Rủi ro hội tụ, đỉnh của vàng ở đâu?

Giới đầu tư vội vã tìm đến vàng để trú ẩn khi những nỗi sợ trên thị trường dồn dập cùng lúc.
Rủi ro hội tụ, đỉnh của vàng ở đâu? - Ảnh 1.

Đỉnh cao nhất 8 năm

Giá vàng từ đầu năm tới nay liên tiếp lập các đỉnh mới và gần đây đã lên đỉnh cao nhất gần 8 năm qua. Mỗi ounce vàng giao tháng 6 đã tăng lên 1.756,3USD, mức cao nhất từ cuối năm 2012. Trong khi đó, giá vàng giao ngay cũng tiệm cận ngưỡng 1.750USD. 

Vàng bật tăng mạnh sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 sẽ gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, giới đầu tư tiếp tục lo ngại về những số liệu ảm đạm trong kinh doanh, các con số thất nghiệp tăng mạnh và căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục được đẩy lên cao trào, trước các tranh cãi về trách nhiệm của Trung Quốc để xảy ra dịch bệnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn đưa ra tuyên bố “chưa từng có” là sẽ cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh.

Tất cả các yếu tố trên cộng hưởng thêm lo ngại “làn sóng Covid-19 thứ 2” có thể bùng phát bất cứ lúc nào, khiến cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế tại nhiều quốc gia còn bỏ ngỏ. Giá vàng vì thế đã đạt đỉnh mới khi những nỗi sợ trên thị trường dồn dập cùng một lúc, dù rằng giá đã điều chỉnh giảm trước các thông tin tích cực về điều chế thành công vaccine Covid-19.

“Những điều này chỉ góp thêm bằng chứng cho thấy thực tế về một bức tranh kinh tế ảm đạm”, Phil Streible, chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures, cho biết trên Bloomberg. Đồng thời, ông cho rằng người dân đang đổ xô mua vàng vì tình trạng yếu kém của nền kinh tế có thể khiến lãi suất tiếp tục giảm. Ngoài ra, kim loại quý còn hưởng lợi từ các gói kích thích kinh tế lớn, do vàng được xem là công cụ phòng trừ rủi ro lạm phát.

Rủi ro hội tụ, đỉnh của vàng ở đâu? - Ảnh 2.

 

Năm 2008, cũng với những nỗi lo về lạm phát, giới đầu tư đã dồn dập mua vàng, đẩy giá lên mức cao kỉ lục vào năm 2011, để rồi những năm sau đó, giá vàng sụp đổ và quay về sát điểm xuất phát.

Vào thời điểm đó, nhà đầu tư huyền thoại John Paulson, người sáng lập Công ty Quản lí đầu tư Paulson & Co (Mỹ), dự báo lạm phát sẽ tăng khủng khiếp và đặt cược vào vàng như là “tài sản duy nhất có thể bảo tồn giá trị”.

Thực tế, giá vàng đã chạm mức cao kỉ lục 1.921,17 USD/ounce vào năm 2011, nhưng mức lạm phát cao không bao giờ thành hiện thực. Vì vậy, thị trường vàng rơi vào đà giảm giá trong nhiều năm sau đó.

Kịch bản đang được lặp lại, khi giá vàng rình rập đi lên trước nỗi lo lạm phát. Nhưng khác với năm 2008, dấu hiệu về lạm phát cao ngày càng rõ ràng chứ không chỉ là cảnh báo. Các chỉ báo thị trường đều chỉ ra rằng lạm phát ở Mỹ sẽ giảm trong trung hạn giữa lúc nền kinh tế thế giới đang rơi vào một trong những cơn suy thoái sâu nhất trong lịch sử.

Lạm phát đang được thúc đẩy khi các chính phủ ứng phó cú sốc Covid-19 bằng các gói kích thích kinh tế với quy mô lớn hơn nhiều, và họ sẵn sàng nâng cao các mức nợ công. 

“Chúng tôi dự báo các nhà hoạch định chính sách sẽ nhắm đến và ủng hộ mức lạm phát 5% vì khi kết hợp với mức lãi suất thấp, đây sẽ là cách duy nhất để ứng phó các mức nợ dâng cao”, David Einhorn, người sáng lập Quỹ phòng hộ Greenlight Capital (Mỹ), viết trong thư gửi cho các nhà đầu tư.

Rủi ro hội tụ, đỉnh của vàng ở đâu? - Ảnh 3.

Cho dù mức lạm phát cao không xuất hiện trong ngắn hạn, thì triển vọng lãi suất điều hành ở nhiều nước bị đưa về sát mức zero, hoặc thậm chí xuống vùng âm trong tương lai gần và điều này sẽ tăng sức hấp dẫn của vàng. Tháng 3, FED đã hạ lãi suất về biên độ 0-0,25%.

Tổng thống Donald Trump đang muốn FED hạ lãi suất về mức âm. Theo các nhà phân tích tại Commerzbank, trong tình hình hỗn loạn và hoang mang, không có gì ngạc nhiên khi các quỹ ETF vàng liên tục mua vào. Nếu giới đầu cơ cũng nhảy vào nữa, vàng có thể nhanh chóng lên 1.800 USD/ounce.

Biểu đồ dài hạn

Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch thậm chí còn dự báo giá vàng có thể chạm mốc 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2021. 

“Nhìn về biểu đồ dài hạn, tôi dự đoán trong năm nay, vàng cần phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.800 USD và có thể đẩy giá vàng lên mức đỉnh của năm 2011 là 1.923,7 USD. Năm 2020 là năm đặc biệt khi cung tiền tràn lan, suy thoái kinh tế đang diễn ra, giá vàng sẽ vượt 2.000 USD vào thời điểm bất ngờ, nhưng tôi kì vọng giá vàng sẽ ở mức 8.500-10.000 USD vào cuối thập niên này”, ông AG Thorson, chuyên gia phân tích của Kitco, dự báo.

Rủi ro hội tụ, đỉnh của vàng ở đâu? - Ảnh 4.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng Thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam, cho rằng dịch bệnh đang đẩy kinh tế thế giới vào một đợt suy thoái sâu khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi nhiều kênh đầu tư, nên vàng được hưởng lợi.

Giá vàng thế giới tăng nhanh khiến nhiều đơn vị kinh doanh vàng trong nước cũng đẩy giá bán vượt ngưỡng 49 triệu đồng/lượng vào ngày 18.5.2020.

Tại Việt Nam, thị trường vàng cũng trở thành kênh tài sản hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư, khi thị trường bất động sản đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức, thị trường chứng khoán trì trệ, còn tiền gửi ngân hàng dường như không còn mấy hấp dẫn khi lãi suất tiền gửi giảm sâu. 

Các chuyên gia phân tích cho rằng, nhà đầu tư có thể mua vàng tích trữ để chờ cơ hội tăng giá, kiếm lời. Nhưng nếu mua bằng vốn vay, hoặc “lướt sóng” ngắn hạn thì rủi ro cao. Do đó, đầu tư vàng cần có tầm nhìn dài hạn.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.