Rừng bị 'xẻ thịt' ở Đắk Lắk: Báo chí chỉ tận nơi, quản lí rừng mới thừa nhận có 'lâm tặc'

Báo chí khá dễ dàng phát hiện những khu rừng bị "lâm tặc" tàn phá, nhưng đơn vị quản lí lại có vẻ "khó khăn", thậm chí "không phát hiện được" khi "tự kiểm tra". Khi báo chí dẫn đi thực tế, chỉ tận nơi thì đơn vị quản lí mới thừa nhận rừng bị phá. 

Tự đi kiểm tra, quản lí rừng "không thấy" rừng bị phá

Ngày 17/7, trao đổi với chúng tôi về phương hướng xử lí sau khi báo chí phản ánh về nạn phá rừng, khai thác gỗ rừng trên địa bàn xã Cư Yang (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Ea Kar (huyện Ea Kar) cho biết, khu vực báo chí phản ánh thuộc tiểu khu 692 là khu vực rừng tự nhiên nằm ở thôn 13, xã Cư Yang.

“Nhưng khi phân trường công ty lâm nghiệp Ea Kar, phối hợp với Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã, lực lượng Công an xã Cư Yang đi kiểm tra thì không phát hiện được khu vực rừng nào bị tàn phá như phản ánh”, ông Mạnh nói.

rung bi xe thit o dak lak bao chi chi tan noi quan li rung moi thua nhan co lam tac
Rừng bị "tận diệt" một cách không thương tiếc. Ảnh: Trang Anh

Theo ông Mạnh, có thể tổ công tác đi kiểm tra nhưng không đúng khu vực báo chí phản ánh, chính vì thế đã không phát hiện được dấu vết “tận diệt” rừng của “lâm tặc”.

“Tiếng máy cưa mà báo chí nghe được khi đứng ở dưới chân rừng có thể là tiếng của người dân dọn dẹp để trồng rừng mới.

Tôi sẽ trực tiếp xuống tận nơi để kiểm tra, nếu phát hiện có khu vực rừng nào bị khai thác sẽ có hướng xử lí kỉ luật đối với các đồng chí nhận nhiệm vụ quản lí.

Sai ở đâu chúng tôi sẽ xử lí ở đó, chứ không đổ lỗi cho bất kì đơn vị nào. Nếu mức độ nghiêm trọng, đơn vị sẽ báo cáo lên cơ quan điều tra để xác minh, điều tra nhóm người khai thác gỗ rừng hoặc các cá nhân tiếp tay cho lâm tặc tàn phá rừng”, ông Mạnh khẳng định.

Cũng theo ông Mạnh, khu vực rừng do đơn vị quản lí có diện tích lớn, nhưng lại có ít cán bộ nhân viên nên việc quản lí, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

“Mỗi tiểu khu mà đơn vị quản lí, có chưa đến một đồng chí kiểm lâm kiểm tra, xử lí nếu có trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, hiện nay đơn vị không có các dụng cụ hỗ trợ nên rất nguy hiểm khi phát hiện và xử lí lâm tặc", ông Mạnh cho hay.

rung bi xe thit o dak lak bao chi chi tan noi quan li rung moi thua nhan co lam tac
Nhiều cây gỗ bị “xẻ thịt” , chỉ còn sót lại bìa và mùn cưa còn mới. Ảnh: Trang Anh.

Thừa nhận sai sót, điều tra dấu hiệu tiếp tay cho lâm tặc

Ngay trong chiều 17/7, ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Ea Kar đã trực tiếp đi thực tế cùng với báo chí để xác minh, ghi nhận tình trạng phá rừng trên địa bàn.

Sau khi leo lên những con dốc cheo leo, uốn lượn, đi qua những con đường mòn với chi chít vết hằn của bánh xe cày độ chế còn mới nguyên, vị giám đốc đã được chứng kiến cảnh tượng rừng bị “rỉ máu” như chúng tôi phản ánh.

Nhưng lúc này, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nhiều khúc gỗ to mà chúng tôi phát hiện ít ngày trước đã bị ai đó di chuyển khỏi rừng từ lúc nào. Dưới đất rừng chỉ còn sót lại những tàn tích mùn cưa và bìa gỗ nhỏ khoảng 30-40cm.

Khu vực giữa rừng đã bị phá để trồng bơ, điều. Những tàn tích còn sót lại cũng đủ cho vị giám đốc nhìn thấy được thực tế rằng rừng của đơn vị quản lí đang “rỉ máu” từng ngày.

“Qua kiểm tra, tôi xác nhận báo chí phản ánh là đúng sự thật. Nhưng tôi đặt nhiều khả nghi là người dân cắt gỗ về làm nhà chứ không phải lâm tặc cưa để buôn bán”, ông Mạnh nói.

rung bi xe thit o dak lak bao chi chi tan noi quan li rung moi thua nhan co lam tac
Ông Nguyễn Hồng Mạnh (áo trắng bên phải) cùng các đơn vị liên quan kiểm tra khu vực rừng bị phá mà báo chí phản ánh. Ảnh: Trang Anh

Ông Mạnh cũng xác nhận, có những dấu vết xe mới di chuyển ra khỏi khu vực rừng, mặc dù nơi đây đồi núi hiểm trở.

“Chúng tôi cảm ơn báo chí đã phát hiện và cho chúng tôi thấy được phần gai góc, tồn tại đáng buồn này. Sai phạm này là do anh em buông lỏng trong việc quản lí, bảo vệ rừng.

Về phía đơn vị sẽ thành lập đoàn kiểm tra lại tất cả các lô, khoảnh trên khu vực rừng mà đơn vị quản lí. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cho lực lượng chốt chặn các khu vực lâm tặc tuồn gỗ ra khỏi rừng, nếu phát hiện sẽ bắt giữ.

Chúng tôi sẽ cho điều tra xem anh em có ai tiếp tay cho lâm tặc hay không? Nếu phát hiện sẽ xử lí nghiêm”, ông Mạnh khẳng định.

Cũng trong ngày, Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar đã phối hợp cùng Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã đi thực tế tại cánh rừng mà báo chí phản ánh. Tại đây, tổ công tác cũng ghi nhận có 7 cây gồm gỗ tràm, dẻ và gỗ tạp bị đốn hạ.

rung bi xe thit o dak lak bao chi chi tan noi quan li rung moi thua nhan co lam tac
Cán bộ kĩ thuật kiểm tra tọa độ khu vực rừng bị phá để trồng bơ, điều. Ảnh: Trang Anh

Trước đó, vào ngày 14/7, chúng tôi đã có dịp mục sở thị khu vực rừng thuộc tiểu khu 692 (thôn 13, xã Cư Yang, huyện Ea Kar). Tại đây, sau khi leo lên những con dốc thẳng đứng, đi qua những con đường mòn ngoằn ngoèo, chúng tôi chứng kiến cảnh hoang tàn khi nhiều diện tích rừng bị tàn phá.

Nhiều cây gỗ to bằng hai người ôm với đường kính từ 50cm-1m bị lâm tặc đốn hạ nằm ngổn ngang.

Những bìa gỗ và mùn cưa bỏ đi được lâm tặc “gửi” lại rừng. Bên cạnh đó là những tàn tích của lán trại mà lâm tặc dựng lên trong những ngày khai thác gỗ trái phép.

Ngoài ra, ở các con đường mòn xuất hiện nhiều dấu vết bánh xe máy cày độ chế, dấu chân trâu kéo gỗ ra khỏi rừng.

Sau khi di chuyển hơn 10km đường rừng, lần theo các dấu vết của lâm tặc, chúng tôi không khỏi xót xa khi tận mắt chứng kiến rừng bị “tận diệt” một cách không thương tiếc. Đáng chú ý, khu rừng này cách trụ sở của các cơ quan chức năng không xa.

Chiều cùng ngày, chúng tôi đến Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã Cư Yang, Cư Bông và Cư Prông báo cáo về sự việc. Tuy nhiên, Trạm đã đóng cửa cài then khi mới hơn 15h chiều.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã thì nhiều lần khẳng định, trong thời gian gần đây trên địa bàn không có tình trạng khai thác gỗ. Đến khi chúng tôi đưa hình ảnh chứng minh rừng đang bị “xẻ thịt” thì vị Chủ tịch xã đã "giật mình".

rung bi xe thit o dak lak bao chi chi tan noi quan li rung moi thua nhan co lam tac Rừng bị 'xẻ thịt' ở Đắk Lắk: Tận mắt thấy lâm tặc tự do vận chuyển gỗ trên đường

Không khó để phát hiện những chiếc xe vận chuyển gỗ tự do đi lại trên khu vực xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tỉnh ...

rung bi xe thit o dak lak bao chi chi tan noi quan li rung moi thua nhan co lam tac Chùm ảnh: Cận cảnh những cánh rừng bị lâm tặc 'xẻ thịt' ở Đắk Lắk

Chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng loạt cây gỗ cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ ở xã Cư Yang, huyện Ea ...

rung bi xe thit o dak lak bao chi chi tan noi quan li rung moi thua nhan co lam tac Rừng bị 'xẻ thịt', tiếng cưa máy vang lên ngay gần Trạm Kiểm lâm

Đứng ở chân rừng cũng có thể nghe thấy tiếng cưa máy "gầm rú" vang trời, gần ngay đó là Trạm Kiểm lâm liên xã.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.