Theo đó, tiến sĩ Trần Đắc Phu cho biết, số ca bệnh thủy đậu hàng năm ở nước ta luôn ở mức rất cao và phân bố đều ở khắp các tỉnh thành. Tính riêng trong năm 2017, cả nước ghi nhận gần 40.000 ca bệnh, tăng gần 50% so với năm 2016. Số bệnh nhân bắt đầu có xu hướng tăng từ tháng 1 và đạt đỉnh vào tháng 3 với 8.000 ca, các tháng còn lại trên dưới 3.000 người bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. (Ảnh: NetNews) |
Tại TP. HCM, số bệnh nhân thủy đậu cũng tăng tới 46% so với năm trước. Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP. HCM cho rằng, cần tuyên truyền phù hợp để bố mẹ đưa con đi tiêm phòng thủy đậu ngoài 10 loại vắc xin bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đồng quan điểm với tiến sĩ Lân, PGS.TS Phu đưa ra lời khuyên: “Bệnh thủy đậu có các biểu hiện phần lớn là nhẹ nên vắc xin chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, mới có vắc xin dịch vụ, độ phủ vắc xin không cao nên miễn dịch cộng đồng không nhiều, số người mắc bệnh rất lớn với gần 40.000 ca mắc. Bệnh có tốc độ lây lan cao, nên khuyến cáo người dân đi tiêm phòng bệnh tại các điểm tiêm có vắc xin này”.
(Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Cục trưởng cụ y tế dự phòng khuyến cáo, người lớn và trẻ em nếu chưa mắc bệnh thì nên tiêm phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Nhất là với những người đã từng tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu, nếu tiêm phòng thì vẫn có thể tránh được nguy cơ bị thủy đậu.
Thông tin từ các bệnh viện, trung tâm y tế cho thấy, phần lớn số bệnh nhân mắc thủy đậu đều là những người chưa được tiêm vắc xin phòng ngừa. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp đã tiêm vắc xin rồi nhưng vẫn mắc bệnh. Bởi vì, trên thực tế, khả năng phòng ngừa tuyệt đối của vắc xin phòng ngừa thủy đậu là từ 80 – 90%.
(Ảnh: Báo Mới) |
Con số 10% còn lại có thể là bị thủy đậu sau khi tiêm chủng. Nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, xuất hiện rất ít nốt bỏng rạ và thường không có biến chứng gì xảy ra. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người cần tiêm đủ 2 liều vắc xin thủy đậu, vắc xin có thể tiêm cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn (chưa mắc bệnh thủy đậu).
Những phụ nữ muốn có con thì nên tiêm trước khi có ý định mang thai khoảng 1 tháng. Vì mẹ đã tiêm ngừa thì con sinh ra cũng được phòng bệnh cho đến khi tròn 9 tháng tuổi. Những người từng mắc bệnh thì có thể an tâm mình được miễn dịch hoàn toàn, bởi một người chỉ mắc thủy đậu một lần trong đời.
(Ảnh: Chuatriviemgan.com) |
Một nghiên cứu năm 2012 của Trung tâm Tư vấn Tiêm chủng New Zealand cho thấy, khoảng 70-90% trẻ có thể miễn dịch với bệnh thủy đậu sau mũi tiêm thứ nhất và tăng lên 97-99% sau mũi thứ 2. Với thanh thiếu niên, sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm thì khoảng 91% người trưởng thành sẽ tránh được bệnh thủy đậu ở mức độ trung bình và nặng. |
PGS.TS Trần Như Dương, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, bệnh thủy đậu xảy ra nhiều nhất vào mùa đông xuân, từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở những trẻ từ 5 - 9 tuổi.
Ông Dương cảnh báo, thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, phần lớn bệnh ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời thì bệnh dễ diễn tiến nặng, khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, biến chứng vào phổi, não... thậm chí có thể gây tử vong.
Theo báo cáo của Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh, khoảng 5-14% người lớn bị thủy đậu gặp vấn đề về phổi, viêm phổi. Tỷ lệ tử vong do bị viêm não biến chứng chiếm từ 5-20%, nếu được cứu sống thì khả năng nằm liệt giường, bại não cũng là điều không tránh khỏi.
(Ảnh: Báo Quân đội nhân dân) |
Nguy cơ biến chứng và tử vong của bệnh thủy đậu sẽ tăng theo độ tuổi. Thống kê của Bộ Y tế New Zealand cho thấy, tỷ lệ tử vong ở trẻ em khỏe mạnh là 2/100.000 trường hợp, nhưng ở người lớn thì cao gấp 15 lần. Mức độ biến chứng ở người lớn cũng sẽ nặng hơn trẻ em. Và phần lớn những bệnh nhân gặp biến chứng đều là người chưa tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh.
Cụ bà 97 tuổi hai lần mắc bệnh thủy đậu | |
Tại sao trước khi mang thai phụ nữ nên tiêm chủng ngừa thuỷ đậu? | |
Những điều cần biết trước khi bệnh thủy đậu vào mùa |