Quy hoạch KKT Vân Phong trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế

KKT Vân Phong có diện tích 150.000 ha, trong đó phần đất liền và đảo khoảng 70.000 ha, phần mặt nước khoảng 80.000 ha, thuộc huyện Vạn Ninh và TX Ninh Hoà.

Khu kinh tế Vân Phong hiện nay. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng, ngày 20/2, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) cho biết, KKT Vân Phong có diện tích 150.000 ha, trong đó phần đất liền và đảo khoảng 70.000 ha, phần mặt nước khoảng 80.000 ha, thuộc huyện Vạn Ninh và TX Ninh Hoà.

KKT Vân Phong được điều chỉnh quy hoạch với tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.

Hiện nay, cấu trúc không gian tổng thể của Khu kinh tế Vân Phong là một vùng đồng bằng nhỏ hẹp bám theo bờ biển theo hình bán nguyệt, bị chia cắt bởi các tuyến đường sắt, đường quốc lộ, tuyến đường điện quốc gia, bị cô lập bởi vành đai núi khiến việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vịnh Vân Phong vẫn chưa phát triển do bất cập về giao thông kết nối, và do yếu tố giá trị bậc nhất của Vân Phong là vùng nước sâu từ 20 - 30 m chưa thể khai thác.

Do đó, đồ án định hướng quy hoạch phát triển không gian của Vân Phong theo hai khu vực. Khu vực Bắc Vân Phong tập trung tại bán đảo Hòn Gốm, khu vực Đại Lãnh, khu vực Tu Bông và thị trấn Vạn Giã, gồm các khu du lịch cao cấp tại đảo Hòn Lớn và bán đảo Hòn Gốm, cảng trung chuyển quốc tế, cảng du lịch quốc tế, các công trình dịch vụ hậu cần cảng, công nghiệp, các khu đô thị du lịch...

Khu vực Nam Vân Phong tập trung tại đông bắc TX Ninh Hòa và xã Ninh Phước, gồm cảng trung chuyển container, cảng tổng hợp, các tổ hợp công nghiệp, kho tàng tận dụng được lợi thế của cảng nước sâu, các khu đô thị và các khu dịch vụ du lịch.

Vịnh Vân Phong có địa hình và hệ sinh thái biển phong phú và là một trong những vịnh biển đẹp nhất ở Việt Nam. Trong đồ án, tư vấn cũng xác định tập trung phát triển ngành du lịch tại KKT Vân Phong trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn cho Khu kinh tế nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, nhằm tận dụng các lợi thế cạnh tranh tự nhiên.

Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đóng góp nhiều ý kiến, như cần tập trung bám sát nội dung nhiệm vụ đã được Thủ tướng phê duyệt; quan tâm bảo vệ tài nguyên, có dự trữ đất cho quá trình phát triển; làm rõ các sản phẩm du lịch; rà soát, cập nhật tên các tuyến cao tốc chạy qua; bổ sung làm rõ quy mô, diện tích các khu công nghiệp trong Khu kinh tế; làm rõ các nguồn lực đầu tư; xem xét điều chỉnh tên đồ án đảm bảo tuân thủ đúng theo các quy định pháp luật hiện hành.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ; chú ý rà soát các căn cứ pháp lý, đảm bảo tính kết nối liên vùng; đánh giá đầy đủ hiện trạng sản xuất công nghiệp, phát triển hạ tầng kỹ thuật, đô thị hoá, đánh giá sự phù hợp của các dự án đã được cấp phép để làm cơ sở cho việc đề xuất các định hương phát triển Khu kinh tế; làm rõ cơ sở dự báo dân số cũng như thứ tự đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.