ngắn khoảng cách giữa khách với người bán, để người bán có thể giới thiệu được các sản phẩm bất động sản của mình.

Tuy nhiên, trước câu hỏi liệu xu hướng livestream có còn tiếp tục phát triển khi dịch bệnh được kiểm soát, ông Tùng cho rằng, sau khi kết thúc giãn cách, xu hướng offline sẽ lên ngôi trở lại, vì tâm lý chung các bên đều rất "thèm" gặp mặt trực tiếp. Phải cần một thời gian nhất định để mọi thứ cân bằng lại. 

Lúc này, livestream sẽ không mất đi, nhưng cũng sẽ thay đổi, kết hợp với các phương thức truyền thông để cùng tồn tại. Livestream sẽ biến thể thành nhiều hình thức khác nhau. Nếu như hiện tại, mục đích thực hiện livestream để tiếp cận khách hàng trong nước thì trong tương lai có tể mở rộng ra đối tượng khách nước ngoài. 

Đồng quan điểm, bà Phạm Minh Nguyệt - CMO nền tảng bất động sản Propzy cho biết, thị trường luôn mong muốn tiếp cận nhiều khách hàng nhất có thể. Livestream cùng với các xu hướng công nghệ thực tế ảo sẽ là những phương pháp cần được quan tâm đầu tư nghiên cứu để dự phòng cho các tình huống trong tương lai. 

Còn bà Hồng Phương nhận định, livestream và các phương tiện tìm kiếm khách hàng bằng công nghệ thông tin sẽ vẫn là một xu hướng thịnh hành trong thời gian tới. Bên cạnh các phương án cũ, công ty bất động sản có thể xây dựng và phát triển các kho dữ liệu hình ảnh, thông tin, bản vẽ 3D, phối cảnh không gian để khách hàng có thể thuận tiện lựa chọn, trải nghiệm.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.