Nhiều bà mẹ cảm thấy rất khó xử khi lâm vào tình huống con khóc vì con có một mong muốn khác với mong muốn của người lớn. Một số người sau một hồi có xu hướng nhân nhượng con để rồi thấy đứa trẻ ngày càng biết dùng tiếng khóc để đòi được thứ nó muốn. Ở cực còn lại, một số chọn phạt con hoặc phớt lờ hoàn toàn tiếng khóc của con để rồi cũng dẫn tới hậu quả là đứa trẻ có thể khóc suốt cả tiếng đồng hồ. Hai tiếng khóc đó có khác nhau không, và cha mẹ cần làm gì để tìm được điểm cân bằng?
Phân biệt nhu cầu và yêu cầu ở con. (Ảnh: Sonialimphotography) |
Nhu cầu là những điều bắt buộc cha mẹ phải đáp ứng cho trẻ để giúp đứa trẻ phát triển tốt. Đó thực sự là những điều đứa trẻ cần. Yêu cầu có thể không phải là nhu cầu, và trong trường hợp không lành mạnh, ví dụ như đòi hỏi để được chơi tiếp vào giờ đi ngủ, đòi được xem iPad dù giờ đã hết, đòi ăn bánh kẹo quá mức quy định, việc đáp ứng sẽ dẫn đến kết quả là đứa trẻ trở nên đòi hỏi quá đáng và dùng tiếng khóc để chi phối người lớn.
- Thể chất: vận động, ăn uống, vệ sinh, ngủ và nghỉ ngơi. Trẻ cần được vận động thoải mái đúng nhu cầu mà trẻ thể hiện, người lớn không nên ngăn cấm hay cản trở trừ khi mất an toàn. Trẻ cần được ăn lành mạnh và đúng nhu cầu; người lớn không được ép ăn hay gây căng thẳng, nhiệm vụ chính là bảo đảm an toàn và cung cấp thức ăn lành mạnh. Trẻ cần được ngủ đủ, càng bé ngủ càng nhiều. Trong độ tuổi 3-5, trẻ cần trung bình 11-12 tiếng.
Thông thường, với trẻ không có bệnh tật, trẻ sẽ tự thể hiện đúng các nhu cầu và tự đáp ứng nhu cầu của chúng nếu người lớn không can thiệp. Ví dụ: nếu được cung cấp thức ăn và để cho tự bốc ăn từ 6 tháng, trẻ sẽ tự bốc ăn và phát triển dần khả năng tự ăn nếu cha mẹ kiên trì hỗ trợ. Những thất bại thường là do người lớn không hiểu, không áp dụng nhất quán, can thiệp và kiểm soát thô bạo.
Trẻ cần được vận động thoải mái đúng nhu cầu mà trẻ thể hiện. (Ảnh: Annie Tao) |
- Cảm giác an toàn, thoải mái: trẻ luôn luôn phải có cảm giác an toàn. Môi trường khiến trẻ có cảm giác mất an toàn là môi trường không thích hợp. Người lớn hay doạ dẫm, lạm dụng quyền lực, trừng phạt trẻ là những người không thích hợp để trông trẻ. Nếu là cha mẹ, cha mẹ phải tự thay đổi để giúp con cái. Căng thẳng và sợ hãi ảnh hưởng cực kỳ lớn đến quá trình phát triển của trẻ. Bạo lực thể chất, ngôn từ và tâm lý phải bị loại bỏ. Cần lưu ý rằng cha mẹ thường xuyên cãi cọ, căng thẳng với nhau cũng là yếu tố lớn ảnh hưởng tới phát triển của trẻ.
Để đảm bảo cảm giác an toàn, môi trường hàng ngày cần phải là môi trường quen thuộc, tránh thay đổi nhiều, và các thói quen, nguyên tắc cần được thiết lập và duy trì theo cách nhất quán và đều đặn.
- Cảm xúc: người lớn có trách nhiệm hỗ trợ trẻ để giúp trẻ được thể hiện cảm xúc theo cách an toàn. Mắng mỏ trẻ, ngăn cản trẻ thể hiện cảm xúc tiêu cực (ví dụ: nín ngay, không khóc!), không cho phép trẻ khóc hay thể hiện cảm xúc sẽ khiến trẻ bức bối, thậm chí trở nên kém hợp tác và chống đối người lớn. Mọi cảm xúc đều bình thường, không nên phân biệt cảm xúc tốt hay xấu. Người lớn cần học cách chấp nhận cảm xúc và giúp trẻ xử lý cảm xúc đúng cách.
- Chơi tự do: Chơi tự do đã được nghiên cứu phương Tây khẳng định là yếu tố cực kỳ thiết yếu. Qua chơi tự do, trẻ nhỏ phát triển hầu hết mọi thứ mà chúng cần: kỹ năng ngôn ngữ, tương tác xã hội (khi chơi với người khác), sự sáng tạo, khám phá thế giới, kỹ năng giải quyết vấn đề, vận động, phát triển nhận thức và cảm xúc,…
Người lớn không nên can thiệp trừ khi trẻ đang chơi theo cách gây mất an toàn hoặc đang có mâu thuẫn không tự giải quyết được với trẻ khác. Sự kiểm soát thái quá ở người lớn và thời gian chơi tự do giảm đều ảnh hưởng tới các kỹ năng, trí thông minh, và phát triển của não ở trẻ, và đã có chứng cứ cho thấy ảnh hưởng lâu dài có thể bao gồm cả các bệnh tâm lý ở giai đoạn vị thành niên. Người lớn nên chơi cùng, không chơi để chỉ huy.
Qua chơi tự do, trẻ nhỏ phát triển hầu hết mọi thứ mà chúng cần. (Ảnh: Annie Tao) |
- Tương tác xã hội: Trẻ có nhu cầu tương tác với những người khác. Điều này không có nghĩa là trẻ phải gặp càng nhiều càng tốt. Chất lượng luôn đánh bại số lượng. Một nguyên tắc đơn giản để theo là trẻ nhỏ không cần nhiều bạn để chơi, và số trẻ có mặt bên cạnh trẻ để chơi cùng nên bằng hoặc ít hơn số tuổi của trẻ để bảo đảm tương tác ở mức có lợi nhất cho trẻ: trẻ 1 tuổi chỉ cần 1 trẻ khác chơi bên cạnh, trẻ 2 tuổi cần nhiều nhất 2, trẻ 3 tuổi chỉ cần nhiều nhất là 3, v.v…
Bạn sẽ thấy các nhà trẻ/mẫu giáo thường phải nhận số lượng trẻ lớn, trẻ không thể chơi với tất cả và sẽ chỉ chơi với một số trẻ nhất định. Trẻ trên 3 tuổi mới biết chơi với nhau; trẻ nhỏ hơn chỉ chơi bên cạnh nhau – đây là phát triển hoàn toàn bình thường. Vì vậy, hãy tránh các bữa tiệc sinh nhật quá ầm ĩ và đông đúc – bạn thích điều đó, nhưng bé thì không cần và nó thường làm loãng không khí của tương tác.
Ngoài ra, đừng quên rằng trẻ cần có cả những lúc chơi một mình. Trẻ bé ít có khả năng chơi một mình; lớn dần thời gian này sẽ dài ra. Nhu cầu chơi với người khác và chơi một mình ở từng trẻ khác nhau. Phải nhìn vào biểu hiện ở trẻ mới biết được thế nào là đủ, không có công thức nào cả.
Người lớn hãy chơi cùng trẻ: học chơi cùng, lắng nghe, chơi theo con chứ không bắt con chơi theo mình. Tương tác quan trọng nhất bắt đầu với gia đình, chứ không xảy ra với trẻ khác hay người ngoài gia đình.
Trẻ có nhu cầu tương tác với những người khác. (Ảnh: Annie Tao) |
- Yêu thương kết nối: Không khí yêu thương cực kỳ quan trọng với sự phát triển của trẻ. Trẻ cần phát triển mối quan hệ thân thiết với ít nhất một người lớn (thường là mẹ, nhưng nếu không là mẹ thì có thể là bất cứ ai); mối quan hệ này có nền tảng là thời gian ở bên nhau, sự thấu hiểu, tôn trọng, chấp nhận, lắng nghe, hỗ trợ. Càng có nhiều mối quan hệ với người lớn như thế thì trẻ càng phát triển tốt. Mối quan hệ này là cực kỳ thiết yếu. Có một người như vậy, trẻ phát triển cảm nhận của trẻ về bản thân (mình được yêu và luôn được yêu) và về thế giới (thế giới là một nơi an toàn), cảm thấy tự tin và biết mình luôn có thể có một chỗ an toàn để quay về.
Tất cả những nhu cầu trên đều quan trọng. Nếu đáp ứng thiếu ở mức đủ nghiêm trọng, sẽ có một mặt phát triển tương ứng của trẻ bị ảnh hưởng và thậm chí có thể ảnh hưởng tới các mặt phát triển khác. Căng thẳng nhất thời có thể khó tránh được và là bình thường, nhưng các yếu tố gây căng thẳng thường xuyên và lâu dài cần phải bị loại bỏ.
Người lớn gần gũi nhất với trẻ và có vai trò chăm sóc chính cần phải chú ý tới tất cả. Thường thì không quá phức tạp: bạn cần phải học cách tôn trọng trẻ và hiểu trẻ qua dành thời gian chăm sóc, chơi cùng, và hỗ trợ trẻ. Khi hiểu, bạn sẽ khắc hỗ trợ được. Mỗi trẻ có thể thể hiện nhu cầu theo những cách khác nhau, mức độ có thể khác nhau và dao động tuỳ vào thay đổi trong môi trường (tới môi trường lạ, nhu cầu sẽ thay đổi, ví dụ như trẻ sẽ cần người lớn hỗ trợ về cảm xúc nhiều hơn và cho trẻ nhiều thời gian để làm quen để cảm thấy an toàn), vào cảm xúc, tình trạng sức khoẻ, sự kiện đang diễn ra, tác động từ người lớn, sự ra đời của em nhỏ, thay đổi trường lớp,...
Quá trình hiểu trẻ để hỗ trợ trẻ với các nhu cầu của trẻ là quá trình học hỏi và điều chỉnh liên tục của cha mẹ. Khi biết hỗ trợ con đúng, bạn sẽ thấy biểu hiện chính ở con là vui vẻ, hoạt bát, và biết hợp tác với bạn; còn bạn cũng sẽ thấy hiểu con và vui vẻ với con. Trẻ liên tục chống đối cha mẹ và mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên là dấu hiệu cho thấy người lớn chưa hiểu và chưa biết hỗ trợ.
Quá trình hiểu trẻ để hỗ trợ trẻ với các nhu cầu của trẻ là quá trình học hỏi và điều chỉnh liên tục của cha mẹ. (Ảnh: Annie Tao) |
Đơn giản thôi. Hãy nói “không”, giải thích ngắn gọn lý do tuỳ độ tuổi của trẻ, kiệm lời và đừng nói nhiều. Quan trọng nhất:
- Hãy để cho trẻ thể hiện cảm xúc. Chỉ ngăn cản hành vi không an toàn, ví dụ như trẻ vừa khóc lại vừa đánh ai.
- Chấp nhận cảm xúc và đồng cảm với trẻ. Mô tả lại cho trẻ cảm xúc của trẻ bằng lời. Cho trẻ thấy bạn hiểu: “À con buồn và giận vì con muốn (cái gì đó) mà không được nhỉ.”
- Sau khi để trẻ khóc mà trẻ không có khả năng tự nín, hãy vỗ về, ôm trẻ hoặc đơn giản là ngồi cạnh và nói “Mẹ ngồi đây cùng con tới khi con bình tĩnh nhé.”
Nếu bạn làm đúng, con sẽ hết khóc rất nhanh – vì con thấy bạn hiểu được con. Một số gia đình bảo rằng họ đã thử hết cách mà con vẫn khóc. Điều quan trọng cần nhớ: Chỉ có thể có kết quả khi áp dụng đều đặn, và phải xuất phát từ sự đồng cảm. Nếu bạn không thực sự chấp nhận tiếng khóc, mà chỉ cố gắng thực hiện các kỹ thuật, thì bạn sẽ thất bại. Trẻ con rất tinh.
Khi trẻ đòi hỏi, đòi hỏi đó vô lý, không được đáp ứng, nhưng cảm xúc luôn là nhu cầu cần phải được đáp ứng.
Và nếu bạn giận trẻ vì trẻ đang khóc, thì đừng cố giúp con khi bản thân bạn còn chưa tự giúp được mình. Hãy nhớ những điều sau:
- Không làm gì khi đang giận.
- Không nói gì khi giận. Chỉ nên giới hạn ở câu ngắn gọn, không gây tổn thương: “Mẹ đang giận.” Hãy mô tả hành vi của trẻ, chứ không quy kết trẻ hư hay xúc phạm trẻ: “Mẹ bực vì con (có hành vi gì)”, không nói: “Con hư, lúc nào cũng để mẹ cáu, đồ hay ăn vạ, mè nheo, xấu tính, ích kỷ, không bằng được bạn kia,…”
- Chấp nhận cảm xúc của bản thân, đừng phán xét bản thân hay chống đối cảm xúc.
- Thở sâu và đều. Chỉ sau 2-3 phút, bạn sẽ thấy cơn giận đi, và lúc đó bạn sẽ tỉnh táo hơn để giải quyết vấn đề. Và rất có thể bạn sẽ thấy chẳng có vấn đề gì phải quyết sau đó.
Khi bạn tập được, bạn cũng đang cho con thấy cách thức để tự vượt qua cảm xúc mà không gây tổn thương cho người khác. Và nếu trót mắng con quá lời, hãy làm lành với con sau đó, xin lỗi con và tập lại vào lần sau.