Trước thông tin tại một số dự án nhà ở xã hội đang triển khai, nhiều đối tượng trung gian, cò mồi lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để bán kiếm tiền chênh lệch, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ sẽ cương quyết thu hồi nhà ở xã hội nếu phát hiện bán không đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách. Báo Chính phủ đưa tin.
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, ở một số dự án, một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk… như phản ánh của báo chí có hiện tượng trung gian, cò mồi lợi dụng sự khan hiếm nhà ở xã hội để mua bán nhằm trục lợi.
Bộ Xây dựng xác định những hành vi này không đúng quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là các chính sách về nhà ở xã hội. Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương, nơi xảy ra hiện tượng như vậy thực hiện thanh tra, kiểm tra, làm rõ sự việc.
Khi phát hiện có trường hợp mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng thì cương quyết phải thu hồi nhà ở. Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo, quan tâm việc đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho những người thu nhập thấp.
Bên cạnh việc ban hành những chính sách ưu đãi, Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành những quy định xác định rõ đối tượng được thụ hưởng, các điều kiện, tiêu chí công khai minh bạch. Việc này để tránh tình trạng trục lợi chính sách nhà ở xã hội.
Cũng tại Kỳ họp thứ 5, trước đó Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) quan tâm đến việc việc giám sát về nhà ở xã hội vì đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, song quá trình thực hiện còn khó khăn; chỗ ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thụ hưởng thực tế còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu và nhu cầu.
Theo đại biểu Hoàn, chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trước năm 1992, Nhà nước ta thực hiện chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị nhà nước. Đến năm 1991, với sự ra đời của Pháp lệnh về nhà ở thì chính sách bao cấp về nhà ở đã được xóa bỏ.
Tuy nhiên, khái niệm nhà ở xã hội mới xuất hiện chính thức lần đầu tiên trong Luật Nhà ở năm 2005 với ý nghĩa phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.
Luật Nhà ở năm 2014 tiếp tục kế thừa chính sách về nhà ở xã hội, theo đó Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, các cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn nhiều khó khăn, chỗ ở cho người dân - đặc biệt là đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, trên thực tế vẫn còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu và mục tiêu đề ra.
Đại biểu nêu thực tế còn xảy ra tình trạng nhà ở xã hội có địa điểm thì không có người tham gia; trong khi đó có nơi thì số lượng người tham gia lại quá đông; cách xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội cũng còn dư luận nhiều chiều.
Theo đại biểu, để đạt mục tiêu thì phải định hình rõ hệ thống chính sách, hỗ trợ đến đúng đối tượng, hạn chế tối đa trục lợi từ chính sách.
“Nội dung giám sát tập trung trả lời các vấn đề: Ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội? Tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội? Nhà ở xã hội được trợ cấp, hỗ trợ như thế nào? Thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao? Mục tiêu, ý nghĩa của chính sách nhà ở xã hội thông qua kết quả đạt được như thế nào?", đại biểu Lê Thanh Hoàn nói.
Cùng với đó cần làm rõ 3 nội dung về nhà ở xã hội, đó là: Môi trường cơ sở vật chất của các khu nhà ở xã hội, gồm các đặc điểm và điều kiện sử dụng bên trong và bên ngoài của khu nhà, cây xanh, mức độ ô nhiễm và tiêu chuẩn bảo trì.
Tiếp đến, là môi trường xã hội - bao gồm an toàn, trật tự xã hội, trình độ, ý thức và lối sống của những người tại khu vực có nhà ở xã hội. Cùng với đó, là địa điểm và cơ sở vật chất công cộng – chợ, nhà hàng, khu vực thể thao, sân chơi, địa điểm văn hóa.
Cuối cùng là địa điểm và kết nối giao thông – với ý nghĩa là khả năng liên kết, tiếp cận khu nhà ở xã hội hoặc từ nhà xã hội đến nơi làm việc của người dân, cũng như đến các địa điểm khác trong địa phương.