Quảng Bình: Xây dựng nhà ga T2 sân bay Đồng Hới trong năm 2022

Về khởi công dự án đầu tư, xây dựng nhà ga hành khách T2, sân bay Đồng Hới trong năm 2022, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACB có văn bản cam kết tiến độ, lộ trình cụ thể, vốn đầu tư thực hiện để báo cáo Thủ tướng.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.

Về công tác quy hoạch và một số vấn đề phát triển hạ tầng, Thủ tướng nhấn mạnh phải nhanh chóng hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với xây dựng các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn theo quy định của Luật Quy hoạch 2017 để xác định phương hướng phát triển, phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh và phân kỳ đầu tư theo khả năng nhưng việc lập quy hoạch phải tổng thể, bài bản, có tầm nhìn xa với tư duy đổi mới.

Quảng Bình: Xây dựng nhà ga T2 sân bay Đồng Hới trong năm 2022 - Ảnh 1.

Nhà ga sân bay Đồng Hới. (Ảnh: ACV).

Về khởi công dự án đầu tư, xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) có văn bản cam kết tiến độ, lộ trình cụ thể, vốn đầu tư thực hiện rự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong trường hợp ACV không có khả năng thực hiện khởi công dự án trong năm 2022, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với tỉnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Đồng Hới theo quy định.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động, báo cáo việc điều chỉnh quy hoạch sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế để phát huy tiềm năng lợi thế, khai thác di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẽ Bàng.

Đối với các kiến nghị của tỉnh sớm triển khai đầu tư mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu trên quốc lộ 1A;  phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung vốn dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; vốn đầu tư xây dựng tuyến đường phía Lào tới khu vực Lạ Vin; đầu tư tuyến đường 12 và cặp cửa khẩu Cha Lo - Na Phàu, Thủ tướng giao các bộ liên quan nghiên cứu, xem xét, xử lý theo quy định, hỗ trợ, giúp đỡ để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.

Liên quan đến sân bay Đồng Hới, mới đây, tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nâng cấp Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế để giúp phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Kiến nghị trên được đưa ra trong báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ Giao thông vận tải đang soạn thảo.

Hiện nay sân bay Đồng Hới có 5 hãng hàng không trong nước khai thác ba đường bay nội địa: Đồng Hới - Hà Nội, Đồng Hới - TP HCM, Đồng Hới - Hải Phòng và một đường bay quốc tế thường lệ Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan).

Sân bay Đồng Hới đang được đầu tư mở rộng sân đỗ, xây dựng nhà ga hành khách để nâng công suất phục vụ hành khách từ 500.000 lên 3 triệu hành khách mỗi năm.

Qua đánh giá, tư vấn xác định sân bay Đồng Hới là cảng hàng không quốc nội trong hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Hồ sơ quy hoạch đã xác định cảng hàng không Đồng Hới được phép khai thác chuyến bay quốc tế theo quy định tại Điều 80 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Khi tần suất các chuyến bay quốc tế tại cảng hàng không Đồng Hới tăng dẫn đến nhu cầu khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ (trung bình khoảng 3-5 chuyến/tuần), Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển cảng hàng không Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế, khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ.


chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.