Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: Chúng tôi sẽ xử lí mạnh tình trạng đẩy giá ảo bất động sản

Khi được hỏi về ảnh hưởng của đề xuất tạm dừng qui hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế, ông Mai Anh Nhịn cho hay: “Chúng tôi không quan tâm các nhà đầu tư lướt sóng bởi muốn phát triển bền vững thì cần các nhà đầu tư nghiêm túc, đầu tư bài bản”.

Liên quan đến thông tin Bộ Xây dựng vừa có văn bản thống nhất với ý kiến đề nghị tạm dừng qui hoạch "đặc khu" của UBND tỉnh Kiên Giang… cũng như trận lụt lịch sử ở Phú Quốc vừa xảy ra, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

mai-anh-nhin

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam).

"Phú Quốc hiện nay đã là một khu kinh tế"

PV: Kiên Giang đánh giá như thế nào trước việc Bộ Xây dựng có văn bản thống nhất với ý kiến đề nghị tạm dừng qui hoạch "đặc khu" của tỉnh, thưa ông?

Ông Mai Anh Nhịn: Tôi xin nhắc lại không phải là dừng mà là xin đề xuất tạm dừng do Luật Qui hoạch chưa được Quốc hội thông qua. Với tình hình hiện nay, Phú Quốc cần có qui hoạch. Các chỉ tiêu của qui hoạch trước đây đã tới nơi rồi. Để phát triển thì cần có qui hoạch mới. 

Trước đây Phú Quốc được phép qui hoạch theo hướng đặc khu hành chính – kinh tế. Nhưng bây giờ, sau khi Quốc hội chưa thông qua Dự thảo Luật Đặc khu thì mình cũng không biết chừng tiếp tục. Nếu để tên là qui hoạch đặc khu thì không có căn cứ pháp lí nên Kiên Giang xin thay tên.

Phú Quốc hiện nay đã là một khu kinh tế rồi.

photo-1

Đặc khu kinh tế Phú Quốc trong tương lai. (Ảnh minh họa: PLO).

PV: Với lý do như ông nói, khi đề xuất tạm dừng qui hoạch Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế, cá nhân ông cũng như lãnh đạo tỉnh Kiên Giang có lo lắng đề xuất không nhận được sự đồng tình không?

Ông Mai Anh Nhịn: Mình cũng không biết thế nào bởi hiện nay Chính phủ đang giao các bộ ngành và hôm qua thì báo giới có đưa thông tin về việc Bộ Xây dựng đồng ý với đề xuất của Kiên Giang.

PV: Sau khi Kiên Giang có đề xuất tạm dừng qui hoạch Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế, nhiều nhà phân tích tình hình BĐS cho rằng thị trường BĐS tại đây sẽ bị ảnh hưởng, những nhà đầu tư lướt sóng không còn khả năng đầu cơ nữa. Ông đánh giá ảnh hưởng bởi đề xuất của tỉnh tới thị trường BĐS Phú Quốc như thế nào?

Ông Mai Anh Nhịn: Chúng tôi không quan tâm các nhà đầu tư lướt sóng bởi muốn phát triển bền vững thì cần các nhà đầu tư nghiêm túc, đầu tư bài bản. Đầu tư theo kiểu lướt sóng sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường BĐS Phú Quốc. Việc này đã xảy ra rồi.

Tỉnh Kiên Giang rất ủng hộ những nhà đầu tư BĐS chính đáng, đầu tư đúng quy định pháp luật chứ không phải đầu tư lướt sóng để đẩy giá BĐS lên một mức giá ảo, ảnh hưởng xấu đến thị trường BĐS Phú Quốc nói riêng và thị trường BĐS Kiên Giang nói chung.

Hiện nay Luật Đặc khu mới chỉ ở mức dự thảo, tôi cũng chưa biết khi nào Quốc hội sẽ tiếp tục việc xem xét thông qua. Thực ra, với Phú Quốc, có trở thành đặc khu hay không thì chắc cũng không có gì thay đổi nhiều. Các chính sách ưu đãi trước đây là chính sách thí điểm nhưng muốn có Luật Đặc khu riêng để vận hành cho bài bản.

Để chấn chỉnh những hệ lụy do tình trạng đẩy giá ảo của BĐS tại Phú Quốc, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đúng theo Luật Đất đai, Kiên Giang sẽ quản lý chặt tình hình xây dựng, quản lý chặt việc tách thửa và đồng ý tách thửa, trên cơ sở theo qui hoạch mà tỉnh đã ban hành quy định về tách thửa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu có vi phạm thì sẽ tăng cường xử lý mạnh hơn để thị trường BĐS phát triển một cách ổn định, phát triển bền vững.

PV: Sau khi, tỉnh Kiên Giang có đề xuất lên Chính phủ như vậy, cá nhân ông đã nhận được sự chia sẻ nào thể hiện sự lo lắng từ các nhà đầu tư chưa?

Ông Mai Anh Nhịn: Chưa có nhà đầu tư lớn nào có ý kiến gì khác. Họ yên tâm hoàn toàn bởi đó đã là khu kinh tế rồi. Bây giờ mình qui hoạch nhưng vẫn giữ định hướng trước đây về qui hoạch xây dựng. Chỉ có điều, hiện nay một số chỉ tiêu đã đạt rồi nên cần phải có qui hoạch mới, có định hướng mới, các chỉ tiêu nâng cao hơn.

Hình ảnh người dân Phú Quốc đối phó với trận lũ lịch sử và hình ảnh các dự án BĐS tại gần bờ biển của Phú Quốc. (Ảnh: Zing).

Vì sao Phú Quốc bị ngập?

PV: Nhắc đến qui hoạch, liên quan đến việc Phú Quốc vừa trải qua một trận lụt lịch sử, có ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về mối liên quan giữa qui hoạch và việc ngập nước. Ông có cho rằng việc xây dựng dày đặc các công trình gần bờ biển là nguyên nhân khiến Phú Quốc bị ngập như thời gian vừa qua?

Ông Mai Anh Nhịn: Không phải. Qui hoạch của Phú Quốc là qui hoạch rất căn bản và rất tốt. Ngập là do chưa hoàn thiện hạ tầng. Thứ hai là trong quá trình thực hiện qui hoạch thì cũng chưa hoàn thiện. Ví dụ như chỗ này người ta đang thi công để hoàn thiện dự án nhưng chỗ khác thì chưa nên khi mưa xuống thì nước sẽ dồn lại những nơi trũng và gây tắc nên dẫn đến ngập lụt. Ngoài ra cũng phải kể đến hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện chứ không phải do qui hoạch hay do phát triển nóng. Nói do qui hoạch và phát triển nóng là không đúng.

Thêm nữa, lượng mưa trong 9 ngày (tính từ ngày 1/8 đến ngày 9/8) đã đạt gần 1.200 mm, trong khi lượng mưa trung bình hàng năm tại đảo là 2.800 – 3.000 mm, gần bằng 40% của cả năm. Do biến đổi khí hậu, đây là lượng mưa kỷ lục nhiều năm, diễn ra trong thời gian ngắn, đồng thời trùng lúc nước biển dâng cao do triều cường. Từ đó việc thoát nước từ sông, suối ra biển bị cản trở rất nhiều.

Tất cả những yếu tố trên dẫn đến tình trạng ngập úng.

PV: Sau sự việc vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang có biện pháp như thế nào để đề phòng những tình huống tương tự có thể xảy ra?

Ông Mai Anh Nhịn: Sau khi xảy ra trận lụt, UBND tỉnh Kiên Giang đã giao cho các sở, ban ngành liên quan ví dụ như Sở GTVT, UBND huyện Phú Quốc rà soát toàn bộ hệ thống thoát nước ở các tuyến đường, đồng thời cũng phải nạo vét, khơi thông các đoạn ngập úng. Ngoài lý do hạ tầng chưa hoàn thiện, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã giao Sở Xây dựng rà soát lại qui hoạch thoát nước (dù có thể đã qui hoạch tốt).

Xin cám ơn ông.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019, có đến hơn 50% tổng số vốn các dự án đầu tư vào Kiên Giang thuộc về Phú Quốc (khoảng 23,4 nghìn tỉ đồng). Nói về mức đầu tư này so với kỳ vọng của UBND tỉnh Kiên Giang, ông Mai Anh Nhịn nói: "Nói chung hội nghị xúc tiến đầu tư vào Kiên Giang vừa qua là một hội nghị thành công. Sắp tới tỉnh sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ các nhà đầu tư để thực hiện những cam kết, thực hiện những dự án có chủ trương đầu tư làm sao triển khai cho tốt hơn, đẩy nhanh tiến độ hơn".

Trả lời báo Pháp Luật TP HCM bằng văn bản vào ngày 13/8 về việc tỉnh Kiên Giang vừa đề nghị tạm dừng lập qui hoạch Phú Quốc theo hướng "đặc khu", Bộ Xây dựng cho hay đã có hai văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về nội dung này gồm: Văn bản số 1839/BXD-QHKT ngày 07/8/2019 về việc triển khai lập qui hoạch đảo Phú Quốc theo định hướng khu kinh tế và Văn bản số 1655/BXD-QHKT ngày 16/7/2019 về ý kiến đối với kiến nghị bổ sung của UBND tỉnh Kiên Giang

"Theo đó, Bộ Xây dựng đã nêu rõ việc tổ chức lập qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại thời điểm này là chưa đủ căn cứ và không phù hợp với qui định của pháp luật hiện hành về qui hoạch", Bộ Xây dựng thông tin.

Bộ này cũng cho hay đã thống nhất với kiến nghị của UBND tỉnh Kiên Giang về việc tạm dừng việc lập qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới qui hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo ý kiến đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 739/TTg-CN ngày 8/6/2018, qui hoạch đảo Phú Quốc, theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhằm định hướng phát triển không gian đảo Phú Quốc trong giai đoạn tới, tạo tiền đề cho Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với qui định của pháp luật hiện hành.

chọn
Dự án có hàng nghìn căn condotel tại Đà Nẵng từng được chuyển đổi thành chung cư giờ ra sao?
Năm 2019, Đà Nẵng đã cho phép chuyển đổi 1.570 căn condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng thành căn hộ chung cư. Đồng thời, chuyển đổi công trình căn hộ khách sạn cao tầng chưa xây dựng tại các cụm HH4, HH6, HH7 thành căn hộ chung cư, biệt thự và nhà liền kề. Dưới đây là hiện trạng những công trình được duyệt chuyển đổi nói trên.