Sự thật về những chiếc điện thoại ‘hồn Trung Quốc mác Samsung’

Theo tờ Korea IT News, hãng điện tử Hàn Quốc – Samsung đã thay đổi chiến thuật bằng cách mướn các công ty ODM của Trung Quốc sản xuất smartphone từ A-Z, thay vì tự làm.

13% smartphone Samsung do các công ty Trung Quốc toàn quyền sản xuất

Samsung Electronics đang bắt đầu nghiêng nhiều hơn vào phương án sử dụng các công ty ODM (nhà sản xuất thiết kế ban đầu) hơn là tự sản xuất như trước kia.

Chiến lược này giúp Samsung cải thiện chi phí sản xuất, bằng cách để các nhà sản xuất Trung Quốc chịu trách nhiệm lên ý tưởng, thiết kế, phát triển, sản xuất các mẫu điện thoại thông minh, trong khi Samsung sẽ chỉ đứng ra để phân phối sản phẩm.

article_30095915566623

13% smartphone Samsung do các công ty Trung Quốc toàn quyền sản xuất. (Nguồn: Korea IT News).

Dự kiến, sẽ có tới 40/300 triệu chiếc điện thoại thông minh của Samsung trong năm nay sẽ được sản xuất theo chiến lược mới này. Tức khoảng 13% số điện thoại thông minh được bán ra dưới tên gọi Samsung nhưng phần "hồn" lại là của các ODM Trung Quốc.

Chiến lược này cho thấy những nỗ lực tuyệt vọng của Samsung để bảo đảm lợi thế cạnh tranh trước bối cảnh thị trường điện thoại thông minh ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Một số người lo ngại rằng chiến lược đó có thể có tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất phụ tùng điện thoại thông minh của Hàn Quốc.

Một số khác lại có cái nhìn tích cực hơn, khi cho rằng đây là cơ hội để các nhà sản xuất linh kiện điện thoại thông minh giảm sự phụ thuộc của mình vào Samsung và đa dạng hóa đối tác bằng các công ty ODM Trung Quốc.

Tại sao Samsung lại lựa chọn phương án ODM?

Trong thời gian qua, Samsung đang bắt đầu thuê nhiều hơn các công ty ODM để sản xuất dòng điện thoại giá rẻ và tầm trung.

Chiếc smarrtphone Samsung Galaxy A6s, được phát hành tại Trung Quốc vào năm ngoái, là sản phẩm đầu tiên được sản xuất bởi một công ty ODM của Trung Quốc, có tên là Wingtech. 

Mẫu smartphone khác mang thương hiệu Samsung là Galaxy A60 được phát hành trong năm nay cũng được sản xuất bởi một công ty ODM.

Được biết, công ty Huaqin từ Trung Quốc cũng đã trở thành một đối tác ODM của Samsung trong năm nay. 

70e12144cce22f33dbb53d08ef87b16e

Các mẫu điện thoại hồn Trung Quốc mác Samsung xuất hiện ngày càng nhiều. (Ảnh: Pinterest).

Ngành công nghiệp điện thoại thông minh ước tính rằng hai công ty ODM này sẽ sản xuất từ 30 triệu đến 40 triệu smartphone hàng năm cho Samsung.

Theo IHS Market, dự kiến tỉ lệ điện thoại thông minh mang thương hiệu Samsung được sản xuất bởi các công ty ODM sẽ tăng từ 3% trong năm 2018 lên 8% vào năm 2019.

Không giống như phương pháp OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) trong đó các công ty OEM chỉ đơn thuần là sản xuất theo thiết kế của hãng điện thoại, phương pháp ODM có nghĩa là Samsung ủy thác cho một nhà thầu phụ toàn quyền quyết định từ thiết kế đến sản xuất, Samsung chỉ việc gắn thương hiệu của mình vào đó mà thôi.

Thông qua phương pháp ODM, Samsung có thể giảm chi phí phát triển và chi phí nhân sự.

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc tin rằng phương pháp ODM hiệu quả hơn so với việc tự sản xuất điện thoại thông minh, giúp hãng không bị tụt lại phía sau trong cuộc đua về giá, có thể cạnh tranh được với các hãng điện thoại Trung Quốc như Huawei, Xiaomi và OPPO.

"Chúng tôi đã quyết định thuê các công ty ODM để sản xuất các dòng điện thoại được phát hành ở một số quốc gia nhất định, nhằm chủ động đáp ứng các yêu cầu từ khách hàng và thị trường", đại diện Samsung cho biết.

Ngành công nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc lo ngại về việc mất lợi thế cạnh tranh

article_23094510367407

Ngành công nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc lo ngại về việc mất lợi thế cạnh tranh. (Ảnh: ET News).

Mặc dù ODM có thể có lợi cho Samsung Electronics trong việc giảm chi phí sản xuất, nhưng nó có thể tác động tiêu cực đến hệ sinh thái đối với ngành công nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc, khi các mẫu điện thoại được sản xuất phần lớn ở Trung Quốc.

Trong lịch sử, khi LG quyết định chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại của mình ở Pyeongtaek, Hàn Quốc sang Việt Nam, đã dẫn đến hậu quả là các đối tác cung ứng linh kiện cho hãng ở Hàn Quốc phải đóng cửa, các dây chuyền sản xuất liên quan theo đó mà ngừng hoạt động.

Do đó Samsung là hi vọng cuối cùng cho ngành công nghiệp phụ tùng điện thoại thông minh của Hàn Quốc. Đây là lí do vì sao sự thay đổi của Samsung gần đây được coi là thông tin nhạy cảm.

Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc đang thâm nhập vào mạng lưới cung cấp linh kiện cho Samsung.

Cụ thể, O-Film cung cấp bảng điều khiển màn hình cảm ứng, mô-đun máy ảnh và mô-đun nhận dạng vân tay cho Samsung, trong khi Sunny gần đây đã trở thành nhà cung cấp mô-đun máy ảnh sau cho dòng Galaxy. 

Sunway cũng trở thành một nhà cung cấp linh kiện cho đế sạc không dây của Samsung. 

Để đảm bảo sản xuất, ngành công nghiệp phụ tùng điện thoại ở Hàn Quốc đã bắt đầu phải đa dạng hóa khách hàng, bằng cách thu hút các công ty ODM Trung Quốc.

Những thống kê thú vị:

Theo thống kê, chỉ 76% điện thoại thông minh bán ra trên toàn thế giới được thiết kế bởi chính công ty đó, 24% còn lại được đối tác bên thứ 3 thiết kế với tên gọi ODM/ IDH.

Con số 76% này ngày càng giảm dần, cho thấy áp lực chi phí và thời gian ngày càng quan trọng trong ngành công nghiệp điện thoại vốn rất khắc nghiệt này. Lộ trình phát triển sản phẩm vốn kéo dài 1 năm thì nay bị rút gọn xuống còn 9 tháng, thậm chí thấp hơn nữa để tăng tính cạnh tranh.

Không chỉ có vậy, hầu hết các công ty điện thoại trên thế giới không sở hữu nhà máy cho riêng mình, chỉ 32% tổng số điện thoại bán ra được xuất xưởng từ nhà máy chính hãng, số còn lại đến từ nhà máy của các ODM, các EMS.

Tag: