#Metoo là phong trào mọi người chia sẻ các câu chuyện liên quan đến quấy rối tình dục để tiến tới chấm dứt quấy rối tình dục, đặc biệt là ở công sở. (Ảnh: ChicagoNow) |
Ở Việt Nam, vấn đề quấy rối tình dục nơi làm việc đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội khi liên tiếp các vụ việc quấy rối tình dục xảy ra ở trường học, công sở được tố cáo. Mới đây Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã tổ chức buổi tọa đàm về quấy rối tình dục nơi công sở. PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên trường ĐH Ngoại thương là khách mời của tọa đàm và đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề đang gây nhức nhối này.
Phong trào #Metoo ở Việt Nam bắt đầu khởi động trong tòa soạn báo từ một vụ việc. Nhưng ngay sau đó phong trào này có vẻ như đang dần đi xuống. Chị nhận xét như thế nào về tình trạng này ở Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên trường ĐH Ngoại thương: Tôi cũng ngạc nhiên vì một loạt các bài báo, bài viết cũ về chủ đề này đã biến mất. Tôi nghĩ do cùng một nguyên nhân giống như vụ việc ở Nhật Bản. Nhật Bản từng có vụ việc một nữ phóng viên người Nhật từng du học tại Mỹ đứng lên tố cáo bà bị cưỡng hiếp. Nhưng thay vì được chia sẻ, an ủi thì bà bị xúc phạm và nghi ngờ. Tất cả những bài báo và lời kêu cứu của bà dần dần bị hạ xuống hết. Kết cục, nữ phóng viên này chuyển sang Mỹ sinh sống và từ bỏ ước mơ làm nhà báo trên quê hương của mình. Tôi cũng không rõ tình trạng này ở Việt Nam liệu có đến bước tồi tệ như thế không?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên trường ĐH Ngoại thương. (Ảnh: CSAGA) |
Trước những câu chuyện lên tiếng tố cáo quấy rối tình dục, có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân, có thái độ chê trách, hoặc cho rằng việc này không đi đến đâu cả, hoặc là cho rằng chuyện nói ra như vậy là rất tệ, như là đấu tố. Bà nghĩ về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Lần đầu tiên bị quấy rối thì theo bản năng, tôi đi tìm những người chị hoặc những người lớn tuổi để than thở, nhưng người tốt bụng thì nói: “Em ơi, những chuyện này nhiều lắm, mày nên cẩn thận thì hơn, con gái thì phải biết giữ lấy thân.” Nếu gặp những người không thiện chí lắm thì người ta nói rằng: “Ai bảo mày ăn mặc thế này thế kia, ai bảo mày đến gặp người ta khi chỉ có một mình, con gái mà dại thì ráng mà chịu đi…”
Sau đó, tôi nghe thấy lời bàn tán sau lưng: “Cứ tưởng mình báu lắm đấy, làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu. Đến lúc không đứa nào nó trêu nữa lại lăn ra mà khóc.” Dần dần, tôi học một phản xạ khác là tự bảo vệ lấy mình, nếu gặp chuyện như vậy thì yên lặng giữ riêng cho mình mà thôi hoặc chỉ chia sẻ cho bạn bè thật thân thiết khi chuẩn bị đi gặp một nhân vật nào đó. Chính vì thế, những người đó không bao giờ bị đưa ra công lý.
Học sinh kể với tôi là thầy giáo này thầy giáo nọ đã có những hành động không phải với em đó. Tôi cũng đi tìm những người có trách nhiệm để nói thì những người đó đều nói là chẳng có bằng chứng nào cả và người ta không thể xử lý giáo viên chỉ bởi vì những lời xì xào. Sau đó tiếp tục từ khóa này khóa khác, sinh viên sẽ đồn thổi với nhau và tránh xa những giáo viên như vậy.
Điều này cũng như một bản án vô hình, không ai biết là những chuyện như vậy có hay không. Nhiều người lại cho rằng sau những chuyện đó, các nữ sinh viên tìm cách lợi dụng thầy để “kiếm chác”. Không chỉ chúng tôi học im lặng mà sinh viên cũng dần dần học im lặng. Những chuyện đó chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng và tôi rất cảm kích phong trào Metoo này, bởi muộn còn hơn không, chúng ta cần đưa việc này ra ánh sáng để lại một xã hội trong sạch, để con em chúng ta lớn lên trong một xã hội lành mạnh.
(Ảnh: CSAGA) |
Những ngày gần đây, trong một số status trên facebook, nhiều người từng nói đến những câu chuyện, những “cái tên” liên quan đến quấy rối tình dục. Nhưng có ý kiến cho rằng điều đó là không nên, là thiếu khoan dung, thiếu nhân văn. Còn quan điểm của bà như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Tôi cũng rất cân nhắc về chuyện này. Lịch sử bị quấy rối của tôi hơi dài dòng. Tôi vẫn nghĩ rằng mình là một người rất không may, cho đến khi đọc được những chia sẻ về chuyện này thì tôi mới biết rằng, mình là một người hoàn toàn bình thường.
Tôi vừa nhận được một cuộc điện thoại chia sẻ của một người bạn. Bạn tôi tự nhận là xấu hơn tôi rất nhiều, nhưng đã kể cho tôi những cái “tên tuổi” rất kinh khủng. Có những người tôi biết rất rõ và tôi tôn trọng rất lâu năm, những người tôi có thể coi như là cha, là chú mình, không bao giờ ngờ vực gì cả. Thế nhưng, có những chuyện mà tôi không bao giờ tưởng tượng ra. Nhưng khi nghe chuyện đó, tôi cũng nghĩ: Có nên công khai ra hay không?
Trước đây, bản thân tôi cũng đã gặp chuyện rất kinh khủng liên quan đến quấy rối tình dục. Thực sự, khi là nạn nhân, mình mong muốn nhất là được vạch tên, chỉ mặt thủ phạm. Nhưng rồi nhiều năm sau, khi tôi gặp con gái của người đó, cô ấy nói về bố của mình với những lời vô cùng tốt đẹp. Đó là người mà cô ấy thần tượng. Và tôi nghĩ, tôi không bao giờ có đủ can đảm để nói thật về bố cô ấy với cô ấy. Có lẽ, đó cũng là lý do tôi không nói tên những người đó, vì sẽ rất đau khổ cho vợ con họ.
Nhưng ngược lại, khi những người đàn ông coment vào các bài viết chia sẻ về lạm dụng tình dục rằng, “có thế nào thì người ta mới làm thế”, hay “phải có sự đồng thuận…” thì tôi nghĩ, những người nói như vậy họ có vợ con không? Họ có nghĩ là con gái họ sẽ có một ngày bị như vậy không?
Cho đến giờ phút này, tôi vẫn chưa biết mình phải làm gì. Tôi vẫn chưa có đủ can đảm nói tên những người đó ra. Hơn nữa, tôi cũng không có bằng chứng và nó sẽ gây nên rất nhiều thị phi. Tôi cũng không có đủ can đảm nhìn vào mắt vợ, con họ. Nhưng nếu tôi không nói, sẽ có bao nhiêu người nữa phải chịu cảnh này. Đó là vấn đề không có lời giải đối với tôi.
Vậy cần làm gì để chống nạn quấy rối tình dục nơi công sở?
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Theo quan điểm của tôi, muốn chống được nạn quấy rối tình dục nơi công sở thì cần có bộ quy tắc ứng xử rõ ràng. Trong kinh nghiệm của tôi, hầu hết nam giới, ít hay nhiều đều có mắc quấy rối tình dục, và mọi người mắc một cách hết sức vô tư. Họ tưởng rằng họ đang đùa vui hoặc đang thể hiện sự tử tế với phụ nữ.
Tôi từng được nhận các câu khen kiểu như “em ơi vòng một của em không thua gì…nhỉ”. Người ta không có ý định gì với tôi, họ cũng có gia đình riêng rồi, họ tưởng rằng câu đó sẽ làm tôi vui nhưng thực chất tôi rất khó chịu. Tôi không thể phản ứng gì vì mọi người đều cho rằng đó là một câu đùa đơn thuần. Một ví dụ khác thường gặp là khi nam giới dính chút hơi men thì ra khoác vai, cầm tay và nói “hôm nay trông em xinh quá nhỉ”. Trong trường hợp đó họ không nghĩ là mình khó chịu, và nếu mình nói “anh có bỏ ngay cái tay ra không” thì mình sẽ bị mang tiếng là người phụ nữ dở hơi, khó khăn.
Ở Việt Nam khẩu dâm là điều kinh khủng nhất. Vì thế cần có một bộ quy tắc ứng xử trong công sở, chẳng hạn như không được động chạm cơ thể khi người kia không đồng ý, không được kể những câu chuyện mang ngụ ý trong môi trường công sở, không lợi dụng công việc để mời người kia vào những cuộc vui mà họ không cảm thấy thoải mái. Nam giới cần hiểu hành vi nào là quấy rối, hành vi nào là chấp nhận được. Có rất nhiều đàn ông làm điều này một cách vô tư, thậm chí là thiện ý.
Sau khi ban hành bộ quy tắc thì phải có biện pháp xử lý, cảnh cáo với các hành vi quấy rối tình dục. Trước hết cần phải nhắc nhở nếu có những lời phàn nàn ở mức nhẹ, lời nhắc nhở này phải đến từ người lãnh đạo. Nếu tần suất bàn tán, phàn nàn tăng cao, thì nên cảnh cáo. Nếu người ta làm việc nhỏ mà không bị ngăn chặn thì dần dần sẽ dẫn tới những tình huống nghiêm trọng hơn. Nếu không ngăn chặn sẽ làm cho môi trường giáo dục đáng lẽ là một môi trường trong sạch, lại trở thành một “động yêu râu xanh”, giống như vụ việc thầy giáo lạm dụng các em học sinh gần đây.
#Metoo là phong trào mọi người chia sẻ các câu chuyện liên quan đến quấy rối tình dục để tiến tới chấm dứt quấy rối tình dục, đặc biệt là ở công sở. Đây là chiến dịch của những nạn nhân bị xâm hại tình dục dám đứng lên để tố cáo những hành vi phi đạo đức này. #Metoo được khởi xướng bởi nữ diễn viên Hollywood Alyssa Milano. Nữ diễn viên đã đăng một dòng trạng thái trên mạng xã hội với nội dung rằng cô đã bị quấy rối tình dục và kêu gọi những người khác hãy để hashtag #Metoo nếu đang gặp vấn đề nghiêm trọng giống như mình. Ngay sau đó #Metoo thực sự trở thành một cơn sốt dư luận trên toàn thế giới. |
Lâm Lâm (ghi)
XEM THÊM
Chiến dịch #MeToo ảnh hưởng thế nào tới lớp trẻ vị thành niên
Khi phong trào #MeToo bùng nổ trên các phương tiện truyền thông đại chúng vào tháng 10 năm ngoái, phản ứng chung của những người ... |
#Metoo: Khi nạn nhân bị quấy rối tình dục phá vỡ sự im lặng
Chiến dịch "#Metoo" kêu gọi nạn nhân của quấy rối tình dục lên tiếng, phanh phui hàng loạt yêu râu xanh tại trường học, công ... |
#Metoo Hàn Quốc: Ngọn lửa đang lụi tắt hay cơn sóng to chưa ập đến?
Gần hai tháng sau khi #metoo gây sóng gió tại Hollywood và nền công nghiệp giải trí tại nhiều nước khác trên thế giới, Hàn ... |
Bão '#MeToo' tàn phá làng giải trí Hàn Quốc
Việc phó giáo sư kiêm nam diễn viên gạo cội Hàn Quốc Jo Min Ki qua đời ngày 9/3 với nghi vấn tự tử chứng ... |
Phụ nữ có phải trò đùa?
Bao giờ xã hội này hiểu phụ nữ là con người, không phải là công cụ tình dục hay sinh sản? |
Giải trí 05:34 | 15/08/2018
Giải trí 10:38 | 14/06/2018
Lối sống 01:08 | 26/05/2018
Lối sống 03:18 | 18/05/2018
Giải trí 07:30 | 11/05/2018
Giải trí 00:00 | 08/05/2018
Giải trí 09:50 | 07/05/2018
Lối sống 13:30 | 04/05/2018