Một đoạn bờ sông Sài Gòn. (Ảnh: T.T.D)
Nay do sự phát triển thành phố và nhu cầu cải tạo môi trường nên nhiều cơ sở công nghiệp đã di dời, không gian đôi bờ sông trở thành "mảnh đất vàng" đối với các nhà đầu tư. Việc xây dựng những chung cư cao cấp, khách sạn và trung tâm thương mại cao cấp là không thể thiếu đối với một thành phố hiện đại.
Tuy nhiên, hai bên bờ sông cần được dành một diện tích thích đáng cho không gian công cộng, đồng thời quy hoạch các công trình lớn có khoảng lùi thích hợp với bờ sông sẽ làm tăng giá trị khu vực gần cũng như xa hơn bờ sông.
Quan trọng hơn, không gian dành cho cộng đồng tạo ra sự thân thiện của một thành phố hiện đại với chính dân cư của nó, chứ không chỉ là vẻ đẹp dành cho du khách hay tiện nghi cho một bộ phận dân cư khá giả.
Điều này ở TP HCM không khó để thực hiện, vì phần lớn đất đai bên bờ sông Sài Gòn thuộc quyền quản lí của Nhà nước. Quy hoạch với mục đích nào, tỉ lệ bao nhiêu... hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn và ý chí của chính quyền đô thị.
Vấn đề còn lại là việc xác định đô thị, gồm không gian cảnh quan, di sản văn hóa, môi trường tự nhiên... là của cộng đồng dân cư - có quyền lợi và trách nhiệm với nguồn vốn xã hội này cho phát triển bền vững; hay chỉ là nguồn lợi trước mắt của các nhà đầu tư địa ốc và một bộ phận rất nhỏ trong cộng đồng.
Những con sông chảy qua thành phố được coi là một lợi thế về cảnh quan tự nhiên, bên cạnh lợi thế về giao thông và môi trường. Sông qua thành phố tạo nên diện mạo của thành phố.
Nhiều đô thị hình thành bên bờ sông quan trọng của một vùng, con sông như đường giao thông kết nối đô thị với những vùng xung quanh và là "điểm nhấn" trong quy hoạch đô thị vì nơi đó là không gian công cộng: công viên, khu dịch vụ vui chơi giải trí, không gian nghệ thuật đương đại (trưng bày các tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt), không gian lễ hội...
Công trình được ưu tiên xây dựng là những cây cầu như những "chứng nhân" lịch sử thành phố: quá trình mở rộng, nhu cầu giao thông của dân cư, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật và kiến trúc... Những cây cầu có khi còn trở thành biểu tượng của thành phố, chúng đẹp hơn là nhờ khoảng không gian thoáng đãng hai bên bờ. Điều này Đà Nẵng đã làm rất tốt với sông Hàn, trong khi đó đã nhiều năm qua TP HCM không có cầu mới bắc qua sông Sài Gòn.
Quy hoạch bờ sông tốt sẽ góp phần nâng cao giá trị của cảnh quan nhân văn từ cảnh quan tự nhiên. Làm đẹp hơn cho cảnh quan này và tạo điều kiện cho mọi người được hưởng thụ giá trị văn hóa ở đôi bờ sông là trách nhiệm của chính quyền.
Lịch sử phát triển của Sài Gòn - TP HCM đã gắn liền với sông Sài Gòn và đây là một ưu thế trời phú, không phải thành phố nào cũng có được. Vấn đề là theo thời gian, chính quyền có biết cách tận dụng ưu thế đó hay không, hành động như thế nào thuộc về chính quyền và nhà quản lí rồi đây sẽ lưu dấu cho thế hệ mai sau.
Kinh doanh 14:49 | 23/10/2019
Tiêu dùng 14:14 | 23/10/2019
Kinh doanh 21:28 | 22/10/2019
Tiêu dùng 14:30 | 22/10/2019
Đô thị 13:41 | 20/10/2019
Du lịch 12:24 | 20/10/2019
Đô thị 10:01 | 20/10/2019
Tiêu dùng 08:05 | 20/10/2019