Sở Xây dựng TP HCM tiếp nhận ngày càng nhiều kiến nghị về nhà chung cư

Tăng cường quản lý trật tự xây dựng, xử lý nghiêm công trình vi phạm và rà soát, giải quyết những tranh chấp về căn hộ chung cư là nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng TP HCM trong thời gian tới.

Một góc chung cư cũ tại quận 4, TP HCM. (Ảnh: TTXVN).

Tăng cường quản lý trật tự xây dựng, xử lý nghiêm công trình vi phạm và rà soát, giải quyết những trường hợp tranh chấp liên quan đến căn hộ chung cư là nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã cấp 12.843 giấy phép xây dựng (so với cùng kỳ năm 2021 giảm 1.527 giấy, tương đương 9,93%) với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 3,2 triệu m2; trong đó, Sở Xây dựng cấp 28 giấy phép với tổng diện tích sàn 548.548 m2.

Thanh tra sở đã phối hợp với UBND cấp xã, huyện, Ban quản lý các khu đô thị mới, khu chế xuất - khu công nghiệp tăng cường kiểm tra 26.457 lượt, giảm 13.126 lượt so với cùng kỳ năm 2021. Qua kiểm tra, phát hiện tổng số 189 công trình vi phạm trật tự xây dựng, giảm 123 trường hợp, tương đương tỷ lệ 39,4%.

Trong 5 tháng qua, cơ quan chức năng đã thẩm định phương án phá dỡ 23 công trình và có ý kiến về việc thẩm định phương án cưỡng chế phá dỡ 15 công trình, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng. Sở cũng đang xây dựng Quy trình nội bộ về thẩm định, phê duyệt phương án phá dỡ công trình.

Về quản lý nhà chung cư trên địa bàn, theo Sở Xây dựng, thành phố hiện có 1.518 chung cư với 2.445 lô, bao gồm 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Những quận có nhiều chung cư như quận 5 (245 chung cư), quận 1 (230 chung cư), quận Bình Thạnh (156 chung cư), quận 7 (103 chung cư), quận Tân Bình (67 chung cư), quận Tân Phú (76 chung cư) và TP Thủ Đức (154 chung cư)… Riêng huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi không có chung cư.

Thời gian qua, Sở Xây dựng tiếp nhận ngày càng nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị và tranh chấp liên quan đến nhà chung cư. Qua rà soát, các nội dung phản ánh, kiến nghị và tranh chấp chủ yếu liên quan đến quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ... tại nhà chung cư.

Một số chung cư có nội dung phản ánh phức tạp, kéo dài, liên quan đến trách nhiệm của nhiều đơn vị quản lý hành chính các cấp như cấp giấy chứng nhận, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy, quỹ bảo trì, theo dõi, giám sát đối tượng có liên quan trong việc thực hiện quy định pháp luật về nhà chung cư tại địa phương.

Sở Xây dựng nhận định, những tranh chấp về nhà chung cư xảy ra ngày càng tăng, gây bất ổn xã hội, cần phải có giải pháp để giải quyết triệt để. Vừa qua, Sở đã đề xuất với UBND thành phố tăng cường vị trí, vai trò và chức năng quản lý nhà chung cư tại địa phương; đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp của các sở, ngành, quận huyện để cùng giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tránh tình trạng phản ánh khiếu nại kéo dài, vượt cấp.

Từ nay đến cuối năm Sở tiếp tục tăng cường quản lý trật tự xây dựng, thực hiện kế hoạch liên tịch giữa Sở Xây dựng với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về nội dung này; tăng cường kiểm tra chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, quản lý, phát triển nhà và quản lý, vận hành nhà chung cư.

chọn
Vì sao BĐS công nghiệp miền Bắc đang phát triển hơn phía Nam?
Hiện nay, miền Bắc đang dẫn đầu trong việc thu hút vốn FDI và các ngành sản xuất giá trị cao. Theo chuyên gia, nguyên nhân chính nhằm ở lợi thế về hạ tầng so với khu vực phía nam.