Loài hải quỳ Heteractis magnifica - Ảnh: Getty Images |
Theo thông cáo báo chí của Đại học liên bang Viễn Đông Nga, các nhà khoa học của trường và Viện hóa hữu cơ Thái Bình Dương đã phát hiện loài hải quỳ Heteractis magnifica có thể giúp chống lại bệnh Alzheimer.
Loài sinh vật biển này chứa các chất bảo vệ thần kinh - các peptide làm chậm quá trình viêm và ngăn chặn tổn thương các tế bào thần kinh.
Được biết, hải quỳ là sinh vật đáy biển thuộc lớp san hô. Trong công trình nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã thu thập loài hải quỳ ở các đảo Seychelles trong một chuyến thám hiểm trên tàu nghiên cứu mang tên viện sĩ Oparin.
Trong quá trình nghiên cứu loài hải quỳ, một nhóm peptit mới được phát hiện trong cơ thể chúng. Sử dụng cấu trúc của một gien mã hóa trong những hợp chất này, các nhà khoa học đã tổng hợp một loại peptit Kunitz HMIQ3c1 - chất tương tự như chất tự nhiên có trong loài hải quỳ nhiệt đới Heteractis magnifica.
Loại peptide tổng hợp này có tính chất bảo vệ thần kinh, nghĩa là có tác dụng ngăn ngừa cái chết của tế bào thần kinh và chống viêm, bao gồm cả bệnh Alzheimer. Bệnh nhân mắc dạng bệnh này dễ bị các rối loạn thần kinh khác nhau, bao gồm mất phương hướng không gian và mất trí nhớ.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về peptide trên tế bào thần kinh chuột bị ung thư. Kết quả, peptide làm giảm mức độ hủy hoại các tế bào thần kinh. Theo các nhà khoa học, cơ chế tương tự cũng có liên quan đến tế bào thần kinh của người.
Từ trước đến nay, tìm kiếm các hợp chất có khả năng ngăn chặn cái chết của tế bào thần kinh là một nhiệm vụ quan trọng của khoa học và y học.
Trong cơ thể nhiều loài động vật không xương sống và động vật có vú sống ở biển, các nhà khoa học đã tìm thấy các chất ức chế có khả năng phong tỏa protease.
Các chất ức chế loại Kunitz được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Chúng không chỉ có thể chặn các enzym phá hoại mà còn có thể tương tác với các thụ thể khác nhau và các kênh ion. Do đó, các chất ức chế loại này tác động đến một số mục tiêu điều trị cùng một lúc và có thể giải quyết đồng thời một số vấn đề.
Trước đó, các nhà khoa học Nga cũng phát hiện loài hải quỳ Heteractis crispa là nguồn giàu chất ức chế nhất có tiềm năng dược lý đáng kể. Theo nhà nghiên cứu Elena Leichenko, các chất sinh học trong hải quỳ không chỉ có thuộc tính bảo vệ thần kinh, mà còn chống ung thư, nhưng đặc tính bảo vệ của những chất này khi kết hợp với nhau cần được nghiên cứu bổ sung để thu được hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.
Việc bào chế loại thuốc mới có thể được tiến hành sau 3-5 năm khi hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm, tiền lâm sàng và lâm sàng, đòi hỏi một nguồn vốn đáng kể.
XEM THÊM
Lời khuyên trong chế độ ăn uống dành cho người mắc chứng Alzheimer
Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh Alzheimer nhưng từ bỏ những thói quen có nguy cơ gây bệnh cao như uống ... |
Đáng sợ 9 căn bệnh gây chết người nhiều nhất thế giới
Không phải ung thư hay HIV/AIDS, căn bệnh tim mạch vành mới hay đột quỵ mới là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên ... |
Thừa chất sắt, coi chừng Alzheimer
Các nhà khoa học thuộc Đại học California Los Angeles (UCLA, Mỹ) cho biết hàm lượng cao chất sắt có liên quan tới bệnh Alzheimer ... |
Rượu, thể dục và giấc ngủ có thể đẩy lùi Hội chứng Alzheimer
Hội chứng Alzheimer là tình trạng phát triển nặng hơn của bệnh mất trí nhớ, gây nên các vấn đề nghiêm trọng về khả năng ... |
6 cách giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer hiệu quả
Alzheimer là chứng bệnh không thể chữa trị được, nghĩa là khi đã mắc bệnh thì bạn sẽ phải sống chung với bệnh suốt đời, ... |