Shark Tank Việt Nam là một chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp. Ở mùa 3 (mùa gần nhất), các startup công nghệ y tế đã dần xuất hiện khi nhiều công ty khởi nghiệp đã xuất hiện trên sóng truyền hình gọi vốn. Đây là điều không thường thấy ở các mùa trước.
Startup eDoctor xuất hiện ở tập 10 chương trình đã nhận cam kết đầu tư 700.000 USD từ ba cá mập (Shark Dũng 500.000 USD; Shark Việt và Shark Bình mỗi người 100.000 USD). eDoctor được giới thiệu là một nền tảng giúp tiết kiệm thời gian khám chữa bệnh qua việc khám chữa tại nhà.
Khi gọi vốn cách đây một năm, eDoctor hợp tác với 500 điều dưỡng viên, 400 bác sĩ và 80 phòng khám, bệnh viện khác nhau. Ứng dụng giúp tìm kiếm phòng khám liên kết gần nhất, tối ưu hóa thời gian của bệnh nhân.
Theo mô hình kinh doanh, eDoctor sẽ giữ lại 30% doanh thu và 70% trả lại cho các đối tác. Tuy nhiên, công ty hiện vẫn chưa có lãi vì chi phí marketing đang ở mức cao.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng (thời điểm đó đang là giám đốc quĩ CyberAgent tại Thái Lan và Việt Nam) cho rằng ông đã biết đến eDoctor từ 8 năm trước đó, khi công ty còn sử dụng mô hình khám bệnh qua điện thoại.
Trên sóng truyền hình, ông Dũng cũng chia sẻ ông cũng đã đầu tư cho một startup công nghệ y tế khác là ViCare.
Cũng trong khuôn khổ Shark Tank Việt Nam mùa ba, khán giả thấy một startup khác trong lĩnh vực công nghệ y tế là nền tảng y tế chia sẻ DrExperia. Tuy nhiên nền tảng này với mức định giá quá cao đã bị các nhà đầu tư từ chối.
Trong số các startup lọt vào chung kết Grab Ventures Ignites (chương trình hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp giai đoạn sớm của Grab), có tới hai cái tên trong lĩnh vực công nghệ y tế là WeCare 247 và Medici.
Báo cáo đầu tư công nghệ y tế của StartupHealth chỉ ra vốn rót vào các công ty khởi nghiệp medtech đã tăng lên mức kỉ lục 6,6 tỉ USD trong quí III năm nay. Kỉ lục trước đó xảy ra vào quí I/2020 với 4,5 tỉ USD, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện.
10 thương vụ huy động vốn lớn nhất đều có giá trị từ 200 triệu USD trở lên. Đáng kể nhất là Grail (startup sinh trắc học), Bright Health (startup trao quyền cho bệnh nhân) hay Zwift (startup chăm sóc sức khỏe).
Hầu hết startup công nghệ y tế nhận vốn đều nắm bắt tốt xu thế về công nghệ, như kĩ thuật số, cá nhân hóa hay trí tuệ nhân tạo (AI).
Không chỉ thu hút nhiều vốn đầu tư thông qua hoạt động gọi vốn, một số startup công nghệ y tế cũng đã quyết định IPO trong quí III năm nay, tiêu biểu là Accolade (lên sàn và huy động 220 triệu USD từ các nhà đầu tư) hay GoHealth (nhận 916 triệu USD vốn chỉ sau vài ngày chào bán công khai lần đầu).
"Các đợt IPO trong lĩnh vực công nghệ y tế là một dấu hiệu cho thấy cơ hội tăng trưởng và dư địa để phát triển những doanh nghiệp vĩ đại", Steven Krein, CEO của Startup Health cho biết.
Kể từ lần đầu tiên công bố báo cáo ngành năm 2010, số vốn đầu tư vào mảng công nghệ y tế đã tăng vọt từ 1 tỉ USD cho 139 thương vụ đầu tư lên (dự kiến) 20 tỉ USD cho 800 thương vụ gọi vốn.