Thành lập công ty đào tạo ca sĩ năm 21 tuổi với số vốn 17 triệu đồng, đoạt 6 cúp Cánh Diều Vàng với bộ phim điện ảnh đầu tay trong vai trò đạo diễn và nhà sản xuất, Quang Huy kể có lúc anh đi xe sang, mặc đồ hiệu nhưng tiền cháy túi, chấp nhận chia tay ngôi sao, nhóm nhạc mình dày công vun đắp sau những chiến thắng... Tuy vậy, ông bầu Vpop vẫn nhìn lại quá trình lăn lộn 15 năm trong nghề bằng vẻ đầy tự hào, kiêu hãnh.
Chia sẻ với báo chí tại văn phòng công ty được trang trí bắt mắt như quán cà phê thời thượng, ông bầu từng sát cánh bên Sơn Tùng M-TP, Ưng Hoàng Phúc, nhóm H.A.T... thẳng thắn nói về mối quan hệ với nam ca sĩ gốc Thái Bình sau khi chia tay và tin đồn gia đình rạn nứt, râm ran suốt thời gian qua.
15 năm xây dựng một thương hiệu giải trí, điều tự hào và tiếc nuối nhất của anh là gì?
Điều tôi tự hào nhất là thời điểm hiện tại. Giá trị không thể sinh ra trong ngày một ngày hai. 15 năm qua có rất nhiều thử thách. Chính việc vượt qua thử thách mới hình thành giá trị cốt lõi.
Sự tiếc nuối với tôi không nhiều và không tồn tại lâu. Nó chỉ hiện ra khi mình kết thúc một dự án nào đó hay bị thất bại. Tôi coi đó chỉ là cảm xúc nhất thời, mà với hành trình dài của một công ty thì cảm xúc chỉ là phần nhỏ. Sau thời gian đủ dài, chấp nhận đủ mọi thử thách thì tôi lại nhìn nó bằng sự biết ơn nhiều hơn là tiếc nuối.
- Việc Sơn Tùng M-TP chấm dứt hợp đồng với công ty Wepro có nằm trong "cảm xúc tiếc nuối" của anh?
Không có sự kết thúc nào mà không tiếc nuối. Tiếc nuối là cảm xúc cá nhân, đương nhiên xuất hiện khi mình gắn bó với một chiến hữu, nhất là khi cả hai cùng chiến đấu, cùng bị đánh và cùng chiến thắng. Nhưng ở góc độ của một công ty thì không thể chỉ đứng đó và tiếc nuối được.
Chúng tôi sinh ra để chơi game lớn nên không bao giờ phụ thuộc vào người này, người kia. Cũng như bóng đá, chúng tôi xác định phải có một đội bóng lớn trước khi có cầu thủ lớn. Những cầu thủ lớn chỉ giúp hành trình của bạn lớn hơn chứ không thể quyết định sức mạnh của cả đội.
Về quan điểm cá nhân, tôi đánh giá rất lâu sau này mới có người giỏi hơn Sơn Tùng. Cậu ấy là ca hiếm của showbiz. Sơn Tùng cũng như vài tên tuổi khác, họ không được đào tạo tài năng nhưng tự thân đã tài năng rồi. Sơn Tùng chắc chắn sẽ là một tượng đài. Còn tượng đài đó to thế nào phụ thuộc vào con đường sắp tới của cậu ấy.
- Nếu các ca sĩ, nhóm nhạc trước đây do công ty anh quản lý thành công đều mang đậm dấu ấn của Quang Huy thì đến Sơn Tùng, dấu ấn không nhiều. Anh có nghĩ đó là thất bại của mình?
Đó không phải là vấn đề. Tôi làm công việc này không phải để người ta đánh giá mình có bao nhiêu giá trị mà chỉ góp phần làm cho ngôi sao đó tốt hơn. Mỗi nghệ sĩ thành công ở từng thời điểm phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng họ.
Tôi đâu nhào nặn được phong cách của Ưng Hoàng Phúc hay Sơn Tùng. Tôi chỉ phát hiện và định hướng cho họ đi đúng hướng. Họ đi lên bằng chính năng lực của mình.
- Ngày Sơn Tùng M-TP đến với Quang Huy trong sự ồn ào của dư luận lẫn công ty quản lý cũ. Nhưng, cũng chỉ 2 năm sau mọi thứ nhanh chóng khép lại, đến lúc này anh có thể lý giải nguyên nhân chứ?
Không có gì để lý giải cả. Tôi không muốn nhìn vấn đề này theo quan điểm nặng nề. Trước khi tôi làm việc với Tùng thì đã làm việc với nhiều nghệ sĩ khác. Khi đã làm công việc này, chấp nhận cuộc chơi thì chấp nhận cả chuyện đến và đi. Sự tan hợp vốn là một phần của cuộc chơi. Cả hai bên đều chuẩn bị con đường của mình.
Dù không còn hợp tác nhưng tôi luôn mong muốn Tùng thành công. Khi cậu ấy thành công thì không chỉ là cái lợi cho Tùng mà cho cả ngành âm nhạc và khán giả. Khi ngành tốt hơn thì những người hoạt động trong ngành đều có lợi.
.- Dù vậy trong hậu trường vẫn dấy lên tin Sơn Tùng và Wepro xung đột về lợi ích kinh tế từ những bản hợp đồng tiền tỷ?
Giữa tôi và Tùng không tồn tại bất cứ bản hợp đồng nào. Nói chính xác đó là cuộc chơi của hai người chơi. Để dùng một từ duy nhất nói về cuộc chơi của chúng tôi là ngạo nghễ, không sợ gì cả.
Trước khi hợp tác với Tùng, tôi biết Tùng phải lên một đẳng cấp khác. Tôi chỉ là người muốn điều đó xảy ra sớm hơn. Vì thế tôi chưa từng coi Tùng là thương vụ làm ăn và Tùng chưa từng coi tôi là sếp.
Tôi thường nói với Tùng khi đã muốn làm số một, vượt đẳng cấp thì phải có thách thức, trả giá. Không ai cho mình vị trí một cách miễn phí. Nếu không có sóng gió, Tùng đã không lên được vị trí như ngày hôm nay.
- Giúp Sơn Tùng bước lên vị trí mới nhưng sau đó không lâu cậu ấy chấm dứt hợp tác với mình, anh có tiếc nuối công sức đã bỏ ra?
Hoàn toàn không. Giữa chúng tôi không phải là đầu tư lấy lợi, toan tính gì cả. Tùng đến với tôi không phải để được nhiều hơn mà đến với nhau để thỏa mãn. Lúc ấy, nếu không phải là Tùng, tôi không chơi được "game talent". Đối với Tùng, chỉ có mình Quang Huy mới tạo được game đó.
Khi cả hai đã chơi xong game thì vui, đâu có gì để trách móc nhau. Khi chơi game cần đạt được hai điều là chơi, thắng và chúng tôi đều đạt được. Tôi cũng đâu giúp cho Tùng theo kiểu ban ơn. Rõ ràng cậu ấy là đồng đội của mình.
- Ông bầu, nhà sản xuất nào mà không mong con gà của mình đẻ trứng vàng. Anh là người kinh doanh mà nói không đặt nặng kinh tế trong hợp tác thì có dối lòng?
- Tôi kiếm tiền ở nhiều nơi chứ không phải từ nghệ sĩ. Tổng giá trị thu nhập của talent chỉ chiếm 15% của công ty tôi. Nói vậy, nếu không còn Sơn Tùng, công ty tôi không kiếm được tiền sao?
Ở Viêt Nam, ca sĩ nào đủ sức nuôi gần 100 con người? Tôi dựng lên công ty chỉ để quản lý một ca sĩ sao? Nếu ai đó có suy nghĩ như thế thì tôi không cần lý giải. Công việc của tôi là ra sân và chiến thắng.
- Trong đêm kỷ niệm 15 năm công ty anh, Sơn Tùng không xuất hiện. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn về mối quan hệ không tốt giữa anh và cậu ấy?
Mối quan hệ giữa chúng tôi rất tốt. Nhà Tùng ở gần nhà tôi mà, chúng tôi vẫn thường gặp nhau. Còn về show kỷ niệm đó thì tôi không phải là người tổ chức. Các bạn trong công ty giấu tôi đến phút cuối cùng. Hôm ấy, Tùng và Ưng Hoàng Phúc đều đi lưu diễn nước ngoài nên không góp mặt.
- Trong làng giải trí, nhiều người nhận xét Quang Huy thông minh, số khác lại cho rằng anh nhiều thủ đoạn. Nếu vẽ chân dung về mình, thì anh sẽ vẽ theo hướng thiện hay ác?
Tôi nghĩ nếu đánh giá con người tôi thế nào thì nên hỏi người nhìn nhận tôi là ai. Bạn thích nhìn tôi tà thì tôi sẽ tà mà bạn thấy tôi thiện thì sẽ thiện. Chẳng ai khen một người là anh ta đã sống một cuộc đời đạo đức hay có nhiều tiền. Làm giàu cho bản thân mình có gì đâu mà vui.
Điều tôi cần là công ty đã xây dựng được giá trị. Người ta lý giải thành công của tôi bằng thủ đoạn thì chắc chắn họ sẽ không là đối thủ của tôi. Suy cho cùng, chẳng ai thành công được bằng thủ đoạn cả. Ngược lại, đó là cách duy nhất lý giải sự thất bại vì phải bất lực nhìn người khác thành công mà không học được bài học gì.
- Ưng Hoàng Phúc hay Sơn Tùng sau khi chia tay công ty quản lý cũ đều nhanh chóng về công ty anh. Vì thế có nhận xét anh thường "cướp gà" của người khác?
Bạn nghĩ nếu họ đang có sự nghiệp tốt đẹp, còn tôi không có năng lực thì tôi đi cướp được à? Tôi đã nói rồi, cách lý giải nhanh nhất cho sự thất bại của mình là công kích và bêu xấu người chiến thắng.
Tôi không cố gắng xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người khác vì đó không phải là công việc của tôi. Tôi không phải là người mẫu, hoa hậu thân thiện mà là người điều hành công ty nên phải có trách nhiệm với khách hàng, con thuyền của mình.
Nếu sống vì bản thân thì tôi quá ích kỷ. Trong làm ăn, tôi chỉ quan trọng giữ chữ tín và sự cam kết thôi. Khi cam kết điều gì với ai thì tôi phải thực hiện điều đó.
- Sứ mệnh của tôi là phải đóng góp, làm những chuyện lớn hơn.- Nghĩa là anh mặc kệ những nhận định không tốt về mình?
Tôi có thể coi đây là câu hỏi tấn công, mang ý nghĩa tiêu cực. Nói đúng hơn là tôi không quan tâm đến những suy nghĩ nhỏ nhặt. Tôi là người làm chuyện lớn, lớn tới độ tôi thấy mình chưa lớn.
Tôi không có thời gian ngồi lại xem những người xung quanh đang nghĩ gì. Khi muốn dẫn đầu và tạo ra sự khác biệt mà sợ người ta nghĩ xấu mình thì đi thi hoa hậu hoặc trở thành nhà thuyết giảng đạo đức.
Không có bức tranh nào vẽ đến tận cùng mà tay không lem màu. Vấn đề là màu đó để vẽ một bức tranh đẹp. Vì sao phải đặt tôi là thiện hay tà? Mọi sự đánh giá, nhìn nhận về tôi theo hướng nhìn đó thì chứng tỏ họ không phát triển như tôi.
- Tuyên bố mình là số một trong ngành giải trí, anh không sợ bị đánh giá ngông cuồng?
- Trở thành công ty giải trí số một đã là mục tiêu của tôi từ khi mới khởi nghiệp. Trong 15 năm qua phần lớn tôi là số một đấy nhưng tôi không khẳng định vì thật sự đâu có giải đấu để phân thứ hạng.
Thị trường giải trí Việt quá bé và quá ao làng. Tôi muốn tạo ra một giải đấu khắc nghiệt hơn, showbiz là ngành công nghiệp được phân cao thấp có cơ sở vững chắc hơn chứ không chỉ là sự cảm tính hoặc tung hô như họp chợ làng hiện nay. Khi đó khán giả sẽ được lợi nhiều hơn.
Khi chưa có giải đấu showbiz như thế thì trong 15 năm qua, Wepro có phải đã tạo ra nhiều ngôi sao nhất, tạo ra hệ thống quản trị ngôi sao chuyên nghiệp nhất, tạo ra bệ phóng ngôi sao hệ quả nhất? Công ty quản lý ngôi sao đóng thuế nhiều nhất Việt Nam? Vị trí số một không phải là kiếm nhiều tiền nhất.
Và cũng chính chúng tôi cũng thất bại nhiều nhất, đơn giản vì chúng tôi dám chơi dám thử nhiều game nhất chứ không phải chỉ có chờ đợi may mắn một vài phi vụ rồi chốt lời đi mua nhà, mua vàng. Nếu muốn kiếm nhiều tiền thì nên chuyển đi mở tiệm vàng.
- Nói là số một nhưng các sản phẩm anh mang đến cho khán giả chưa được đánh giá cao về mặt nghệ thuật cũng như chưa có giải thưởng âm nhạc nào ghi nhận?
Khi là người đi trước mình phải chấp nhận đối diện với đúng hoặc sai. Nếu chọn con đường an toàn thì đã không phải là tôi. Tôi mãi mãi không phấn đấu để mình có hình ảnh đẹp.
Đối với tôi 15 năm làm nghề không có giải thưởng âm nhạc nào nhưng cũng không sao. Làm phim đầu tay thì vô địch về giải nhưng tôi cũng không quan tâm. Vấn đề là tôi luôn luôn làm việc. Cái gì dở thì bỏ, cái gì hay thì tiếp tục. Đó là lý do vì sao thời điểm này tôi tự hào nhất về công ty mình.
Tôi thích người ta thách mình làm được những điều lớn hơn ở phía trước hơn là gặm nhấm lại quá khứ. Chuyện đã qua rồi, tôi không ngồi đó và ước gì đã làm tốt hơn. Tôi không hổ thẹn với bất cứ điều gì mình từng làm dù tốt, xấu hay thất bại.
Tôi dám khẳng định những thất bại đó là kết quả của sự gan lỳ, dũng cảm và cho chúng tôi nhiều giá trị để lớn hơn, an toàn hơn để tiếp tục mạo hiểm lớn hơn nữa. Không thua những trận lớn thì làm sao thắng những trận lớn hơn.
- Người ta thường định kiến người nghệ thuật thì khó kinh doanh và ngược lại. Anh dung hòa thế nào hai điều đó trong mình?
Tôi không có suy nghĩ làm nghệ thuật thì không thể kinh doanh. Ở đâu mà không có thị trường. Vấn nạn và bi kịch của nghệ thuật Việt Nam là mặc cảm với chuyện kiếm tiền và lên án nó. Chính định kiến đó làm người trong ngành xấu hổ khi nói đến tính thương mại trong nghệ thuật.
Tôi nghĩ trục lợi cho cá nhân mới là xấu. Làm giàu chân chính thì cứ làm. Với tôi làm giàu cho bản thân chỉ là "level" thứ nhất thôi. "Level" thứ 2 là làm giàu cho người ta và thứ ba là tạo ra giá trị lớn. Tôi tự hào về giá trị mình tạo ra được hơn là tiền. Đó là lý do tôi không bao giờ thích khoe tiền.
- Ở tuổi U40, cách anh nói về công việc, thử thách vẫn đầy nhiệt huyết, máu lửa như những cậu trai 15 tuổi. Điều gì khiến Quang Huy giữ được tinh thần đó suốt 15 năm qua?
Đó là thách thức. Tôi thường bắt đầu làm việc từ 8h sáng đến 22h nên không có thời gian nghĩ cho bản thân. Ngoài thời gian đó là dành cho gia đình. Tôi là người muốn đi tìm thách thức, chẳng qua là muốn tìm thách thức nào đủ sức để mình chiến thắng.
Làm việc thời gian dài tất nhiên không tránh khỏi những lúc chán nản. Đó là những lúc tôi cảm nhận tư duy của mình lạc lõng trong thị trường. Những gì tôi nghĩ có ai hiểu đâu. Ví dụ nhìn phim người khác thắng, tôi vui chắc không nhiều người tin. Đó là vì tôi nghĩ khác biệt.
Trong làng giải trí ai dám đốt tiền như tôi. Bỏ tiền đầu tư con người là đốt tiền đó vì có thu được lại tiền đâu. Có tiền rồi mang đi mua nhà mua vàng đeo đầy người ai chả làm được. Bỏ tiền đầu tư con người, vào hệ thống, vào những thứ không nhìn thấy được là đốt tiền đó, vì khi có rủi ro thì có giá trị thanh khoản đâu. Đôi khi tôi bỏ tiền ra, chấp nhận lỗ để học.
- Sống cạnh một ông chồng có sở thích "bỏ tiền ra, chấp nhận lỗ chỉ để học", chắc hẳn vợ anh - ca sĩ Phạm Quỳnh Anh - sẽ luôn bị đau tim và sống trong sự chịu đựng?
Vợ nếu không hiểu thì không thể yêu tôi hơn 10 năm và gắn bó đến bây giờ. Ở bên cạnh Quang Huy như ở bên cạnh lò lửa, sẵn sàng nổi điên chơi dại với công ty nên về bên gia đình đổi lại tôi luôn cố gắng nhẹ nhàng.
Chơi dại thì người khổ nhất là vợ. Quỳnh Anh biết rằng bất cứ lúc nào tôi cũng hết mình với nghề nghiệp. Bù lại, về nhà tôi không nói chuyện công việc hay những điều nặng nề. Khi không thể hiện mình đang nghĩ về những thử thách là giữ sự bình yên trong gia đình nhưng với người phụ nữ lại là sự chịu đựng.
Với Quỳnh Anh, đó không còn là chịu đựng mà đó là một năng lực hiểu khát vọng chinh chiến của chồng, năng lực chia sẻ và đóng góp cho công việc của chồng. Chứ nếu là chịu đựng thì chắc nhà bung nóc lâu rồi.
- Cô ấy phản ứng thế nào trước thú vui đốt tiền và chơi dại của anh?
Cô ấy không còn thời gian ngồi suy nghĩ nữa mà sẽ biết chuẩn bị củi lửa cho tôi đốt. Ngày trước chúng tôi xảy ra mâu thuẫn nhưng bây giờ thì hết rồi. Đương nhiên để đạt được điều đó mình phải có kỹ năng, biết dụ chứ.
Chẳng hạn, tôi sẽ biết nhường nhịn vợ những chuyện khác. Chẳng hạn, tôi thích ở nhà này nhưng Quỳnh Anh thích ở nhà kia thì tôi theo vợ. Đó là sự hòa hợp.
- Dù vậy, mới đây vợ chồng anh vẫn vướng tin lục đục, ly thân. Thói quen đốt tiền có từng là nguyên nhân?
- Tôi không nghĩ mình nổi tiếng nên không có trách nhiệm giải thích chuyện gia đình. Tôi chỉ giải thích với cổ đông của mình. Nói về chia tay thì khó lắm vì chúng tôi trải qua rất nhiều năm tháng, thử thách bên nhau.
Năm nay tôi 37 tuổi mà lửa phừng phừng thế này thì năm 25 tuổi, bạn tưởng tượng tôi còn nóng thế nào, vậy mà Quỳnh Anh chịu được. 15 năm gắn bó, đoạn đường nào chúng tôi chả nếm trải cùng nhau.
Vì thế khó có gì chia cắt chúng tôi. Gia đình nghệ sĩ dễ đổ vỡ vì cái tôi lớn thôi. Còn chúng tôi quan niệm ra ngoài cái tôi đã quá đủ rồi, cần gì mang về nhà nữa.
- Có nhiều chiến lược cho gà nhà, thế chiến lược anh dành cho vợ là gì?
Cô ấy giờ chuyển sang kinh doanh rồi. Tôi đã lôi kéo thành công người phụ nữ chỉ biết âm nhạc sang con đường kinh doanh. Tôi cho rằng cách tốt nhất để gia đình hiểu mình là lôi họ cùng làm. Quỳnh Anh hiện chịu trách nhiệm một mảng trong công ty. Về ca hát, nếu cô ấy thích thì hát, tôi không cấm cản. Hát thể hiện đam mê thì rất ngao nghễ.
Còn tôi, chỉ tập trung cho công việc. Trong cuộc sống, tôi không biết đến chốn ăn chơi, chỉ có biết tên một quán bar duy nhất vì nằm trên đường về nhà.
- Nói như vậy, anh tự nhận mình là đàn ông ngoan?
Đàn ông ngoan đừng lấy vì có câu trẻ không hư già sinh tật. Ai cũng có nhiều niềm vui, sở thích nhưng bạn phải chọn đam mê, đặt mục tiêu giá trị mà bạn muốn trở thành.
Tại sao tôi có thể làm việc mười mấy tiếng mà không mệt vì bản thân không có cảm giác làm việc? Vì sao công ty tôi không nặng nề như văn phòng mà như quán cà phê? Điều đó giúp cho nhân viên không ai cảm giác như mình đang đi làm.
Với nhân viên, tôi hình thành cho họ suy nghĩ đây là công ty mà bạn có thể chỉ đạo được lãnh đạo nghĩa là tôi ủy quyền cho ai thì người đó có quyền quyết. Tôi thích tạo sự công bằng trong mối quan hệ với nhân viên hơn là tư tưởng sếp luôn luôn đúng. Nếu tôi sai, tôi còn mong nhân viên nói để mình biết sớm.
- Trở lại với điện ảnh bằng việc sản xuất phim 'Người phán xử'', anh gặp những khó khăn gì?
- Tôi thích đề tài và chất liệu hình sự từ lâu rồi. Tôi luôn thích tự tay mình xây dựng một thế giới tội phạm trên màn ảnh Việt không chỉ là đâm chém, bắn giết, mà còn là tâm lý của những con người trong thế giới ngầm nữa.
Tôi nghĩ áp lực làm phim đã thành công là có nhưng hiện tại, tôi thấy áp lực đấy chưa đủ lớn để tôi nhìn nhận xem nó như thế nào. Nó chỉ đơn giản là áp lực tôi luôn tự đặt ra trước mọi dự án để làm động lực cho mình.
- Lựa chọn một bộ phim đã thành công để chuyển thể xem ra là lựa chọn an toàn, không giống với tính cách ưa mạo hiểm của anh Quang Huy?
- Làm gì có trận đấu nào an toàn, Manchester United còn có thể bị Stoke cầm hoà thì chưa đến phút 90 làm sao biết được thắng hay bại mà an toàn.