Quảng Nam: Ngăn chặn tình trạng 'thổi giá đất'

Thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đang có nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp “thổi giá đất” từ những thông tin thất thiệt để thu lợi bất chính của một số đối tượng.
Quảng Nam: Ngăn chặn tình trạng 'thổi giá đất' - Ảnh 1.

Thị xã Điện Bàn có nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng "thổi giá đất". (Ảnh minh họa: TTXVN).

Thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đang trong thời kỳ xây dựng để trở thành đô thị phía Bắc và kết nối với các đô thị lớn như Hội An, thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, khi tuyến sông Cổ Cò đang được tiến hành nạo vét, hàng chục dự án bất động sản có quy mô lớn đang được các nhà đầu tư triển khai ở khu vực này đã biến Điện Bàn trở thành vùng sôi động bậc nhất tỉnh Quảng Nam về mua bán, chuyển nhượng đất nền.

Thị xã Điện Bàn đã và đang có nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp “thổi giá đất” từ những thông tin thất thiệt để thu lợi bất chính của một số đối tượng và người chịu thiệt không ai khác, chính là người dân bị thiếu thông tin.

Bí thư Thị ủy Điện Bàn Đặng Hữu Lên cho biết, thị xã Điện Bàn phát triển theo hướng trở thành đô thị kết nối với thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An và các thành phố, các vùng kinh tế trọng điểm của Miền Trung. Để làm được điều đó, bên cạnh việc thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, thị xã Điện Bàn còn tập trung khai thác có hiệu quả và bền vững những tiềm năng và lợi thế của mình nhằm tạo ra sự khác biệt của một đô thị mới có sức hấp dẫn trong quá trình kết nối với các đô thị lớn khác.

Một trong những sự khác biệt đó là, các dòng sông Thu Bồn, sông Vĩnh Điện, sông Cổ Cò, sông Yên, sông Bình Phước là những nguồn tài nguyên lớn, là những điểm nhấn trung tâm của quá trình xây dựng đô thị.

Tuyến sông Cổ Cò đang được tiến hành nạo vét, những cây cầu nối đôi bờ sông Cổ Cò cũng đang được xây dựng. Những cây cầu này không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu giao thông mà còn phải trở thành một biểu tượng văn hóa, một sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, tạo thành những điểm nhấn, góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị Điện Bàn trở thành đô thị trung tâm phía Bắc Quảng Nam gắn với phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Hiện tại ở những khu vực này, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang triển khai nhiều dự án kinh doanh bất động sản. Đây là điều đáng mừng, nhưng cũng đặt ra cho địa phương nhiều gánh nặng, nhất là quản lý tài nguyên đất đai, quản lý dự án để tránh tình trạng mua bán trên giấy, mua bán, chuyển nhượng khi dự án chưa hoàn thành.

Dù khó khăn đến mấy, song việc quản lý hoạt động mua bán, chuyển nhượng vẫn phải được thực hiện một cách chặt chẽ nhằm tạo thị trường lành mạnh, đảm bảo quyền lợi chính đáng và tránh gây thiệt hại cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương trong vùng dự án, của các ngành chức năng, tránh xảy ra tình trạng vì thiếu thông tin rõ ràng về dự án nên đã xảy ra tình trạng tranh chấp kéo dài giữa người dân và công ty kinh doanh bất động sản đã từng xảy ra trên địa bàn, Bí thư thị ủy Điện Bàn Đặng Hữu Lên kiên quyết.

Tình trạng thiếu thông tin về dự án nên hiện tại hàng trăm hộ gia đình đã bỏ tiền đầu tư nhưng chưa biết đến bao giờ mới được nhận đất và chưa biết đến bao giờ mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó việc tranh chấp kéo dài giữa người dân với Công ty cổ phần Bách Đạt An là một điển hình. Theo đó, từ cuối năm 2017, hàng trăm khách hàng đã “xuống tiền” mua sản phẩm đất nền tại dự án Bách Đạt 1. Đến cuối năm 2018, giữa công ty này và một doanh nghiệp khác xảy ra tranh chấp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Đến nay đã nhiều năm trôi qua, song tình trạng tranh chấp và khiếu kiện giữa người dân và Công ty cổ phần Bách Đạt An vẫn còn kéo dài, chưa biết đến khi nào mới có hồi kết, chưa biết đến khi nào người dân mới được cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất. Người dân vì bức xúc nên thường xuyên tụ tập đông người, gây áp lực với chính quyền địa phương, gây mất an ninh trật tự.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Minh Hiếu cho biết, để đối phó với tình trạng này, thị xã Điện Bàn đã chỉ đạo các ngành chứa năng phối hợp thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường thông tin, tuyên truyền đến nhân dân về nội dung những quy định của pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, để cho người dân nắm bắt được thông tin mang tính chính thống, qua đó nắm bắt được tình hình, tránh bị thiệt hại.

Thứ nữa là công khai minh bạch tất cả những quy hoạch, những nội dung, thông tin chính thức về từng dự án phát triển bất động sản để giúp người dân nắm bắt được thông tin một cách đầy đủ nhất, chính xác nhất, tránh những thông tin sai lệch, đồn thổi dẫn đến tâm lý đám đông, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân.

Đặc biệt, lãnh đạo thị xã Điện Bàn đã chỉ đạo cho các ngành chức năng, các địa phương trong vùng dự án tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động đầu tư, kinh doanh, mua bán, giao dịch về đất đai, đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đất đai và kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, thị xã Điện Bàn cũng đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các dự án nhằm giúp cho các chủ đầu tư hoạt động kinh doanh đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng của người dân.

Ông Nguyễn Minh Hiếu cho biết thêm, sau khi dịch COVID-19 được khống chế và đẩy lùi, các hoạt động kinh doanh bất đông sản trên địa bàn đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Điện Bàn có thêm trên 20 dự án bất động sản đang được triển khai thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng; trong đó có một số dự án đã đảm bảo các yêu cầu về pháp lý và kỹ thuật để đưa vào kinh doanh.

Với những dự án này, thị xã Điện Bàn đặc biệt quan tâm về những vấn đề có liên quan như: Giải quyết những khó khăn, vướng mắc để hoàn thiện dự án, hoàn thiện các thủ tục về hồ sơ pháp lý, tạo điều kiện cho những dự án này triển khai hoàn thành, đảm bảo tiến độ và đảm bảo hoạt động kinh doanh lành mạnh, đảm bảo các quy định của pháp luật.

Mặt khác các ngành chức năng của địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về hoạt động mua bán, chuyển nhượng của các dự án để không gây thiệt hại cho người dân do việc nắm bắt thông tin sai lệch.

chọn
'Dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít'
Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng trong thời điểm này, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi rõ rệt thì dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít.