Do dồn lớp nên bàn ghế của các em học sinh quá gần với bục giảngẢNH LÃ NGHĨA HIẾU |
Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi đến Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh. Dù đã hẹn, nhưng phải đợi đến trưa, chúng tôi mới gặp được Hiệu trưởng Đào Thị Bích Thủy, vì cô bận… đứng lớp. “Các anh thông cảm, thiếu giáo viên nên ban giám hiệu cũng phải đứng lớp gần như cả ngày”, cô Thuỷ nói.
Năm học mới này, trường cô Thủy tăng 90 học sinh, trong khi 5 giáo viên nghỉ sinh, nên phải dồn 5 lớp thành 4 khiến lớp nào cũng trên 40 em, hiệu trưởng, hiệu phó mỗi người đều phải dạy 14 - 16 tiết/tuần, trong khi quy định của ngành chỉ là 2 tiết.
Tương tự, tại Trường tiểu học Yên Thanh (thành phố Uông Bí), Hiệu trưởng Trần Thị Trinh cho biết, nhà trường có 5 giáo viên chuyển công tác và nghỉ hưu, 3 giáo viên nghỉ thai sản nên Ban giám hiệu cũng phải dạy gần kín cả tuần, rất ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành nhà trường.
Theo ông Trần Nam Hải, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Uông Bí, năm học 2017 - 2018, toàn thành phố tăng 1.000 học sinh, tăng 32 lớp học các cấp và thiếu khoảng 60 giáo viên.
“Trường nào cũng thiếu giáo viên, chịu ảnh hưởng nhất chính là các em học sinh. Ví dụ như mỗi lớp 1 có từ 40 - 45 cháu, giáo viên dạy được cháu này thì không được cháu kia. Trường mầm non cũng vậy, có lớp 60 học sinh mà chỉ có 2 - 3 cô thì chất lượng khó mà đáp ứng yêu cầu, chưa kể việc phòng học chật chội, ảnh hưởng đến sức khỏe cả cô lẫn trò”, ông Hải Nói.
Đồng thời, ông Hải cho biết việc hiệu trưởng phải đứng lớp vì các trường không được tuyển mới giáo viên, tuyển theo hợp đồng thì “chẳng ai mặn mà vì chê lương thấp”.
Năm học này, thành phố Hạ Long cũng tăng 2.500 học sinh nhưng giáo viên không được tuyển mới, nên hầu hết các trường đều phải dồn lớp, tăng sĩ số. Việc các cô giáo nghỉ sinh con cũng khiến nhiều trường “vỡ trận” vì thiếu giáo viên. Thành phố Hạ Long hiện thiếu khoảng 200 giáo viên theo định biên.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Phòng Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Hạ Long cho biết: “Nhiều trường trên địa bàn phải ngăn phòng và tận dụng phòng chức năng để đủ lớp cho học sinh. Chúng tôi đã lên danh sách tuyển dụng mới lao động hợp đồng nhưng chưa biết đến bao giờ mới được duyệt”.
Còn theo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, số học sinh được tuyển mới cho năm học 2017 - 2018 là 73.328 em, tăng 4.468 em so với năm trước. Trong khi đó, từ ngày 1.3, địa phương này đã tạm dừng việc tuyển dụng giáo viên cả biên chế lẫn hợp đồng để rà soát biên chế, tinh gọn bộ máy toàn ngành dẫn tới việc thiếu giáo viên tại các trường.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, như: thành phố Hạ Long thiếu 200, thành phố Móng Cái thiếu 133, thị xã Quảng Yên thiếu 77, thành phố Uông Bí thiếu 66, thành phố Cẩm Phả thiếu 150…
Không chỉ thiếu giáo viên, nhiều trường còn thiếu cả phòng học khiến hiệu trưởng phải nhường phòng làm việc cho học sinh. Theo UBND thành phố Hạ Long, có đến 19 hiệu trưởng trên địa đã phải nhường phòng làm việc để làm phòng học cho học sinh, tránh việc nhồi nhét quá đông các em vào một không gian hẹp.
Bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, khẳng định đúng là có việc thiếu giáo viên theo định biên tại các địa phương. “Sở chỉ quản lý biên chế giáo viên khối THPT, còn cấp THCS, tiểu học và mầm non thì do địa phương quản lý nên không nắm rõ số lượng thiếu giáo viên là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là thiếu rồi.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của tỉnh là tạm dừng tuyển dụng giáo viên chứ không dừng hẳn, sau khi rà soát xem trường nào thiếu bao nhiêu, các địa phương sẽ chủ động tuyển dụng”, bà Oanh cho biết.
Nhà đất 15:52 | 14/10/2019
Du lịch 15:11 | 07/10/2019
Nhà đất 12:56 | 04/10/2019
Đô thị 18:54 | 03/10/2019
Du lịch 21:50 | 02/10/2019
Nhà đất 22:30 | 30/09/2019
Du lịch 19:57 | 29/09/2019
Nhà đất 15:01 | 25/09/2019