Thị trường bất động sản 2020 sau một năm 2019 đầy khó khăn có thể có nhiều hi vọng hơn. Tuy nhiên, để phát triển được, đòi hỏi Chính phủ phải cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch hơn.
Quan điểm này được Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) - ông Lê Hoàng Châu và TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhìn nhận tại một sự kiện vừa diễn ra tại TP HCM.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu dẫn số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết năm 2019, cả nước có hơn 83.000 đăng kí thành lập mới, giảm 26% so với năm ngoái. Ông Châu đánh giá thị trường bất động sản hiện nay, nhất là tại TP HCM, còn có nhiều điểm nghẽn.
Ông dẫn chứng, năm 2019, TP HCM có 126 dự án có quỹ đất hỗn hợp, 158 dự án liên quan đến đất công nằm trong diện rà soát, thậm chí có dự án nằm trong diện điều tra, khởi tố.
Song song đó, cả năm 2019, chỉ có một dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 12 dự án so với năm 2018. Trong khi năm 2018, số lượng dự án được chấp thuận đầu tư vốn đã giảm so với các năm trước.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng những con số này cho thấy quy mô thị trường bất động sản đã sụt giảm, dấu hiệu sụt giảm rõ nhất trong 2 năm trở lại đây do "độ trễ" và sẽ còn tác động đến những năm tiếp theo.
"Tại sao 63 tỉnh thành mà lại nghẽn tại TP HCM. Từ góc độ của một hiệp hội, chúng tôi luôn kiến nghị để Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch. Bản chất thị trường bất động sản không xấu, nhưng gặp nhiều vấn đề về pháp luật, thực thi pháp luật, và con người thực thi pháp luật", ông Châu nói.
"Tại sao có những doanh nghiệp lớn vẫn tăng trưởng được, nhưng có những doanh nghiệp không thể tháo gỡ được khó khăn, nên vấn đề của doanh nghiệp bất động sản cần là minh bạch về môi trường kinh doanh. Có minh bạch thì thị trường phát triển lành mạnh được", Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết thêm.
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết thêm thị trường bất động sản năm qua không chỉ TP HCM mà cả Hà Nội cũng gặp khó khăn.
Ông cho biết nguồn cung năm 2019 tại TP HCM giảm đến 52% so với cuối năm 2018, trong khi nguồn cung tại Hà Nội cũng giảm 26%. Chênh lệch cung cầu khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao.
Cụ thể, giá bất động sản ở TP HCM đã tăng 12%, giá ở Hà Nội tăng 6% trong năm 2019, tùy từng phân khúc và địa bàn. Trong khi đó, các địa bàn xung quanh như Quảng Ninh, Bình Thuận giá bất động sản lại tăng trưởng rất tốt, và nhà đầu tư tập trung vào các tỉnh này.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng nguyên nhân khiến thị trường bất động sản 2019 trầm lắng là do cơ chế, chính sách không theo kịp sự phát triển, đơn cử mô hình condotel. Theo ông, năm qua, đã nhiều lần kiến nghị phải có khung pháp lí "đàng hoàng" cho loại hình này nhưng hiện vẫn chưa được.
Thứ hai là vấn đề về rà soát, thanh tra kiểm tra các dự án.
"Năm 2019 đúng là có khó khăn, nhưng tôi cho rằng thị trường bất động sản đang sàng lọc theo hướng lành mạnh hơn, và xu hướng năm 2020 cũng sẽ tiếp tục sàng lọc", TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Theo ông Lực, trong năm qua, doanh nghiệp bất động trên sàn làm ăn khá tốt, giá cổ phiếu tăng trung bình khoảng 13%.
Liên quan tín dụng cho bất động sản, ông cho biết mức tăng bình quân năm qua là 14,5%.
Về việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22, ông Lực khẳng định thông tư này sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn đối với thị trường bất động sản, vay mua nhà, sửa chữa nhà vẫn chỉ chịu hệ số rủi ro 50%, còn kinh doanh bất động sản thì hệ số rủi ro vẫn ở mức 200%.