Ăn trầu có thể gây ung thư miệng? | |
Tập yoga thường xuyên giúp bệnh nhân ung thư khỏe mạnh và yêu đời hơn |
Ung thư gan vì sử dụng đũa mốc
Theo PGS. TS Trịnh Lê Hùng, hiện đang công tác tại Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Đũa thường được làm từ tre, gỗ và thường xuyên ở trong môi trường ẩm ướt, tích nước cao. Đây là môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các vi khuẩn có hại cho sức khỏe, đặc biệt là cầu tụ vàng và E.coli.
Nếu không được bảo quản tốt, sau một thời gian sử dụng, đũa rất dễ bị mốc, gây ngộ độc mãn tính. Bởi trong hầu hết những chiếc đũa được sử dụng lâu năm đều có chứa chất aflatoxin. Đây là loại chất có khả năng gây ung thư gan rất cao, đồng thời còn mang lại nhiều căn bệnh nguy hiểm khác, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.
(Ảnh: bachhoaxanh.com) |
Cùng nói về những nguy hại từ việc sử dụng đũa không đảm bảo an toàn, Bác sĩ Nguyễn Thanh Danh, hiện đang làm việc tại Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM nhận định: Các loại đũa gỗ thường có chất lượng kém, không được trơn láng nên rất dễ bám tụ thức ăn, nếu rửa không sạch thì nấm mốc và vi khuẩn dễ hình thành. Khi con người sử dụng sẽ có nguy cơ bị một số bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, ói mửa, nặng hơn thì có thể là trụy tim mạch, tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, độc tố vi nấm aflatoxin là một chất gây ung thư với độc tính mạnh gấp 68 lần thạch tín, gấp 10 lần so với kali xyanua. Và đây là loại chất mang tính phá hoại cực mạnh đối với các tổ chức tế bào gan. Chỉ cần hấp thu quá 1mg aflatoxin thì nguy cơ mắc ung thư gan ở bạn sẽ cao hơn người bình thường rất nhiều lần. Một người bình thường có cân nặng khoảng 70kg, nếu tích tụ quá 20mg aflatoxin trong cơ thể thì nguy cơ tử vong là rất cao. |
MỘT SỐ LOẠI ĐŨA PHỔ BIẾN VÀ NGUY CƠ GÂY BỆNH
1. Đũa gỗ sơn màu giá rẻ
(Ảnh: blog.daum.net) |
Các chuyên gia cho biết, lớp sơn phủ bóng bên ngoài của loại đũa này nếu gặp nhiệt độ cao thì rất dễ bị tan chảy và hòa vào thức ăn. Khi đi vào cơ thể, chúng sẽ gây hại cho các cơ quan nội tạng, trước tiên là hệ tiêu hóa. Do đó, bạn không nên chọn loại đũa sơn màu này để sử dụng, nếu có thì không nên dùng chúng trong khâu chế biến và nấu nướng. Đặc biệt, khi có dấu hiệu bong tróc lớp sơn ở bên ngoài đũa thì bạn cần vứt bỏ ngay để tránh gây hại cho sức khỏe.
2. Đũa inox chất lượng kém
Đũa inox chất lượng thật thì sẽ không gây nguy hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại đũa inox kém chất lượng. Chỉ sau một thời gian ngắn, lớp mạ inox này sẽ bị bong tróc và có thể bị trộn lẫn vào thức ăn. Lâu ngày, kim loại nặng sẽ tích tụ trong cơ thể và dẫn tới các bệnh về gan rất nguy hiểm.
(Ảnh: bichha.vn) |
3. Đũa tre dễ nấm mốc
Khi sử dụng đũa tre, bạn cần lưu ý là không nên tiếp tục dùng nếu như đũa đã bắt đầu có những dấu hiệu nấm mốc. Đũa tre dễ gây các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, ói mửa, đặc biệt là bệnh ung thư gan. Với riêng đũa tre sử dụng một lần thì bạn càng không nên dùng, bởi phần lớn chúng đều được ngâm qua các chất tẩy rửa cũng như được tái chế sử dụng.
4. Đũa nhựa chịu nhiệt kém
(Ảnh: news.zing.vn) |
Do được làm từ nguyên liệu nhựa nên loại đũa này có khả năng chịu nhiệt rất kém. Bạn không nên dùng khi xào, nấu thức ăn. Vì khi gặp nhiệt độ cao, nhựa sẽ bị tan chảy và ngấm vào thức ăn, lâu ngày sẽ gây hại cho cơ thể. Khi thấy đũa nhựa đã bắt đầu biến dạng, sần sùi, bong tróc thì bạn nên thay mới để không làm hại sức khỏe của bản thân và gia đình.
Những điều bạn cần lưu ý khi sử dụng đũa Theo Tiến sĩ Trần Mạnh Thắng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phần lớn các loại đũa trên thị trường đều có lớp sơn phủ bên ngoài, trừ loại đũa gỗ. Do vậy, để an toàn khi sử dụng thì ngay khi mua về bạn cần phải rửa sạch rồi phơi khô. Với loại đũa tre thì cần phải luộc lại, phơi dưới ánh nắng mặt trời, bởi trong quá trình chế tạo, đũa rất dễ nhiễm khuẩn. Khi phơi khô thì các vi khuẩn tồn tại trong đũa sẽ bị tiêu diệt. Trong quá trình sử dụng, bạn nên rửa đũa nhẹ tay, tránh làm bong tróc các lớp sơn bên ngoài. Bạn chỉ nên xào, nấu thức ăn bằng đũa tre để hạn chế tối đa nguy cơ bị nhiễm kim loại, sơn màu, nhựa… Đặc biệt, ngay khi đũa có dấu hiệu mốc, có mùi lạ, bị bong tróc lớp sơn bên ngoài thì cần phải bỏ ngay, thay đũa mới để sử dụng. Nên rửa sạch, phơi khô rồi mới để đũa lên chạn bát. Các chuyên gia về sức khỏe cho biết, cho dù không có dấu hiệu hư hỏng thì cứ 4 – 6 tháng bạn cũng cần thay đũa mới một lần. |