Theo chiến lược phát triển của CTCP Cao su Phước Hòa giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong tổng số 15.000 ha đất cao su công ty đang quản lí, 6.000 ha đất dự kiến chuyển đổi sang lĩnh vực phát triển bất động sản khu công nghiệp.
Dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng do CTCP KCN Nam Tân Uyên quản lí đã được UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định thu hồi đất. Do đó, hai bên đang lên kế hoạch về tiến độ trả tiền đền bù và bàn giao đất.
Theo đó, với đơn giá 2,5 tỉ đồng/ha, công ty sẽ nhận số tiền đền bù 865 tỉ đồng và bàn giao toàn bộ 346 ha đất cho Nam Tân Uyên trong năm 2020. Được biết, Phước Hòa đang sở hữu 32,85% vốn điều lệ tại Nam Tân Uyên.
Thực tế, Phước Hòa đã nhận được 150 tỉ đồng tiền bù đất từ Nam Tân Uyên vào quí III/2019 nhưng chưa ghi nhận vào doanh thu và lợi nhuận của công ty năm 2019. Do những vướng mắc về mặt giấy tờ nên toàn bộ số tiền 865 tỉ sẽ được ghi nhận trong năm 2020.
Bên cạnh đó, tại dự án KCN VSIP III, Phước Hòa sẽ bàn giao 691 ha đất cho VSIP trong thời gian tới. Đây là dự án quản lí bởi Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore VSIP và Phước Hòa. Theo Chứng khoán Rồng Việt, công ty cũng có kế hoạch góp 20% vốn điều lệ của dự án này.
Tháng 12/2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ra Thông báo thu hồi đất của dự án, tiếp đó, công ty sẽ lên kế hoạch về tiến độ trả tiền đền bù và giao đất. Phước Hòa dự kiến hoàn tất các thủ tục trong năm 2020.
Giá đất đền bù tối thiểu tại dự án là 2,5 tỉ đồng/ha, trong đó 1,3 tỉ đồng/ha sẽ được giao trước trong khi phần còn lại sẽ phụ thuộc vào tiến độ cho thuê của KCN VSIP III. Với đơn giá trên, tiền đền bù đất Phước Hòa thu về từ dự án KCN VSIP III tối thiểu là 1.727 tỉ đồng.
Nhận định từ Chứng khoán Rồng Việt, với số tiền nhận được từ Nam Tân Uyên, Phước Hòa đã đủ khả năng đạt được kế hoạch lợi nhuận đề ra của năm 2020. Do đó, tiền đền bù đất từ VSIP III có thể sẽ được ghi nhận trong năm 2021.
Một trong các KCN phát triển từ quĩ đất chuyển đổi của Phước Hòa là KCN Tân Bình mở rộng. Dự án hiện hữu có tổng diện tích 352 ha với 244 ha đất thương phẩm. KCN Tân Bình do CTCP KCN Tân Bình, công ty con của Phước Hòa với tỉ lệ sở hữu 80% quản lí.
Do KCN Tân Bình hiện hữu gần được lấp đầy nên Phước Hòa lên kế hoạch cho khu mở rộng (giai đoạn 2 và 3) với tổng diện tích khoảng 1.500 ha, lớn gấp 4,3 lần khu đất hiện hữu. Dự án này sẽ được bổ sung vào Kế hoạch phát triển KCN của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 thay vì 2015 - 2020 như kì vọng ban đầu.
KCN Tân Lập có diện tích 400 ha đất sẽ được dùng để thu hút các doanh nghiệp gỗ về tỉnh Bình Dương. Theo kế hoạch, Phước Hòa sẽ nắm 59% vốn đầu tư vào dự án, 41% còn lại được chia cho các đối tác khác.
Trong đó có một đối tác chuyên làm về gỗ và nội thất là Kaiser Đài Loan. Hiện đối tác này đang hoạt động trong KCN Mỹ Phước 1, tỉnh Bình Dương. Cập nhật tiến trình dự án, hiện đã thành lập được pháp nhân để thực hiện dự án và việc góp vốn sẽ thực hiện bằng tiền.
Phước Hòa kì vọng sẽ đưa vào cho thuê 200 ha đầu tiên trong năm 2020. Về 200 ha còn lại sẽ xin phê duyệt vào Kế hoạch phát triển KCN của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, KCN Lai Hưng có qui mô 600 ha dự kiến cũng được phát triển từ quĩ đất của Phước Hòa.
Đầu năm 2020, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu ở mức 14.285 triệu tấn, tăng 3,8% so với năm trước. Trong khi, nhu cầu tiêu thụ cao su sẽ giao động quanh mức 14.071 triệu tấn, tăng 2,7%.
Tuy nhiên, nhu cầu từ Trung Quốc, nơi tiêu thụ cao su nhiều nhất thế giới, chiếm 40% tổng cầu nhiều khả năng sụt giảm mạnh trong năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Do đó, nhu cầu cao su thế giới giảm mạnh hơn so với mức dự báo trước đó và ảnh hưởng tiêu cực lên giá cao su thế giới. Phước Hòa ước tính giá bán sẽ giảm 3,2%, chỉ ở mức 32,34 triệu đồng/tấn.
Trong bối cảnh thị trường cao su ảm đạm, Phước Hòa dự kiến chuyển đổi 10.000 ha đất để phát triển sang các lĩnh vực khác như phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ (6.000 ha); đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao (2.500 ha); và khoảng 1.500 ha bàn giao địa phương sử dụng đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Trong năm 2020, công ty mẹ Cao su Phước Hòa đặt kế hoạch doanh thu 2.460 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.148 tỉ đồng.
Theo ban lãnh đạo công ty, doanh thu trong năm 2020 sẽ đến từ các nguồn như bán mủ cao su, tiền đền bù, hỗ trợ khi giao đất để thực hiện dự án KCN Nam Tân Uyên, cổ tức nhận từ các dự án và thanh lí cao su.