Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020

Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt ngày 3/6/2009.

Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2010, tiếp tục trồng mới 70 nghìn ha để diện tích cao su cả nước đạt 650 nghìn ha, sản lượng mủ đạt 800 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD; mở rộng công suất chế biến khoảng 220 nghìn tấn.

 

Đến năm 2015, tiếp tục trồng mới 150 nghìn ha, để diện tích cao su cả nước đạt 800 nghìn ha, sản lượng mủ đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD; mở rộng công suất chế biến trong 5 năm 360 nghìn tấn. Đến năm 2020, diện tích cao su ổn định 800 nghìn ha, sản lượng mủ đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.

 

Tổng mức đầu tư khoảng 30 nghìn tỷ đồng

 

Để đạt mục tiêu 800 nghìn ha cao su, phải tiếp tục trồng mới 150 nghìn ha trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đất chưa sử dụng và chuyển đổi từ đất rừng tự nhiên là rừng nghèo phù hợp với yêu cầu sinh trưởng của cây cao su. Định hướng quy hoạch cao su ở các vùng cụ thể như sau:

 

Vùng Đông Nam Bộ: tiếp tục trồng mới 25 nghìn ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và chuyển đổi đất rừng tự nhiên là rừng sản xuất nghèo phù hợp với cao su, để ổn định diện tích 390 nghìn ha cao su;

 

Vùng Tây Nguyên: tiếp tục trồng mới khoảng 95 - 100 nghìn ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đất chưa sử dụng, chuyển đổi đất rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất nghèo phù hợp trồng cao su, để ổn định diện tích 280 nghìn ha;

 

Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ: tiếp tục trồng mới 10 - 15 nghìn ha trên đất đang sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và chuyển đổi đất rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất nghèo phù hợp trồng cao su, để ổn định diện tích 40 nghìn ha;

 

Vùng Bắc Trung Bộ: tiếp tục trồng mới khoảng 20 nghìn ha, chủ yếu sử dụng đất nông nghiệp, để ổn định diện tích 80 nghìn ha;

 

Các tỉnh vùng Tây Bắc: không phát triển theo phong trào, có bước đi phù hợp. Trên cơ sở quỹ đất và kết quả đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng, các địa phương quyết định mở rộng diện tích ở những địa bàn có đủ điều kiện, để đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50 nghìn ha.

 

Về vốn và nguồn vốn, tổng mức đầu tư khoảng 30 nghìn tỷ đồng; Nguồn vốn bao gồm: Ngân sách nhà nước đầu tư hạ tầng (gồm: điện, đường giao thông, trạm xá, trường học thuộc vùng dự án) và đào tạo nghề; Vốn của doanh nghiệp và của dân; Vốn tín dụng đầu tư phát triển theo quy định hiện hành; Vốn tín dụng thương mại.

 

Xem chi tiết: Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 TẠI ĐÂY.

chọn