Tham gia Hoa hậu đại sứ du lịch thế giới 2018 là 1 "cơ duyên"
- Vì sao Phan Thị Mơ lại quyết định đi thi nhan sắc lần nữa khi sắp bước qua độ tuổi 28?
Việc tôi tham gia cuộc thi World Miss Tourism Ambassador - Hoa hậu đại sứ du lịch thế giới 2018 liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó thì "cơ duyên" có lẽ là yếu tố quan trọng hơn cả.
Những năm trước đó, tôi không tham gia các cuộc thi nhan sắc vì cơ duyên chưa đến. Và ở thời điểm hiện tại, cơ duyện bất ngờ đến với mình. Trước tôi cũng có rất nhiều người đẹp đi thi nhan sắc ở độ tuổi khá lớn. Vậy tại sao tôi lại không cho bản thân mình một cơ hội để thử sức lần nữa?
Đồng thời, tôi cũng muốn xem rằng Phan Thị Mơ ở thời điểm hiện tại nếu đi thi nhan sắc sẽ đi được tới đâu, và hào quang đó lấp lánh như thế nào.
- Tham gia cuộc thi này, Phan Thị Mơ đặt ra cho mình mục tiêu gì?
Ai đi thi một cuộc thi nào đó đều muốn đạt được thành tích cao nhất, bản thân tôi cũng vậy. Nhận thấy cuộc thi này có chủ đều rất hay về văn hóa - du lịch phù hợp với bản thân mình, tôi cảm thấy rất gần gũi và mong muốn được tham gia.
Tham gia một cuộc thi là một bước đệm, một cánh cửa để bản thân mình phát triển được nhiều dự án.
- Nhiều năm hoạt động showbiz, chị nhận thấy bản thân mình có những lợi thế gì?
Tôi có cơ hội tham gia nhiều công việc như người mẫu trình diễn thời trang, tham gia các dự án phim ảnh. Ở lĩnh vực diễn xuất, tôi cũng đã giành được giải thưởng và cảm thấy rất tự hào về điều này.
Nhiều năm trong showbiz, tôi biết được bản thân mình sẽ làm được gì và sẽ làm điều gì tốt, hoàn toàn không phải ai mời gì cũng làm như những ngày đầu bước chân vào showbiz.
Tôi cảm thấy rất yêu thích công việc đóng phim vì sau đó, mình sẽ để lại được những tác phẩm hay, ghi dấu ấn trong lòng công chúng.
"Việc sử dụng ngoại ngữ khá đơn giản với tôi"
- Nói về trình độ sử dụng ngoại ngữ, chị đánh giá khả năng mình như thế nào khi sắp tới sẽ tham gia vào 1 cuộc thi quốc tế?
Tôi có cơ hội làm việc và đi nước ngoài khá nhiều. Điều này giúp tôi tự tin hơn trong việc giao tiếp bằng ngoại ngữ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng khi tham gia cuộc thi quốc tế, việc sử dụng ngoại ngữ khá đơn giản với tôi.
- Tham gia rất nhiều cuộc thi nhan sắc bắt đầu từ năm 2010, nhưng Phan Thị Mơ vẫn chưa có được danh hiệu nào đó đáng kể. Đây phải chăng là lí do chị tìm đến sân chơi này?
Đó là câu chuyện mà tôi đã trải qua. Bởi thân tôi tham gia nhiều cuộc thi nhan sắc lớn như Hoa hậu thế giới người Việt, Hoa hậu Việt Nam nhưng tất cả đều dừng lại ở vị trí top 5. Cuộc thi mà tôi giành được giải thưởng cao nhất là một sân chơi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là danh hiệu mà tôi đủ điều kiện để được cấp phép tham gia các cuộc thi quốc tế sau đó.
Việc tôi trở lại đấu trường nhan sắc trong giai đoạn này tạm gọi là "tìm kiếm danh hiệu", tôi không phủ nhận.
- Nhưng với tình hình hiện tại, có rất nhiều cuộc thi nhan sắc ra đời. Điều này làm cho các danh hiệu dễ bị lãng quên, thậm chí là ít được quan tâm hơn cả thành tích top 5 của chị đạt được ở các cuộc thi danh tiếng thời điểm trước?
Tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này và từng nghĩ rằng ban tổ chức cần phải làm gì để cho thí sinh tỏa sáng sau cuộc thi.
Theo thời gian, tôi chiêm nghiệm ra rằng việc nổi bật hay không là do chính bản thân mình. Danh hiệu thực chất là 1 bước đệm, bản thân mình muốn người khác nhớ đến và công nhận cần phải nỗ lực hết mình và có những hoạt động, kế hoạch cụ thể để thu hút mọi người.
Thí sinh Việt Nam luôn "dạ, vâng, thưa" khi đi thi quốc tế
- Từng tham gia các cuộc thi quốc tế, chị nhận thấy rằng thí sinh Việt Nam thua kém các đại diện nước bạn ở điều gì?
Đó là rào cản ngôn ngữ. Điều này khiến cho bản thân mình bị thấp hơn họ một bật. Khi không hiểu được vấn đề gì đó, mình dễ bị ảnh hưởng tinh thần, sau đó là lo lắng và mất đi sự tự tin ở bản thân. Và khi không có sự tự tin thì khó lòng mà thể hiện tốt.
Thí sinh nước ngoài rất tự tin và dám nói lên những suy nghĩ của mình mà không sợ mất lòng ai cả. Khi gặp một vấn đề nào đó, họ sẵn sàng bày tỏ suy nghĩ và thắc mắc của mình với ban tổ chức và đòi quyền lợi cho bản thân. Trong khi đó, thí sinh Việt Nam mình luôn "dạ, vâng, thưa" và tỏ ra rụt rè hơn các đại diện khác.
Tôi không lên án hay chỉ trích gì ở đây cả. Điều tôi muốn nói là khi đi thi, bản thân mình cần phải mạnh mẽ và quyết liệt hơn, tự tin hơn.
Ngoài ra, thí sinh nước ngoài còn cho thấy được khả năng tự lập rất cao của họ. Không cần phải có sự trợ giúp của chuyên gia trang điểm, stylist, bản thân họ vẫn có thể tự xử lí tình huống, khiến bản thân trở nên nổi bật và khiến người khác phải trầm trồ mỗi khi họ xuất hiện.
- Phan Thị Mơ hiện tại có tự tin về khả năng tự làm đẹp cho mình hay không?
Tham gia showbiz khá lâu, tôi bây giờ hoàn toàn có thể tự làm đẹp cho mình mà không cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của ekip.
- Nói 1 chút về cuộc thi lần này, phải chăng việc cuộc thi được tổ chức ở cả 2 nước Thái Lan và Việt Nam nên chị quyết định tham gia vì sẽ được ưu ái?
Tôi không nghĩ như vậy. Như tôi đã chia sẻ, tôi quyết định tham gia cuộc thi này là do thời điểm. Hiện tại, tôi đang sẵn sàng và cảm thấy bản thân muốn được thi đấu quốc tế, nên nếu có 1 cuộc thi nào đó vào thời điểm này, tôi cũng sẽ tham gia.
Tham gia một cuộc thi, chấp nhận kết quả thể hiện sự văn minh
- Đại diện Việt Nam năm trước là Liên Phương đã đạt được thành tích Á hậu 1. Chị có nghĩ đến trường hợp mình sẽ đạt được thành tích thấp hơn và bị nhận xét là thua kém đàn em?
Điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra. Tôi rất ngưỡng mộ Liên Phương vì đã đạt được thành tích cao ở một cuộc thi quốc tế. Vì vậy, tôi cũng sẽ liên lạc và học hỏi ở Liên Phương về những kinh nghiệm, tiêu chí,... khi tham gia vào cuộc thi này.
Còn việc có sợ bị so sánh hay không, tôi nghĩ mỗi người đều có thế mạnh và khả năng riêng. Nếu mình cố gắng hết khả năng của mình và không bỏ quả bất cứ sơ suất gì nhưng kết quả nhận được không như ý muốn là một điều đáng tiếc. Song, khi tham gia vào một cuộc thi, việc tôn trọng và chấp nhận kết quả là điều cần thiết. Nó thể hiện sự văn minh của mình.
Nhưng tôi tin rằng, thành công sẽ đến với những người luôn nỗ lực và cố gắng thể hiện hết sức mình.
- Khi tham gia 1 cuộc thi và có quan hệ tốt với ban tổ chức, việc đạt được thứ hạng cao làm nhiều người bị dính vào nghi án mua giải. Chị nghĩ sao về trường hợp này sẽ đến với mình?
Tôi nghĩ rằng không riêng gì cuộc thi này mà tất cả các cuộc thi trên thế giới nếu có trường hợp này đều cũng sẽ bị nghĩ như vậy. Đây là câu chuyện muôn thuở.
Truyền thông và khán giả rất thông minh. Họ hoàn toàn có thể nhìn ra được những điều này. Nếu bản thân mình có đầy đủ tố chất, phong độ thể hiện tốt thì tôi tin rằng, việc giành được kết quả cao là điều sẽ xảy ra.
Từng nghĩ đấu trường nhan sắc không dành cho những cô gái quá 22 tuổi
- Từ năm 2010, chị đã tham gia nhiều cuộc thi nhan sắc. Thế nhưng từ năm 2012, chị đã không mặn mà với điều này nhưng đã bất ngờ trở lại trong năm nay. Chị có thể lí giải?
Sau khi tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012, không biết từ đâu tôi đã bị tiêm vào đầu tư tưởng rằng muốn giành được thành tích cao ở các cuộc thi trong nước, đó phải là 1 cô gái tươi mới đang ở độ tuổi từ 18 đến 20, 21. Tôi nghĩ rằng khó có cơ hội cho các cô gái từ 22 tuổi trở lên. Cho dù họ cố gắng đến đâu thì kết quả cũng chỉ dừng lại ở việc lọt top 10, top 15. Và chính điều này khiến tôi nghĩ rằng cơ hội đã không còn với mình nữa.
Nhưng những năm sau đó, tôi nhận thấy rằng có rất nhiều cô gái vẫn đạt được thành tích tốt ở độ tuổi khá lớn. Từ đó tôi dần thay đổi quan điểm này và bây giờ, tôi quyết định trở lại các cuộc thi nhan sắc khi cơ duyên đến.
- Nhắc đến những cô gái đăng quang ở độ tuổi khá lớn không thể không kể đến Phạm Hương. Cô đăng quang Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2015 khi tròn 24 tuổi. Sau đó, Phạm Hương đã tạo nên "cơn sốt" khi tham gia Miss Universe 2015. Cũng từ đây, "phong trào" thi nhan sắc bắt đầu rộ lên. Chị có nghĩ rằng mình nằm trong số đó và bị ảnh hưởng bởi Phạm Hương?
Tôi có theo dõi Phạm Hương trong suốt hành trình cô ấy tham gia Miss Universe 2015. Quả thực thời điểm đó, Phạm Hương đã tạo nên 1 hiệu ứng rất tốt. Song, ngoài Phạm Hương, cũng có nhiều người đẹp ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế ở độ tuổi khá lớn.
Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng hơn hết là khi về nước, họ đã làm được những gì để tạo được ấn tượng và dấu ấn trong lòng công chúng.
Tôi không muốn việc mình xuất hiện ở các sự kiện, tên của mình chỉ được đọc lên gắn liền với danh hiệu gì đó rồi không để lại được chút ấn tượng nào. Điều đó không tích cực. Tôi cũng không định hướng mình theo hình thức này.
Điều tôi hướng đến là những giá trị mình sẽ đạt được sau cuộc thi, danh hiệu ở một cuộc thi tạo tiền để và giúp mình dễ dàng thực hiện được điều đó.
- Cảm ơn những chia sẻ của chị!
XEM THÊM
Phan Thị Mơ đại diện Việt Nam thi nhan sắc quốc tế lần 3
Phan Thị Mơ là đại diện Việt Nam tham gia World Miss Tourism Ambassador - Hoa hậu đại sứ du lịch thế giới 2018. |
Hoa hậu đại sứ du lịch Thế giới 2017 đẹp mê mẩn khi xuất hiện tại Việt Nam
Aibedullina Talliya - Hoa hậu đại sứ du lịch thế giới 2017 đã có mặt tại Việt Nam để tham dự vòng chung kết cuộc ... |
Á hậu Liên Phương: 'Sao gọi là chân dài - đại gia mà không phải trai tài - gái sắc?'
Á hậu Liên Phương chia sẻ: " Có người cho rằng mối quan hệ ấy là "chân dài - đại gia" nhưng cũng sẽ có ... |