Quảng Ninh: Sau thông tin sáp nhập với TP Hạ Long, Hoành Bồ ra văn bản để dẹp tình trạng đầu cơ, gom đất

Sau khi có thông tin về việc sắp xếp, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ, UBND huyện Hoành Bồ đã có văn bản về việc quản lí hiện trạng các khu đất, tránh tình trạng đầu cơ, gom đất, dẹp cơn "sốt đất ảo" ở huyện này.

Đầu tháng 10/2019, tỉnh ủy Quảng Ninh đã đồng ý với đề án sắp xếp, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ. 

Cụ thể Quảng Ninh sẽ nhập toàn bộ 843,54 km2 diện tích tự nhiên và dân số 51.003 người của huyện Hoành Bồ với toàn bộ 275,58 km2 diện tích tự nhiên và dân số 249.264 người của TP Hạ Long. Tên gọi của đơn vị hành chính mới là TP Hạ Long với diện tích 1.119,36 km2, qui mô dân số 300.267 người.

photo-1

Ảnh minh họa: UBND tỉnh Quảng Ninh.

Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 33 đơn vị cấp xã, bao gồm: toàn bộ 20 phường thuộc TP Hạ Long, thị trấn Trới và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ. Đối với thị trấn Trới sẽ nâng cấp lên phường để đảm bảo theo qui định Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hệ thống chính trị, thống nhất theo mô hình chung, trên cơ sở sáp nhập các cơ quan cấp huyện có chức năng tương đương của 2 địa phương hiện tại, giữ nguyên tổ chức bộ máy cấp xã.

Theo tỉnh Quảng Ninh, việc sắp xếp, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ sẽ được triển khai thực hiện và phấn đấu hoàn thành trong năm 2019. Sau khi hoàn tất sáp nhập, đơn vị hành chính TP Hạ Long mới sẽ là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. Đây sẽ là đô thị lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, lớn nhất về số đơn vị hành chính trực thuộc.

Ảnh hưởng bởi sự kiện này đến thị trường bất động sản tại khu giáp danh giữa Hoành Bồ và TP Hạ Long là điều khó có thể tránh.

Cụ thể, theo khảo sát thực tế của UBND huyện Hoành Bồ, dọc tuyến quốc lộ 279 chạy địa bàn xã Thống Nhất và Lê Lợi trong những ngày qua đã xuất hiện nhiều tấm biển treo bán đất.

Trên một số website về bất động sản, những lô đất được rao bán tại khu vực này cũng được gắn thêm thông tin về đề án mở rộng địa giới hành chính của TP Hạ Long.

dat-dai-hoanh bo

Ảnh chụp màn hình một thông báo bán đất ở Hoành Bồ, Quảng Ninh. (Ảnh chụp màn hình).

Ngoài ra, theo báo Quảng Ninh, giá đất tại khu khu tái định cư Bắc Cửa Lục hiện đã được đẩy lên tăng gấp 2-3 lần (trung bình từ 7-10 triệu đồng/m2), trong khi trước đó chỉ khoảng 2-3 tháng, giá đất chỉ dao động từ 3-5 triệu đồng/m2.

Hầu hết đều là hoạt động mua đi bán lại giữa các nhóm môi giới với nhau nhằm tạo các giao dịch "mồi", dụ khách hàng vào mua đất. Nhiều ô đất đến nay đã qua tay tới 3-4 chủ, mỗi lần qua tay chủ mới giá đất lại bị thổi lên vài giá.

Theo thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, đây là lần thứ ba thị trường bất động sản trên địa bàn huyện Hoành Bồ "sốt đất ảo". Trước đó, thời điểm tháng 3 và tháng 5/2019, tình trạng "sốt ảo" cũng diễn ra tại địa bàn thị trấn Trới, xã Lê Lợi, Thống Nhất. 

Liên quan đến tình trạng sốt đất ảo lần này, UBND huyện Hoành Bồ vừa ban hành văn bản về việc quản lí hiện trạng các khu đất và mặt bằng các dự án giao thông quan trọng trên địa bàn huyện. 

Theo đó, huyện Hoành Bồ yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp san lấp mặt bằng trái phép, xây dựng công trình trái phép, trồng cây nhằm mục đích trục lợi từ chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng theo qui định.

UBND huyện Hoàng Bồ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để xảy ra các tình trạng vi phạm nêu trên mà không có giải pháp ngăn chặn, xử lí kịp thời. 

Đối với 2 xã Lê Lợi và Thống Nhất, huyện Hoành Bồ yêu cầu sẽ tạm dừng việc thụ lý, giải quyết hồ sơ đề nghị tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất; tạm dừng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản trong qui hoạch liên quan đến quỹ đất các dự án cầu Cửa Lục 1 và Cửa Lục 3...

Để tránh tình trạng đầu cơ, gom đất, dẹp cơn "sốt đất ảo", UBND huyện Hoành Bồ cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đất đai. 

Đối với 2 xã Lê Lợi và Thống Nhất, huyện Hoành Bồ yêu cầu thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra tổng thể toàn bộ phạm vi mặt bằng các dự án cầu cửa Lục 1 và 3. 

Đồng thời, UBND huyện này cũng có kế hoạch tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu các qui định về luật đất đai, nhằm tránh tình trạng một số đối tượng môi giới đất thổi giá, lừa gạt đối với khu đất chưa đủ điều kiện để giao dịch. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát, xử lý dứt điểm theo qui định pháp luật đối với các sàn giao dịch bất động sản không đủ điều kiện hoạt động.

Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân, nhà đầu tư nên cẩn trọng tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng trước khi đầu tư đất với giá trị lớn, tránh tình trạng mắc bẫy sốt đất ảo.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.