Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông sẽ họp để kiểm điểm những cá nhân để xảy ra việc mất 175 ha rừng diễn tập phòng thủ tại huyện Đắk G’long. Trong khi đó, UBND tỉnh có quyết định thu hồi diện tích đất rừng trên để giao về UBND huyện Đắk G’long quản lý.
Năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định tạm giao 175 ha (các tiểu khu 1685, 1686, 1697 thuộc 2 xã Đắk Ha và Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông quản lý, phục vụ diễn tập phòng thủ.
Trong đó, đất có rừng tự nhiên nghèo khoảng 135,8 ha; đất có rừng trồng (thông) khoảng 9 ha; đất trống khoảng 2,2 ha; đất rừng khoảng 16 ha, thời gian tạm giao đến hết ngày 30/11/2008.
Quyết định này xuất phát từ đề nghị của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh xin giao đất, rừng tại xã Đắk Ha để phục vụ diễn tập lâu dài và nhận quản lý, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Đến năm 2012, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tạm bàn giao cho Ban chỉ huy quân sự huyện Đắk Glong quản lý 175 ha nói trên.
Nhiều diện tích rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 1685 chỉ còn trơ lại nhiều gốc cây, thay vào đó là rẫy khoai lang của người dân. Ảnh: Minh Quý. |
Tuy nhiên, đến năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông kiểm tra thì phát hiện toàn bộ 175 ha đất, rừng giao trước đó đã bị khai thác, lấn chiếm.
Theo Sở NN&PTNN từ năm 2008 - 2012 rừng bị mất hơn 45,6 ha; từ 2012 - 2015, rừng bị mất hơn 90,1 ha.
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản gửi Bộ chỉ huy quân sự tỉnh yêu cầu kiểm điểm những cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý dẫn đến mất số đất rừng trên.
Trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết thời hạn kiểm điểm những cá nhân liên quan đến việc để mất rừng phải hoàn thành trong tháng 10.
Theo ông Lộc, sau khi Bộ chỉ huy quân sự có báo cáo thì UBND tỉnh sẽ xem xét xử lý những cá nhân liên quan.
“Khu vực này trước đây tạm giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm nơi diễn tập phòng thủ. Tuy nhiên, sau khi diễn tập xong đơn vị này không làm thủ tục bàn giao lại cho chủ cũ. Từ đó, các đơn vị bỏ ngõ không quản lý dẫn đến việc mất rừng kéo dài”, ông Lộc nói thêm.
Trong khi đó, một lãnh đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo cụ thể việc để mất 175 ha rừng diễn tập phòng thủ. “Đến ngày 25/10, đơn vị sẽ mời các sở ban ngành và tiến hành họp kiểm điểm những cá nhân liên quan, rồi làm báo cáo gửi UBND tỉnh”, vị này nói.
Ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Đức, cho biết khu vực diễn tập phòng thủ có một phần nằm tại khoảnh 2, 5, 7 thuộc tiểu khu 1685 của địa phương.
Theo ông Hiếu hiện khu vực trên đã không còn rừng mà thay vào đó người dân lấn chiếm để trồng khoai lang, tiêu hoặc bỏ trống.
“Qua kiểm tra, UBND xã đã lập biên bản một trường hợp chiếm đất rừng để trồng khoai lang. Địa phương đã chuyển hồ sơ lên UBND huyện để xử lý theo thẩm quyền. Hiện xã đang tiếp tục thống kê những trường hợp lấn chiếm đất trong khu vực phòng thủ để canh tác”, ông Hiếu nói.
Một người dân trồng khoai lang tại khoảnh 7, tiểu khu 1685 (xã Quảng Sơn) cho biết thời điểm mới trồng cây thì chính quyền địa phương xuống lập biên bản yêu cầu ngưng.
Nhiều người dân tại xã Đắk Ha lấn chiếm đất để trồng chanh dây, xây dựng nhà cấp bốn. Ảnh: Minh Quý. |
“Gia đình tôi trồng khoảng gần 1 ha keo. Tuy nhiên, trong lúc chờ keo lớn, gia đình trồng thêm khoai lang Nhật Bản để có thêm thu nhập”, người này nói.
Còn tại xã Đắk Ha, khu vực rừng phòng thủ bị người dân lấn chiếm để trồng chanh dây, tiêu. Thậm chí một số hộ dân còn xây dựng nhà cấp 4 kiên cố trên đất để tiện canh tác.
Theo ông Ngô Xuân Lộc, liên quan đến việc để mất rừng, chính quyền địa phương cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì buông lỏng quản lý.
“Hiện khu vực này đã bị người dân lấn chiếm để trồng khoai lang, chanh dây, tiêu. Sắp tới sau khi kiểm điểm, UBND tỉnh sẽ cho rà soát lại nguồn gốc đất tại khu vực trên để thu hồi”, vị chánh văn phòng nói thêm.
Gia Lai: Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm nếu để mất rừng
Chính quyền địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng... thì chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm ... |