Quốc Cường Gia Lai kinh doanh ra sao nửa năm 2019, khi Cường Đôla ra làm ăn riêng?

Nửa đầu năm 2019, khi Cường Đôla ra làm ăn riêng với dự án bất động sản ở Bình Dương doanh nghiệp Quốc Cường Gia Lai do bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ thiếu gia phố núi điều hành, vẫn tiếp tục khó khăn, lợi nhuận giảm 14 tỉ đồng so với cùng kì năm ngoái.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL), tình hình kinh doanh trong quý II dù khả quan với lợi nhuận trước thuế tăng gấp 5 lần so với cùng kì, nhưng lãi lũy kế 6 tháng đầu năm lại giảm, do cộng dồn kết quả không khả quan của quý đầu năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế của Quốc Cường Gia Lai giảm 14 tỉ đồng 

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của QCGL trong quý II/2019 đạt 195,6 tỉ đồng, tăng đến 109 tỉ, từ mốc 86,5 tỉ đồng của cùng kì năm ngoái.

7fcc094fd80e3150681f

Lợi nhuận trước thuế Quốc Cường Gia Lai 6 tháng đầu năm chỉ đạt 42,7 tỉ đồng. (Ảnh tư liệu: QCGL).

Chiếm tỉ trọng cao nhất về doanh thu trong quý II của QCGL là mảng bất động sản, lên đến 96 tỉ đồng. Cùng kì năm ngoái, mảng này chỉ đóng góp vỏn vẹn 2 tỉ đồng cho doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan.

Báo cáo tài chính cũng nêu rõ, doanh thu tăng chủ yếu đến từ việc trong quý, QCGL tiến hành bàn giao căn hộ cho khách hàng.

Doanh thu từ bán hàng hóa cũng mang về cho QCGL 74 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kì. Doanh thu từ bán điện tăng nhẹ 3 tỉ, từ 21 tỉ lên thành 24 tỉ đồng.

Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng mạnh gần 11 lần so với cùng kì, đạt 11,4 tỉ. Trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí quản lí doanh nghiệp lại được cắt giảm đáng kể.

 Cụ thể, chi phí tài chính giảm 18 lần, còn chỉ 500 triệu đồng. Chi phí quản lí doanh nghiệp giảm 3 lần, còn 4,5 tỉ đồng.

Nhờ việc cắt giảm chi phí quản lí mà lợi nhuận trước thuế của QCGL trong quý II tăng gấp 5 lần so với cùng kì năm ngoái, đạt 36,6 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế còn 31,4 tỉ đồng, gấp 7 lần con số 4,5 tỉ lợi nhuận quý II/2018.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-31 lúc 16

Lợi nhuận Quốc Cường Gia Lai thấp kỉ lục nhiều quý liền, kể từ quý IV/2017. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của QCGL đạt 573 tỉ đồng, tăng 31%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế mà doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan đạt được chỉ 42,7 tỉ đồng, giảm 14 tỉ so với cùng kì năm ngoái.

 Lợi nhuận sau thuế xấp xỉ đạt 37 tỉ đồng, giảm 15%.

Năm 2019, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất  đạt 1.250 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỉ đồng. Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, QCGL đã hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu nhưng chỉ mới đạt 21% mục tiêu về lợi nhuận.

Hàng tồn kho của Quốc Cường Gia Lai hơn 7.280 tỉ đồng, chưa hết rắc rối với dự án Phước Kiển

Trong cơ cấu doanh thu quý II của Quốc Cường Gia Lai, doanh thu của mảng bất động sản tăng mạnh. Tuy nhiên, tại bảng cân đối kế toán, giá trị hàng tồn kho bất động sản dở dang tính đến cuối tháng 6 vẫn còn rất cao.

Cụ thể, chỉ riêng tồn kho bất động sản dở dang đã đạt 7.289 tỉ đồng, chiếm đến 94% tổng tài sản tồn kho của QCGL. Ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai cho biết bất động sản dở dang đang xây dựng chủ yếu gồm các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp dự án.

qcg-chu-tich-4440-1561213115-1561276494921141142374

Bà Nguyễn Thị Như Loan liên tục kêu ca về các dự án đang chậm tiến độ do rắc rối về thủ tục. (Ảnh: QCG).

Thời gian qua, Chủ tịch QCGL, bà Nguyễn Thị Như Loan, liên tục kêu ca về hàng loạt dự án bất động sản dở dang của doanh nghiệp, đặc biệt là dự án Phước Kiển, tại huyện Nhà Bè, TP HCM.

"Phước Kiển là trăn trở với lãnh đạo công ty, vì dự án đã hơn 10 năm chưa giải phóng mặt bằng dứt điểm", bà Như Loan nói với các cổ đông tại đại hội vừa diễn ra vào tháng 6.

Theo bà Loan, tại dự án này vẫn còn khoảng 3% đất chưa đền bù xong. Nguyên nhân là còn một số hộ dân lấn chiếm đất, cất nhà ở trong khi không có sổ đỏ. Bà lo ngại nếu xử lí xong việc giải phóng mặt bằng, rất có thể hết hạn chấp thuận đầu tư. Điều này đồng nghĩa phải thực hiện lại thủ tục từ đầu, trong khi suốt chục năm qua vẫn chưa thể hoàn tất.

Đáng chú ý, liên quan dự án Phước Kiển, tính đến cuối quý II, QCGL vẫn chưa trả số tiền 2.882 tỉ đồng nhận từ Sunny. Số tiền này QCGL nợ Sunny từ cuối năm tài chính 2018 và kéo dài đến nay.

Kết thúc quý II/2019, nợ phải trả gồm ngắn hạn và dài hạn của Quốc Cường Gia Lai là 6.680 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ 4.180 tỉ đồng.

Tình hình kinh doanh của QCGL 6 tháng đầu năm 2019 cũng kém hiệu quả hơn so với cùng kì năm ngoái. Cùng diễn biến, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) - con trai Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Như Loan, từ chức, rời khỏi doanh nghiệp ra làm ăn riêng từ cuối năm trước.

quoccuonggialail234ntiengvubidenghidungchuyennhuong30hadatphuockien_1

Nhiều dự án của Quốc Cường Gia Lai hiện vẫn chưa thể triển khai. (Ảnh: Zing).

Sau đó, doanh nhân này đã thành lập công ty bất động sản riêng là Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường, có trụ sở tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngoài việc kinh doanh bất động sản, Cường Đôla còn tập trung cho chuỗi nhà hàng mang thương hiệu C-tao tại một số thành phố lớn.

Tại công ty bất động sản mới thành lập của Cường Đôla, bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai) giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Trong cơ cấu vốn điều lệ ban đầu của Chánh Nghĩa Quốc Cường với 1.169 tỉ đồng, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai góp đến 873 tỉ đồng, tương ứng với tỉ lệ 74,68%.

Tuy nhiên vào tháng 1/2019, bà Nguyễn Thị Như Loan đã thông báo giảm tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này xuống còn 30,8%, tương ứng với mức góp vốn 132 tỉ đồng. 

Quốc Cường Gia Lai thoái vốn khỏi hàng loạt dự án

Kinh doanh không khả quan, Quốc Cường Gia Lai gần đây còn liên tục thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp.

Tháng 3/2019, Quốc Cường Gia Lai giải thể Công ty CP Bất động sản Hiệp Phát. Đây là công ty mà doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan nắm 90% vốn sở hữu.

Đầu năm 2019, HĐQT Quốc Cường Gia Lai cũng đã ra nhiều nghị quyết giảm vốn sở hữu tại một số công ty thành viên, như giảm 195,3 tỉ đồng vốn góp ở Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng, hoàn tất việc chuyển nhượng 49,9% vốn cổ phần tại công ty CP Bất động sản Sông Mã, hiện chỉ còn giữ lại 49,9% vốn cổ phần, chuyển thành khoản đầu tư vào công ty liên kết.

Quốc Cường Gia Lai cũng đang mắc kẹt với Dự án bất động sản và bến du thuyền - Marina Complex tại Đà Nẵng. Đây là dự án do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư, dính lùm xùm vì lấn chiếm sông Hàn, và đang tạm dừng để điều chỉnh xây dựng.